LTS: Hiện nay, học sinh phổ thông đều đang ôn tập chuẩn bị cho kì thi cuối năm. Học trò nào cũng có gắng học thuộc những câu trong đề cương ôn tập để mong đạt kết quả tốt.
Cô giáo Đỗ Quyên phản ánh tình trạng học sinh học vẹt, học để cố gắng lấy điểm thi chứ không phải lấy kiến thức đang trở nên báo động ở tất cả các bậc học phổ thông.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Học sinh vào mùa "tụng kinh" - Đó là câu nói vui của đám học trò nói về chuyện phải học thuộc lòng những môn học để chuẩn bị cho kì thi cuối năm.
Giai đoạn này, các em ở cả 3 cấp học đều chuẩn bị tăng tốc. Mặc dù ở mỗi cấp học đều có yêu cầu khác nhau về lượng kiến thức cần học nhưng đều có điểm giống nhau học sinh phải học thuộc lòng mới làm bài được.
Nếu như trước đây, học sinh chỉ cần học thuộc lòng một số kiến thức như những đoạn thơ hay, tên tác giả tác phẩm, những câu nói bất hủ… rồi bảng cửu chương, những định lý, định luật, công thức của môn toán, những từ mới, những câu mẫu, hay quy tắc ngữ pháp của môn học ngoại ngữ…
Học sinh vào mùa ôn thi. (Ảnh: P.L) |
Thì ngày nay, các em còn phải học thuộc cả những dạng toán, những bài tập lý, hóa, cách viết đoạn văn bằng tiếng Anh… chưa nói đến những môn học xã hội như sử, địa, giáo dục công dân, những bài văn mẫu… đã gây bao nỗi ám ảnh cho học trò và cho chính cả phụ huynh các em.
Chẳng riêng gì tiểu học, do áp lực của chỉ tiêu chất lượng, nhiều giáo viên buộc phải chọn giải pháp an toàn cho học sinh học thuộc đề cương thầy cô soạn sẵn.
Gần đến ngày thi, giáo viên lên đề cương và nhắc nhở các em ôn luyện hàng ngày.
Đặc biệt ở các lớp học thêm (đây cũng là cách để kéo các em vào các lớp học thêm ngày càng đông) thầy cô trực tiếp hướng dẫn cách giải vài ba chục bài Toán, Lý, Hóa, Anh văn… với nhiều dạng khác nhau.
Những bài văn cô soạn sẵn (bí quyết của nhiều giáo viên là cùng lúc soạn khoảng hơn chục đoạn văn ngắn chủ yếu ở bậc tiểu học) cho các em học thuộc.
Thế rồi về nhà, các em không phải bỏ công soạn và giải đề chỉ việc đem đề cương ra học cho nhuần nhuyễn là có đủ tự tin bước vào kì thi với kết quả tốt.
Tác hại của việc học vẹt
Có đề cương, có bài giải trong tay, những học sinh chăm học tranh thủ “tụng” bất kể ngày đêm cho thuộc lòng từng chữ. Có em mới đọc xong đề Toán đã nói ngay kết quả bằng bao nhiêu.
Nhìn các em học sinh đặc biệt ở hai bậc học là Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cầm hàng sấp đề ôn luyện. Không ít giáo viên còn yêu cầu các em học thuộc lòng những kiến thức ghi trong sách giáo khoa.
Thế rồi, học trò chẳng phải tư duy nhiều cứ tranh thủ học đêm học ngày cho bằng thuộc.
Có em còn uống cả cà phê đen để chống lại cơn buồn ngủ, em thức khuya dậy sớm mệt mỏi đến bơ phờ nhưng tay vẫn không rời sấp đề cương đang học.
Những em lười hơn lại dành thời gian đối phó như tích cực chuẩn bị “phao” chép ra từng mảnh giấy nhỏ để vào phòng quay cóp cho dễ.
Việc học thuộc lòng đã cho những bài thi giống nhau từng dấu phẩy. Nếu là những môn như Sử, Địa, Giáo dục công dân cũng là chuyện bình thường.
Nhưng với môn Tập làm văn lại chán vô cùng khi đọc gần như cả lớp cứ y chang nhau.
Nhiều giáo viên chia sẻ “Chẳng biết nên cho hàng chục bài giống nhau như thế bao nhiêu điểm cho phù hợp?"
Vì điều này cũng xảy ra không ít chuyện cười ra nước mắt khi có em cứ thắc mắc mãi: “Cô ơi nhưng bà ngoại của con không ăn trầu, lưng chưa còng và tóc vẫn đen cơ mà”.
Có phải lỗi thuộc giáo viên?
Dạy mà trò hiểu và nắm được nội dung bài trên lớp chẳng phải chuyện dễ. Giáo viên không chỉ có kiến thức tốt còn phải có kĩ năng sư phạm vững vàng, có sự đầu tư cho từng bài học về phương pháp, hình thức tổ chức tiết học sao cho hiệu quả.
Thế nhưng không ít giáo viên hiện nay, trong giảng dạy luôn chọn cho mình giải pháp an toàn là dạy theo lối “thầy đọc trò chép” để bớt đi sự đầu tư cho tiết học, bắt trò học thuộc để có điểm cao đạt được chỉ tiêu trên giao.
Những không phải giáo viên nào cũng khuyến khích học sinh phải học thuộc kiểu này. Không ít thầy cô có đề xuất ra đề “mở” thay vì đề “đóng” như hiện nay.
Nếu đề mở chắc chắn các em (hai bậc học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) chẳng cần phải học thuộc nhưng yêu cầu các em phải có khả năng tổng hợp cao, khả năng tư duy nhạy bén.
Học sinh - sinh viên Việt Nam thừa nhận trình độ tiếng Anh kém |
Những điều này học sinh của ta lại vô cùng yếu. Còn học sinh tiểu học sẽ có nhiều em sẽ không biết viết gì dù chỉ là vài dòng tả cha mẹ hay ông bà…
Mà nhà trường đâu có thể dũng cảm để chấp nhận kết quả nếu học sinh thi chưa đạt chiếm tỉ lệ cao.
Bởi thế, làm sẵn đề cương, ra đề theo hướng đóng chỉ cần thuộc bài là giành được điểm cao (mà phần đông các em học sinh vẫn thích đề “đóng” để chỉ cần học thuộc hoặc trổ tài quay cóp là làm tốt bài thi). Giáo viên cũng vì chỉ tiêu chất lượng mà thỏa hiệp.
Theo quan điểm đánh giá học sinh hiện nay mà nhiều nhà giáo dục đang hướng tới thì việc tái hiện kiến thức chỉ mới được đánh giá ở mức trung bình và khá.
Còn học sinh biết vận dụng kiến thức một cách linh hoạt, biết giải quyết những nội dung nâng cao... mới được đánh giá ở mức giỏi.
Hy vọng với quan điểm đánh giá mới này (thể hiện rõ nhất theo Thông tư 22) các trường học, các thầy cô sẽ không còn bắt học sinh phải học thuộc lòng như thế nữa.