Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hồ Xuân Mai, Viện khoa học xã hội vùng Nam bộ chia sẻ, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ làm rõ vụ việc, dư luận không nên hoang mang và hãy tin như vậy.
Đây là bài học đắt giá đối với những người đã lỡ “nhúng chàm” và cho những ai còn có ý định gian lận trong thi cử, trong thi hành công vụ.
Tiến sĩ Hồ Xuân Mai. (Ảnh: H.L) |
Tiến sĩ Mai khuyên người dân hãy cứ tin rồi đây trong công tác thi cử sẽ quy củ hơn, “trong sạch hơn”.
Đối với vụ việc ở Hà Giang, tiến sĩ Hồ Xuân Mai nhận xét, bộc lộ sự yếu kém của ngành giáo dục, nhưng rõ ràng đối tượng cần lên án là những “thế lực đen”, “thế lực ngầm”, những kẻ đã ép buộc…
Từ những diễn biến ở Hà Giang, rất nhiều cơ quan báo, đài đã đưa ra những nghi vấn kết quả ở một vài tỉnh như Sơn La, Hậu Giang, Bạc Liêu… và so sánh với Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Mai cũng đặt thẳng vấn đề: “Tại sao Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có số thí sinh đông nhất nước mà không có nhiều điểm cao”?
Và rằng, “liệu kết quả như vậy có đáng tin?”. Sau vụ việc xảy ra ở Hà Giang, dư luận cũng đặt câu hỏi và hướng về những địa phương có lượng thí sinh cao đột biến với những điều không tích cực.
Tiến sĩ Hồ Xuân Mai đưa ra quan điểm, mọi người đều có quyền nghi ngờ nhưng cần phải bình tĩnh, cân nhắc và cẩn thận hơn. Đừng vì một nơi mà quy kết những nơi khác. “Không phải cứ thành phố lớn thì phải có số thí sinh giỏi và điểm cao nhiều hơn những nơi khác”, tiến sĩ Mai nói. Cũng không phải nơi nào có thí sinh đông thì phải có số thí sinh điểm cao nhiều hơn nơi khác”, tiến sĩ Mai nói.
Tiến sĩ Mai nhớ lại trong hơn mười năm qua, thủ khoa các kỳ thi vào đại học thuộc thí sinh những tỉnh lẻ, tỉnh nghèo và bản thân những em đó có gia cảnh rất nghèo.
Vậy thì, chuyện một vài tỉnh nghèo, số thí sinh dự thi ít mà có số em đạt điểm cao nhiều cũng là chuyện thường và cũng có thể không có bất thường.
Hà Giang nhất định phải hành động để bảo vệ danh dự cho Bí thư Triệu Tài Vinh |
Cách đây ít hôm, tiến sĩ Hồ Xuân Mai đã có buổi nói chuyện với một số học sinh tham gia đợt thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa qua. Rất nhiều học sinh bức xúc, hoang mang chỉ vì có những nghi vấn không đáng có đang lan rộng.
Các em cho rằng, không phải đạt điểm cao đều do gian lận và bài thi đều “có vấn đề”. Tiến sĩ Mai phân tích: “Do đó, chúng ta không nên tạo áp lực với ngành giáo dục bởi lúc đó đối tượng hoang mang nhất là các em học sinh vô tội”.
Tiến sĩ Hồ Xuân Mai đưa ra quan điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nhanh chóng kiểm tra, phúc khảo những nơi dư luận đang nghi ngờ và có thể ở một số nơi chưa bị nghi ngờ để giải tỏa bức xúc, hoang mang của xã hội.
Nếu nơi nào có gian lận, mạnh dạn công bố rõ ràng, rộng rãi và giao cho công an điều tra, khởi tố.
“Làm được như vậy mới trả lại công bằng cho những học sinh học thật bằng năng lực của mình và mới lấy lại được niềm tin của xã hội. Nếu không, ngành giáo dục không còn gì để mất”, tiến sĩ Mai nói.