LTS: Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố bộ đề thi minh họa gồm 14 đề thi các môn có trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với cô Nguyễn Lệ Phương, giáo viên Địa lý, Trường THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội xung quanh đề thi minh họa môn Địa lý.
Đề Địa lý gồm 40 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài 50 phút. Thí sinh có thể sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam cho môn thi này.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Phóng viên: Đề thi minh họa trắc nghiệm môn Địa lí đã được Bộ GD&ĐT công bố. Phân tích của cô về đề thi này như thế nào?
Cô Nguyễn Lệ Phương: Đề thi minh họa môn Địa lý có 30 câu lí thuyết (75%) và 10 câu thực hành (25%).
Theo đó, câu hỏi lí thuyết nhằm vào tất cả kiến thức các phần trong chương trình môn Địa lí 12, phù hợp với khối lượng kiến thức của mỗi phần trong chương trình gồm: Địa lí tự nhiên: 7 câu; Địa lí dân cư: 3 câu; Địa lí kinh tế ngành: 10 câu; Địa lí kinh tế vùng: 10 câu; Câu hỏi kĩ năng: 10 câu. Với cơ cấu và số lượng câu hỏi của đề minh hoạ nêu trên, rất phù hợp với thời gian làm bài 50 phút.
Câu hỏi kĩ năng nhằm vào các kĩ năng cơ bản của môn Địa lí 12: Đọc Atlat Địa lí Việt Nam, nhận xét biểu đồ, phân tích bảng số liệu thống kê.
Đề thi cho sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam từ năm 2009 đến 2016 (năm tới là 2017) trong khi làm bài thi.
Đề thi minh họa môn Địa lý gồm 40 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài 50 phút. (Ảnh chụp màn hình) |
Nhìn chung, đề thi đã bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình môn Địa lí lớp 12, đảm bảo tính vừa sức của học sinh, phù hợp với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong nhà trường THPT hiện nay và có tính phân hóa rõ ràng.
Đặc biệt, đề minh hoạ đã đề cập đến những kiến thức phổ thông, cơ bản, cần thiết về đặc điểm tự nhiên, dân cư và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam mà học sinh được học trong chương trình lớp 12; những vấn đề đặt ra đối với cả nước nói chung và các vùng, đề minh hoạ đã sử dụng số liệu thống kê được cập nhật mới nhất.
Cô có thể nhận định sâu hơn về tính phân hóa của đề thi này?
Cô Nguyễn Lệ Phương: Các câu hỏi của đề thi được sắp xếp tăng dần theo 4 mức độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao: Mức độ nhận biết và thông hiểu: 60% (24 câu), trong đó nhận biết 35% (14 câu), thông hiểu 25% (10 câu); Mức độ vận dụng (thấp, cao): 40%; trong đó vận dụng thấp 30% (12 câu), vận dụng cao 10% (4 câu).
Công bố 14 đề thi minh họa trong kỳ thi quốc gia 2017(GDVN) - Chiều 5/10, Bộ GD&ĐT chính thức công bố bộ đề thi minh họa các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. |
Mức độ phân hóa của đề thi minh họa khá rõ ràng và đảm bảo được tính kế thừa về độ phân hóa của đề thi THPT quốc gia năm 2016.
Cụ thể, ở mỗi phần (Địa lí tự nhiên, địa lí dân cư, địa lí kinh tế ngành, địa lí kinh tế vùng, kĩ năng) đều phân bố các câu hỏi theo tỉ lệ 60% (nhận biết và thông hiểu) và 40% (vận dụng thấp và vận dụng cao).
Các câu hỏi của đề thi được sắp xếp tuần tự từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao thuận tiện cho học sinh trong khi làm bài thi với mục tiêu khác nhau (chỉ thi tốt nghiệp, vừa thi tốt nghiệp vừa thi vào đại học, chỉ thi vào đại học).
Lần đầu môn Địa lý thi theo hình thức trắc nghiệm, là một giáo viên Địa lý, theo cô, đề thi minh họa này có đảm bảo kiến thức và kỹ năng cơ bản của môn học không?
Cô Nguyễn Lệ Phương: Thực tế, đây không phải là lần đầu học sinh làm quen với trả lời các câu hỏi trắc nghiệm, trong các đề kiểm tra 1 tiết hay học kì, chúng tôi cũng đã ra đề kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ trắc nghiệm chiếm 30%-50% điểm số của đề kiểm tra.
Theo tôi, đề thi minh họa này đảm bảo được kiến thức và kĩ năng cơ bản của môn Địa lí.
Đồng thời giúp cho học sinh trong quá trình học tập cần chú ý đến việc rèn luyện các kĩ năng của bộ môn như: quan sát, nhận xét, phân tích, so sánh, đánh giá các sự vật, hiện tượng địa lí; xử lí và sử dụng số liệu thống kê, phân tích biểu đồ, sử dụng bản đồ, Atlat,... từ đó giúp cho học sinh hình thành các năng lực cần thiết để bước vào cuộc sống lao động và học tập sau này.
Phân tích đề thi minh hoạ, tôi thấy có một số câu hỏi yêu cầu học sinh phải biết vận dụng tri thức địa lí đã học được trong nhà trường để giải thích các hiện tượng, sự vật của thực tiễn cuộc sống về tự nhiên, dân cư, lao động, kinh tế và môi trường phù hợp với khả năng của học sinh, đây là những câu hỏi rất thực tiễn.
Trân trọng cảm ơn cô!