Quản trị khách sạn là ngành thực chiến, muốn làm tốt phải có trình độ ngoại ngữ

10/05/2024 06:37
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Người làm việc trong lĩnh vực khách sạn đều có xuất phát điểm từ những vị trí cơ bản nhất – làm dịch vụ, muốn thăng tiến cần trình độ và sự chăm chỉ. 

Những năm gần đây, du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh và được xác định trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Nhờ đó, các ngành học về dịch vụ, du lịch, trong đó có ngành Quản trị khách sạn thu hút được sự quan tâm của người học.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết ngành học này khác gì các ngành thuộc nhóm ngành nghề Du lịch (như Quản trị nhà hàng, Quản trị du lịch và dịch vụ ăn uống, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành…), hay để làm được công việc liên quan đến dịch vụ khách sạn sẽ cần những kỹ năng nào.

Quản trị khách sạn có gì khác so với các ngành về du lịch nói chung?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thái – Trưởng khoa Khách sạn – Du lịch, Trường Đại học Thương mại cho biết, Quản trị khách sạn là chuyên ngành đào tạo về kiến thức và kỹ năng tổ chức và quản lý những hoạt động của khách sạn.

dfd14b543e349f6ac625.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thái – Trưởng khoa Khách sạn – Du lịch, Trường Đại học Thương mại. Ảnh: NVCC.

Ngành học này có nhiều điểm tương đồng với các ngành thuộc nhóm dịch vụ du lịch khác. Bởi, đây đều là những ngành hướng đến yếu tố con người. Vì thế, nhân lực của các ngành này đều cần trang bị những kỹ năng cơ bản (phục vụ, ngoại ngữ, tin học...) nhằm tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chất lượng và tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

“Sự khác biệt của ngành Quản trị khách sạn so với các ngành về du lịch khác (đặc biệt so với ngành Quản trị dịch vụ và lữ hành) cũng được thể hiện khá rõ nét.

Về phạm vi công việc, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành chủ yếu phục vụ khách hàng khi rời khỏi nơi cư trú. Công việc của ngành này tập trung nhiều vào việc phát triển và quản lý các chương trình du lịch, cung cấp dịch vụ tương tác sâu với khách hàng (như thông tin du lịch, tổ chức các hoạt động giải trí và giáo dục,…), nhằm tạo ra trải nghiệm du lịch tốt cho khách hàng và đảm bảo sự thành công của các tour du lịch.

Với ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, thường nghiêng nhiều về hoạt động ăn uống, ẩm thực…

Còn ngành Quản trị khách sạn thường tập trung vào việc quản lý và điều hành các hoạt động của khách sạn một cách khoa học và hiệu quả. Mục tiêu của những công việc này là đảm bảo khách sạn hoạt động hiệu quả, cung cấp dịch vụ chất lượng và tạo ra trải nghiệm tốt cho khách hàng”, Phó Giáo sư Nguyễn Viết Thái phân tích thêm.

Dựa trên nhu cầu của xã hội cùng nguồn lực của đơn vị, Trường Đại học Thương mại tuyển sinh và đào tạo ngành học này từ khá sớm.

Bên cạnh mục tiêu trang bị cho người học những kiến thức nền tảng về quản trị khách sạn, chương trình đào tạo còn hướng tới việc giúp sinh viên có những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về quản trị khách sạn; có khả năng hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch kinh doanh khách sạn phù hợp với thực tiễn trong điều kiện môi trường biến động; thành thạo các hoạt động tác nghiệp và quản trị (tại các bộ phận lễ tân, buồng, nhà hàng, bếp, an ninh và các bộ phận dịch vụ khác) trong khách sạn và các loại hình cơ sở lưu trú.

beauty_1582606336038.jpg
Sinh viên ngành Quản trị khách sạn - Trường Đại học Thương mại tham gia thực tập, thực tế. Ảnh: Website nhà trường.

“Một trong những thế mạnh của Khoa Khách sạn - Du lịch trong đào tạo ngành Quản trị khách sạn là mối liên kết rộng và chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khách sạn cả trong và ngoài nước. Hàng năm, khoa tổ chức nhiều đợt kiến tập, thực tập để sinh viên có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, phục vụ cho nghề nghiệp sau này.

Theo kết quả khảo sát của Phòng Khảo thí & đảm bảo chất lượng của Trường Đại học Thương mại, trên 95% sinh viên ngành Quản trị khách sạn có việc làm phù hợp sau một năm tốt nghiệp. Rất nhiều sinh viên tìm được việc làm bán thời gian tại các doanh nghiệp khách sạn ngay từ năm thứ 3, năm 4 đại học” – Phó Giáo sư Thái chia sẻ thêm.

Cũng là một cơ sở giáo dục đại học có nhiều năm tuyển sinh và đào tạo ngành học này, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành xây dựng mục tiêu đào tạo ngành Quản trị khách sạn dựa trên định hướng của trường là giúp sinh viên có năng lực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, có tính hội nhập cao, làm việc hiệu quả trong môi trường du lịch hiện đại, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp trong khu vực và quốc tế.

Trong công bố của Hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng đại học Việt Nam và khu vực UPM (University Performance Metrics), ngành Quản trị khách sạn của đơn vị này đạt 4 sao theo định hướng đổi mới sáng tạo và ứng dụng.

NTTU_Chung-nhan-UPM_nganh-Quan-tri-khach-san-1536x1084.jpg
Chứng nhận 4 sao xếp hạng đối sánh chất lượng giáo dục đại học UPM của chương trình đào tạo (đại học) Quản trị khách sạn.

Chương trình đào tạo ngành học của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng gắn với thực hành và thực tế, trong đó thời lượng học thực hành chiếm 50%.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Phan Thị Ngàn – Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: “Từ năm 3, sinh viên được tham gia học tập và thực hành tại các doanh nghiệp khách sạn từ 3 sao trở lên.

Bên cạnh hệ thống đối tác doanh nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất của trường cũng có nhiều điểm vượt trội. Với Triết lý giáo dục “Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp”, năm 2019, Khoa Du lịch đã tiếp nhận tổ chức và quản lý hệ thống căn tin của Nhà trường. Đây là môi trường để sinh viên tiếp cận với thực tiễn, cũng như khởi nghiệp.

Năm 2020, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống cơ sở thực hành gồm khách sạn, nhà hàng, bếp, bar đạt chuẩn 4 – 5 sao tại một trung tâm thương mại quận 7 với các thiết bị hiện đại. Đây là bước đầu xây dựng chuỗi hệ thống nhà hàng, khách sạn của Khoa Du lịch, tạo môi trường học tập, thực tập thực tế và cơ hội việc làm sau khi ra trường của sinh viên”.

Nhận thức chưa đúng đắn khi cho rằng học quản trị khách sạn chỉ để làm phục vụ

Khi nói về những trăn trở của mình đối với ngành học, Tiến sĩ Ngàn cho biết, đại dịch COVID-19 đã gây tác động xấu đến nền kinh tế nói chung và ngành dịch vụ, du lịch nói riêng. Do đó, nhiều học sinh và phụ huynh vẫn còn lo lắng khi để con em mình theo học ngành này.

Theo báo cáo về tình hình ngành nghề của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đại dịch COVID-19 gây nên sự thiếu hụt lao động trầm trọng trong ngành du lịch.

“Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh lượng khách du lịch quốc tế và trong nước đang tăng cao, nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường này.

Với tình hình đó, dự báo trong những năm tiếp theo sẽ có sự bùng nổ của các chuỗi nhà hàng, khách sạn 3 – 5 sao. Sinh viên học Quản trị khách sạn khi ra trường sẽ có nhiều cơ hội việc làm” – Tiến sĩ Phan Thị Ngàn nhận định.

Bên cạnh đó, theo cô Ngàn, tính cân đối trong cơ cấu nhân lực (theo ngành nghề, lĩnh vực, cấp độ chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ nhân lực cấp cao...) hiện nay chưa phù hợp. Việc mất cân đối về quy mô, số lượng và chất lượng nhân lực du lịch giữa các địa phương, vùng miền còn rõ rệt.

“Điều này đặt ra các yêu cầu đối với giáo dục, đào tạo và phát triển ngành du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu bùng nổ về nguồn nhân lực trong giai đoạn phục hồi.

Bởi nếu thiếu nhân lực du lịch (trong đó có nhân lực làm việc tại khách sạn) kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp nói riêng và các điểm đến, ngành du lịch nói chung” - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận định.

29064817256_da72795b57_k28129.jpg
Sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: website nhà trường.

Chia sẻ thêm về lý do dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành nghề này, Trưởng khoa Khách sạn – Du lịch, Trường Đại học Thương mại cho rằng, một phần điều đó đến từ nhận thức chưa đúng đắn của xã hội về ngành nghề.

“Thông thường, phụ huynh luôn muốn định hướng cho con em mình theo học những ngành nghề nhẹ nhàng, không vất vả. Trong khi đó, ngành Quản trị khách sạn lại là một ngành có yêu cầu cao về kỹ năng và thái độ làm việc; người làm nghề phải chịu được áp lực mới có thể theo đuổi nghề nghiệp.

Chính những nhận thức chưa đúng đắn về ngành nghề (đặc biệt là khi so sánh với những ngành khác có sự nhận thức rộng rãi hơn) đã tạo ra sự không chắc chắn về tiềm năng nghề nghiệp của ngành này, dẫn đến việc tuyển sinh trở nên khó khăn.

Nói thêm về suy nghĩ cho rằng sinh viên học ngành Quản lý khách sạn nhưng lại đi làm công việc phục vụ, chị Nguyễn Thị Thu Trang – Phụ trách mảng Học tập và phát triển, chuỗi nghỉ dưỡng The Five (có 19 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ và khách sạn) cho rằng đây là suy nghĩ chưa thực sự đúng đắn, đầy đủ khi nói về ngành nghề này.

“Không chỉ học ở Việt Nam, nhiều bạn chọn đi du học ngành Quản trị khách sạn ở nước ngoài, nhưng khi ra trường vẫn phải bắt đầu làm từ những vị trí cơ bản nhất – làm dịch vụ.

Mặc dù học về công việc của một người quản lý, nhưng thực tế sau khi ra trường, các bạn trẻ chưa được tuyển dụng ngay vào làm các vị trí giữ vai trò quản lý, điều hành. Điều này đồng nghĩa với việc, đa phần người làm ngành nghề này đều có xuất phát điểm giống nhau, không phân biệt vị trí – cơ hội việc làm, muốn thăng tiến trong công việc phụ thuộc phần nhiều vào trình độ, kỹ năng, sự nỗ lực của bản thân.

Hơn nữa, những người có bằng cấp sẽ có nhiều cơ hội làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, sang trọng (resort, khách sạn hạng sang), được phục vụ những con người đặc biệt, chắc chắn sẽ học hỏi được rất nhiều về tư duy, thái độ ứng xử, có cái nhìn tổng quan về ngành nghề, hiểu rõ nhu cầu khách hàng… làm hành trang phát triển sự nghiệp” – chị Trang nhận định thêm.

Ngành Quản trị khách sạn là ngành thực chiến, muốn làm tốt phải có trình độ ngoại ngữ tốt

bfbc332121c38f9dd6d2 (1).jpg
Chị Nguyễn Thị Thu Trang – Phụ trách mảng Học tập và phát triển, chuỗi nghỉ dưỡng The Five. Ảnh: NVCC

Chia sẻ thêm về ngành học này, chị Trang cho biết, sinh khi mới ra trường có thể làm việc tại khách sạn hoặc các cơ sở lưu trú ở một trong hai khối là Back Office (hậu sảnh) hoặc Front Office (tiền sảnh).

Cụ thể, Back Office là bộ phận đảm nhiệm các công việc khác nhau tại nhà hàng, khách sạn, hỗ trợ Front Office. Một số công việc của khối này như: Thư ký văn phòng tổng; sale/trợ lý sale; admin – quản trị viên, coordinator – điều phối viên của các phòng/ban như bộ phận ẩm thực, nhân sự, các bộ phận vận hành; đặt phòng – tổng đài; nhân viên buồng phòng…

Còn khối Front Office là các bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, gồm một số công việc như: lễ tân, nhân viên đứng sảnh, Bellman (hỗ trợ mang hành lý và các vật dụng khác lên phòng cho khách),...

“Tùy thuộc vào vị trí, khối lượng công việc, trình độ năng lực, quy mô doanh nghiệp… mà người làm ngành quản trị khách sạn có thể nhận được mức lương khác nhau. Thông thường, với những sinh viên mới ra trường đảm nhận vị trí admin có lương cứng từ 7 – 9 triệu/tháng, khối vận hành 6 – 8 triệu/ tháng.

Tuy nhiên, đặc thù của ngành Quản lý khách sạn là người lao động được đóng bảo hiểm full lương và có thêm Service charge (khoản phí dịch vụ tính thêm tại nhà hàng, khách sạn cùng với với thuế VAT, được cho phép thu bởi pháp luật). Tùy theo thời kỳ đông khách/vắng khách mà nhân viên khách sạn sẽ được hưởng thêm khoản phí này” – chị Thu Trang cho biết thêm.

Đánh giá sinh viên mới ra trường ngành Quản trị khách sạn, chị Trang cho rằng, đa số các bạn là người năng động, chịu khó, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ. Điều này có thể đến từ việc các bạn đã được đào tạo về tư duy ngay từ khi ngồi trên giảng đường, biết đây là ngành nghề dịch vụ, phù hợp với việc thực chiến.

Hiện nay, chương trình học của các trường cũng chú trọng đến việc cho sinh viên tham gia thực tập, thực tế, giúp các bạn có nhận thức về nghề nghiệp, có kinh nghiệm, trải nghiệm, không bị bỡ ngỡ khi đi làm chính thức.

Các bạn trẻ cũng rất tự tin, sáng tạo, đa dạng trong cách thức truyền tải, giao tiếp với khách hàng, tạo cho khách trải nghiệm mới mẻ, thú vị.

Hơn nữa, trong thời đại hiện nay, đa phần sinh viên ra trường đều có kiến thức về công nghệ, ngoại ngữ. Đây là một lợi thế của các bạn trẻ, giúp các bạn thích ứng với môi trường, làm việc theo hệ thống.

Tuy nhiên, chị Trang cũng cho rằng: “Ngoại ngữ vừa là điểm mạnh đối với những bạn có ý thức rèn luyện từ sớm, nhưng cũng là điểm hạn chế đối với nhiều bạn sinh viên mới ra trường. Nếu không có nền tảng về ngoại ngữ sẽ là một bất lợi cho các bạn khi làm trong lĩnh vực này.

Thậm chí, để có nhiều cơ hội thăng tiến trong lĩnh vực khách sạn – du lịch, biết thêm một ngoại ngữ mới (ngoài tiếng mẹ đẻ) là chưa đủ. Việc biết thêm 2 ngoại ngữ khác trở lên chắc chắn sẽ là điểm cộng lớn, nhưng rất hiếm bạn trẻ đạt được điểm cộng này.

Ngoài ra, công việc liên quan đến khách sạn – du lịch là những công việc dịch vụ tương đối vất vả. Nhiều bạn sinh viên mới ra trường đi làm chưa có kinh nghiệm dễ rơi vào trạng thái chán nản, dễ buông bỏ công việc. Nếu như không có sự đam mê, trải nghiệm sẽ rất khó để các bạn gắn bó với công việc.

0bab42f7063ea860f12f.jpg
Chị Lê Hà Phương Anh – Phòng nhân sự khách sạn Sheraton Hanoi. Ảnh: NVCC

Để trở thành nhân sự trong lĩnh vực quản trị khách sạn, chị Lê Hà Phương Anh – Phòng nhân sự khách sạn Sheraton Hanoi cho biết, khách sạn của nơi chị đang làm việc yêu cầu cử nhân trình độ đại học. Bên cạnh đó, yêu cầu chung của ngành là các bạn cần đáp ứng những điều kiện sau:

Thứ nhất, cần có tư duy về dịch vụ khách hàng, tức là phải xác định rõ đây là ngành nghề dịch vụ nhằm có thái độ phù hợp nhằm đem đến những trải nghiệm tốt nhất đến với khách hàng.

Thứ hai, cần chịu khó, ham học hỏi.

Thứ ba, việc có trình độ ngoại ngữ tốt (giao tiếp thông thạo) là đặc biệt quan trọng. Càng biết nhiều ngoại ngữ càng là lợi thế.

Ngoài ra, khi phóng viên đề cập đến tiêu chí liên quan đến tuổi tác, ngoại hình,… chị Phương Anh cho biết, trên thực tế, việc có yếu tố về ngoại hình là một lợi thế gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, những điều kiện này thường không được đề cập đến trong tiêu chí tuyển dụng của một khách sạn. Bởi không phải vị trí việc làm nào của ngành nghề này cũng yêu cầu về ngoại hình, tuổi tác,… Nhìn chung, thái độ ứng xử, khả năng đáp ứng công việc mới là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Kim Minh Châu