Học sinh tiểu học có kỹ năng sống hạn chế không hẳn là do các nhà trường

14/09/2021 06:30
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lỗi không hoàn toàn do các nhà trường, rộng hơn đó là trách nhiệm của Bộ chủ quản trong vận hành cơ chế giáo dục, chưa hoặc ít quan tâm đến đào tạo kỹ năng sống.

Vụ việc một học sinh tiểu học bị điện giật tử vong trong lúc học trực tuyến ở Hà Nội mới đây khiến cho không ít phụ huynh thấy hoang mang. Theo kết luận của cơ quan chức năng thì nguyên nhân là do, thời điểm đó không có người lớn giám sát, cháu bé có lấy cây sắt chọc vào ổ điện nên bị điện giật tử vong. Điều này lại đặt ra câu hỏi về vấn đề hướng dẫn, trang bị kỹ năng cho học sinh để tránh các tai nạn thương tâm tương tự xảy ra.

Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc duy trì học trực tuyến còn sẽ phải kéo dài, trong thời gian tới làm sao để có thể đảm bảo an toàn cho các con vẫn là điều được nhiều người quan tâm.

Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sỹ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI) cho rằng: “Trong sự việc này thì rõ ràng là dù các em được học lên đến bậc tiểu học, cũng không thể gọi là lứa tuổi non nớt nữa nhưng vẫn có những tai nạn đáng tiếc xảy ra thì phần lớn là do kỹ năng sống của các em còn rất hạn chế.

Một số kỹ năng trong độ tuổi của các em đáng có để phòng thân, tự bảo vệ mình trước các nguy hiểm rình rập xung quanh thì các em lại không được trang bị đầy đủ.

Thạc sỹ Đậu Xuân Thoan - Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI). Ảnh: Trung Dũng

Thạc sỹ Đậu Xuân Thoan - Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI).

Ảnh: Trung Dũng

Trong quá trình công tác, cách đây khoảng 5 – 6 năm cũng nhiều lần tôi và các đồng nghiệp rất quan tâm và nêu lên vấn đề đổi mới, chuyển đổi số trong thời đại 4.0 với các cơ quan quản lý giáo dục. Đặc biệt là việc đề xuất, cần thiết phải tổ chức các phương thức chuyển từ học tập truyền thống sang học trực tuyến thông qua truyền hình ngay từ những thời điểm chưa xuất hiện dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Có lẽ lúc đó chúng ta chưa rơi vào tình huống cấp bách nên trước đó những đề xuất của chúng tôi đều bị bỏ ngoài tai.

Mục đích của những nghiên cứu của chúng tôi, ngoài việc theo kịp với thời đại số đang bùng nổ thì mặt khác là chúng tôi muốn làm sao để có thể xây dựng được một mô hình học trực tuyến hoặc trực tiếp qua truyền hình từ sớm. Từ đó có thể chuẩn bị dần các phương án, vừa tập huấn cho giáo viên kỹ năng ứng dụng công nghệ, vừa rèn luyện cho học sinh kỹ năng tự thân vận động. Bởi chúng tôi xác định rằng, khi học trực tuyến nhiều em phải ngồi một mình, không có thầy cô và phụ huynh bên cạnh thì rất cần trang bị kỹ năng cho các em.

Nếu học sinh trong các nhà trường được tập dượt và giảng dạy các kỹ năng sống cần thiết từ sớm, rất có thể không xảy ra trường hợp đau lòng như trên, và ai dám chắc là sẽ không lặp lại sự việc tương tự như thế xảy ra nữa”.

Nhận định về nguyên nhân khiến kỹ năng sống của nhiều học sinh cấp tiểu học còn hạn chế như hiện nay, Thạc sỹ Đậu Xuân Thoan cho rằng: “Điều này nếu truy xét cho cùng thì nó không hoàn toàn là do các nhà trường mà rộng ra đó là trách nhiệm của Bộ chủ quản trong vận hành cơ chế giáo dục, hoạch định các chiến lược giáo dục.

Cụ thể, là Bộ Giáo dục và các Sở Giáo dục địa phương chưa hoặc ít quan tâm đến đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng công nghệ trong trường học cho các học sinh. Nếu trong y tế có các trung tâm y tế dự phòng để phòng ngừa và hạn chế các tai nạn, thương tích thì tại sao trong giáo dục lại không có các mô hình trung tâm giáo dục dự phòng tương tự như thế.

Bởi trên thực tế, có nhiều lĩnh vực chính từ những trung tâm dự phòng này họ đã đưa ra những hoạch định chiến lược trong vòng 10 đến 20 năm sau, giúp hạn chế được rất nhiều rủi ro trong tương lai.

Sự việc của học sinh tiểu học như vừa qua cũng là một lời cảnh báo cho việc các cơ quan quản lý giáo dục, tới đây cần quan tâm và chú trọng hơn đến việc nâng tầm kỹ năng sống cho các học sinh trong các bậc học của nước ta”.

Nêu đề xuất một số giải pháp để có thể nâng cao kỹ năng sống cho trẻ em trong môi trường giáo dục hiện nay, Thạc sỹ Đậu Xuân Thoan cho rằng: “Bản thân tôi cũng đóng vai trò là chuyên gia nhiều năm nay cho hàng trăm doanh nghiệp và nhà trường trong cả nước về vấn đề này. Và trong những kỹ năng cần phải trang bị cho học sinh, phân theo cấp học mà tôi đã tổng hợp, đúc rút lại được thì có 3 hướng như sau:

Thứ nhất, đó là kỹ năng sống trong cuộc sống gia đình hàng ngày. Với kỹ năng này thì chúng ta cần đào tạo từ bậc học mầm non trở lên, thậm chí là người già vẫn cần đào tạo bổ sung kỹ năng này.

Lâu nay, kỹ năng này chúng ta vẫn thực hiện theo dạng truyền lại truyền thống, kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ kia trong gia đình. Nhưng trên thực tế, nhiều sự việc diễn ra không ngừng, đầy biến đổi khác nhau thì chỉ dùng chung một kỹ năng trong phạm vi hẹp không thể ứng biến hết với những sự việc mới đang diễn ra được.

Trong các nhà trường hiện nay vẫn còn chú trọng việc dạy văn hoá hơn là dạy kỹ năng sống cho học sinh. Ảnh minh hoạ: Trung Dũng

Trong các nhà trường hiện nay vẫn còn chú trọng việc dạy văn hoá hơn là dạy kỹ năng sống cho học sinh. Ảnh minh hoạ: Trung Dũng

Thứ hai, đó là kỹ năng học tập và phát triển bản thân, kỹ năng này cần thiết phải đào tạo với bậc học tiểu học trở lên.

Thứ ba, là kỹ năng lập thân, lập nghiệp, kỹ năng này có thể áp dụng đào tạo với đối tượng là học sinh cấp 3 trở lên.

Theo tôi, 3 kỹ năng này Bộ và các Sở Giáo dục có thể quán triệt và áp dụng với từng đối tượng. Đồng thời, nghiên cứu và ban hành ra các chương trình khung để cấp cơ sở họ có thể căn cứ vào đó mà thực hiện.

Tuy nhiên, để thực hiện được các lớp đào tạo này, chúng ta cũng cần cân nhắc đến đội ngũ giáo viên vì hầu hết trong các trường học hiện nay lực lượng giáo viên chủ yếu là dạy văn hoá. Đây có lẽ là vướng mắc lớn nhất khiến cho việc triển khai các lớp dạy kỹ năng sống trong trường học của chúng ta hiện nay còn chưa phổ biến.

Bởi, giáo viên trong trường học của chúng ta hiện nay đang bị phân hoá thành các loại hình như sau: Đó là loại hình giáo viên chỉ dạy văn hoá, nghĩa là khi đến trường với sở trường môn nào thì giáo viên chỉ dạy ở môn đó. Tính đa năng của những giáo viên này không nhiều nên không thích hợp để cho dạy thêm các môn kỹ năng sống.

Loại hình kế tiếp đó là giáo viên chuyên dạy kỹ năng sống, chủ yếu lực lượng này là có từ các trung tâm chuyên biệt, ai bỏ tiền theo học thì sẽ được dạy, và ngược lại, nó không có tính đại trà trong các trường học. Việc đưa các giáo viên dạy kỹ năng sống vào trường học cũng gặp không ít khó khăn do cơ chế đặc thù nên đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc việc phổ cập kỹ năng sống cần thiết cho các học sinh trong các trường học còn hạn chế như hiện nay”.

Trung Dũng