Học sinh lớp 10 chọn tổ hợp môn, nếu 'nhầm' sẽ khó có đường quay đầu lại

20/04/2022 06:45
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Tiến sĩ Trần Văn Tính, phụ huynh và học sinh đứng trước việc lựa chọn tổ hợp môn học từ lớp 10 đồng nghĩa với việc phải quyết định chọn nghề sớm.

Kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông hiện nay ở Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố khác có xu hướng “nóng” hơn cả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong khi đó, năm học tới, khi học sinh lớp 10 đón Chương trình Giáo dục phổ thông mới với sự thay đổi về lựa chọn tổ hợp môn học khiến phụ huynh, học sinh và các nhà trường còn nhiều băn khoăn, vướng mắc cần được giải đáp.

Học hết lớp 9 có 3 con đường để lựa chọn

Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến “Hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở” do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng (thành phố Hải Phòng) tổ chức vào ngày 17/4, Tiến sĩ Trần Văn Tính, Trưởng Bộ môn phát triển Giáo dục và Con người của Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, đi đôi với sức nóng của kỳ thi chính là áp lực đối với học sinh, phụ huynh và các nhà trường.

Tiến sĩ Trần Văn Tính phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Tiến sĩ Trần Văn Tính phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

“Áp lực thi vào 10 xuất phát từ 3 nguyên nhân quan trọng. Thứ nhất là áp lực từ chính phụ huynh. Phụ huynh nhìn nhận vấn đề này như thế nào, cái quan điểm, suy nghĩ, phụ huynh lựa chọn tiếp theo con mình sẽ học tập ra sao là một áp lực rất lớn.

Thứ hai là áp lực từ chính bản thân học sinh, học sinh muốn vươn lên, đạt được thành tích mong muốn của mình. Tôi nghĩ, đây là một áp lực tốt vì các con có nhận thức để phấn đấu, phát triển bản thân. Tuy nhiên, chúng ta hỗ trợ con làm sao có định hướng tốt nhất để có thể thành công nhưng nằm trong trạng thái hạnh phúc.

Điều thứ ba, là áp lực đối với các nhà trường. Các nhà trường có học sinh đỗ điểm cao hơn, vào các trường top cao là nhà trường hạnh phúc rồi và để có báo cáo với lãnh đạo cấp trên, báo cáo với phụ huynh học sinh.

Theo quan điểm của riêng tôi, nếu như không có sự căng thẳng, khó khăn, không nỗ lực thì thành công khó mà đến được”, Tiến sĩ Trần Văn Tính nhận định.

Vậy, làm thế nào để giảm bớt “sức nóng” xuống những vẫn đạt được hiệu quả học tập tốt nhất cho các con mà phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình?

Tiến sĩ Trần Văn Tính cho rằng việc định hướng, hướng nghiệp đúng đắn sau tốt nghiệp trung học cơ sở đóng vai trò then chốt trong việc giảm áp lực cho học sinh.

Sau tốt nghiệp Trung học cơ sở, chúng ta có những định hướng nào, chọn con đường nào một cách khách quan nhất để không ảnh hưởng tới yếu tố tâm lý?

Theo chuyên gia này, có 3 định hướng được đưa ra. Đầu tiên là học tiếp cấp trung học phổ thông trong nước hoặc nước ngoài và đây là hướng tôi ưu tiên nhất và khuyến khích các con theo học.

Bởi cấp trung học phổ thông giúp học sinh có một nền tảng kiến thức nhất định để có thể thành công trong cuộc sống hiện đại kể cả học nghề; có thể thi đại học hướng tới phát triển toàn diện, cơ bản. Các con sẽ được trang bị kĩ năng, có hiểu biết toàn diện, từ đó có khả năng thích nghi tốt trong cuộc sống và hình thành nhân cách riêng.

Từ đó, các con hình thành “giá trị con người” trong tương lai. Một điều nữa là ở cấp trung học phổ thông, giá trị tuổi thơ, tuổi học trò trong cuộc đời con người cũng được đầy đủ.

Từ 15 đến 18 tuổi cũng cần có được tuổi thơ đẹp. Nếu chúng ta đánh mất tuổi thơ của mình thì quay lại sẽ rất khó.

Tất cả các con của chúng ta hiện nay đang trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với kỹ thuật số (trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn,…), công nghệ sinh học, vật lý như robot thế hệ mới, máy in 3D,…dẫn tới câu chuyện lao động và ứng dụng công nghệ tạo ra sản phẩm nhiều và chất lượng cao.

Như vậy, nếu các con không có đủ trình độ và năng lực để tiếp cận công nghệ thì khả năng công việc và sự thành công sau này khá đáng lo.

Tổng kết lại, các em học sinh hãy nhớ, nơi nào có trình độ, học vấn là nơi đó có giàu có và ở thế kỷ 21, lao động bằng chất xám là quyết định.

Học sinh Hải Phòng tham gia Kỳ thi vào lớp 10 Trung học phổ thông năm 2021 (Ảnh: LT)

Học sinh Hải Phòng tham gia Kỳ thi vào lớp 10 Trung học phổ thông năm 2021 (Ảnh: LT)

Việc lựa chọn trường trung học phổ thông cũng rất quan trọng. Phụ huynh phải xác định khả năng học tập của con để đăng ký thi vào trường trung học phổ thông phù hợp.

Ngoài các trường công lập, học sinh có thể nộp hồ sơ trực tiếp vào các trường tư thục hay học tập tại trung tâm giáo dục thường xuyên, tuỳ thuộc vào khả năng của bản thân.

Hướng đi thứ hai Tiến sĩ Trần Văn Tính đưa ra là học trung cấp hoặc cao đẳng nghề, đây là hướng nên quan tâm.

Các trường trung cấp, cao đẳng nghề hiện nay thường kết hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên trong việc giáo dục kiến thức phổ thông. Tuy nhiên, phương hướng đào tạo này có hạn chế khi học sinh phải học 2 chương trình ở 2 trường dẫn đến thời gian kéo dài hơn và tài chính, học sinh học vất vả hơn khi ở lứa tuổi 15 – 16 chưa đảm bảo sự phát triển thể chất để học nghề, làm nghề.

Hướng đi thứ ba là đi lao động ngay và làm nghề, đây là hướng Tiến sĩ Trần Văn Tính không khuyến khích.

Cái được là các con có thể tự lập để kiếm tiền sớm hơn nhưng cái mất là sức khoẻ, thiếu kinh nghiệm vì chưa được đào tạo cơ bản, cơ hội phát triển ít và có một tuổi thơ vất vả

Ngoài ra, học sinh có thể học nghề truyền thống, gia truyền của gia đình. Đây là hướng giúp giữ gìn bản sắc nhưng còn tồn tại một số hạn chế, chưa thực sự phù hợp với lứa tuổi học sinh trung học cơ sở.

Phụ huynh, học sinh cần tính toán kĩ khi lựa chọn tổ hợp môn học

Năm học 2022 – 2023, học sinh lớp 10 sẽ học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, phụ huynh và học sinh được quyền chọn lựa môn học tổ hợp.

Kéo theo đó, phụ huynh và học sinh đứng trước việc lựa chọn tổ hợp môn học từ lớp 10 đồng nghĩa với quyết định việc chọn nghề sớm.

Phụ huynh cần tính toán, cân nhắc kỹ khi lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10 của con để phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong tương lai (ảnh: Phạm Linh)

Phụ huynh cần tính toán, cân nhắc kỹ khi lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10 của con để phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong tương lai (ảnh: Phạm Linh)

Tiến sĩ Trần Văn Tính chia sẻ: “Hiện nay học sinh học đều tất cả các môn đến lớp 12 và có thể đăng ký, thay đổi nguyện vọng về khối thi thoải mái.

Nhưng lên lớp 10 năm tới, nếu không tính toán thật kỹ để chọn nghề của mình rồi từ đó chọn môn học thì khó có đường quay đầu lại.

Vì sao? Nếu học ban tự nhiên thì còn có thể học ban xã hội được nhưng nếu học ban xã hội thì rất khó để quay sang tự nhiên.

Cho nên, các trường trung học phổ thông và phụ huynh học sinh hết sức tính toán, cân nhắc để lựa chọn tổ hợp môn cho học sinh.

Theo hướng này, chúng ta phải xác định được nghề nghiệp để chọn tổ hợp môn học thích hợp.

Ở đây, lớp 10 đã phải xác định được nghề bởi nghề gắn liền với tổ hợp môn học. Nếu lựa chọn tổ hợp môn học xong rồi lại chọn nghề không phù hợp sẽ rất khó.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giáo dục phổ thông toàn diện đến lớp 9 và lớp 10 là phân hoá nghề nghiệp rất rõ ràng. Vậy để chọn nghề, phụ huynh cần dựa vào 3 yếu tố: Bản thân học sinh, nghề dự định chọn, nhu cầu xã hội.

Bản thân học sinh có nhận thức, khả năng học tập, năng lực trí tuệ, tính cách, sức khoẻ và nguyện vọng như thế nào.

Bên cạnh đó, các con có dự định chọn nghề nào và có phù hợp với bản thân không rồi cái nghề đó nhu cầu xã hội có cần hay không.

Sau khi chọn được nghề rồi mới xác định được trường học định chọn có tổ hợp môn học nào để tuyển sinh rồi tổ hợp đó có phù hợp với điểm số mình thi tốt nghiệp hay không và con mình có vào được hay không”.

Tiến sĩ Trần Văn Tính cũng đưa ra gợi ý để học sinh hiểu được bản thân từ đó lựa chọn tương lai của mình.

Trong đó, nhấn mạnh việc định hướng học tập sớm, chọn nghề đúng từ đó thay đổi bản thân để theo đuổi mục tiêu.

Quá trình này, phụ huynh cũng cần hiểu con một cách khoa học để giáo dục con hiệu quả, phát triển tối đa năng lực của con.

PHẠM LINH