LTS: Trước những ý kiến đề xuất cần tăng thời lượng học tiếng Anh bậc tiểu học lên 4 hoặc 8 tiết/tuần, cô giáo Phan Tuyết cho rằng để đào tạo tiếng Anh hiệu quả cần chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất cũng như giảm sĩ số lớp học.
Theo cô Phan Tuyết, cũng cần chú trọng đào tạo các kĩ năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho các em chứ không chỉ nặng về ngữ pháp như hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học 2 tiết/ tuần đang nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả đặc biệt là các nhà giáo và chuyên gia giáo dục.
Các ý kiến cho rằng dạy 2-3 tiết Anh văn/tuần mới dạy được một kĩ năng. Nhiều ý kiến đề xuất cần tăng thời lượng học tiếng Anh lên 4 hoặc 8 tiết/tuần.
Câu hỏi đặt ra “Nếu tăng thời lượng dạy tiếng Anh lên 8 tiết/ tuần thì liệu có thể “giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực ngoại ngữ để sử dụng một cách tự tin, hiệu quả, phục vụ cho việc học tập và giao tiếp đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…” như mục tiêu của dự thảo chương trình đề ra hay không?”
Dù không phải là giáo viên dạy Anh văn nhưng hàng ngày tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp dạy tiếng Anh, với học sinh đang học tiếng Anh theo chương trình hiện hành, tôi nhận thấy ngay cả việc tăng thời lượng dạy tiếng Anh lên 8 tiết/ tuần thì học sinh cũng khó đạt được mục tiêu như dự thảo đề ra vì nhiều lẽ.
Việc dạy ngoại ngữ ở trường hiện nay vẫn nặng về ngữ pháp. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Thứ nhất ở các trường học hiện nay sĩ số lớp học quá đông (nơi ít 35 em, nơi nhiều gần 60 em/lớp).
Dù có cố gắng dạy đến đâu, giáo viên cũng không có thể cho một học sinh lên phát âm dù chỉ 1 lần trong một tiết học.
Học ngoại ngữ mà không được trực tiếp giao tiếp bằng tiếng Anh hỏi sao kĩ năng giao tiếp của học sinh vừa yếu lại vừa dở?
Đó là chưa nói đến giáo trình giảng dạy của chúng ta chỉ nặng về ngữ pháp nên các em phải viết nhiều mà xem nhẹ kĩ năng nghe, nói.
Thứ hai, một tiết học tiếng Anh tiểu học 35 phút bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông 45 phút/tiết, các tiết học không được xếp liền nhau mà xếp đan xen trong cả tuần.
Với thời lượng như vậy mới chỉ đủ cho giáo viên ổn định trật tự, kiểm tra bài cũ vài em, hướng dẫn nội dung bài mới đôi khi chưa tới phần thực hành đã hết giờ.
Nói gì đến việc thầy cô muốn tổ chức cho học sinh đóng vai, xử lý tình huống để rèn luyện kĩ năng giao tiếp trước đám đông.
Những chuyện phía sau hội thi giao lưu tiếng Anh ở các cấp học |
Tiết học sau, khó có thể dạy tiếp vì nội dung chương trình không cho phép.
Cứ thế, học sinh thiếu đi phần thực hành kĩ năng cơ bản nên các em thường tỏ ra sợ sệt, lúng túng thiếu tự tin mỗi khi cần giao tiếp.
Thứ ba giáo trình tiếng Anh được biên soạn nặng về ngữ pháp mà xem nhẹ các kĩ năng nghe, nói…
Hai năm nay thời lượng dạy tiếng Anh đã tăng 4 tiết/tuần, giáo viên đã được đi đào tạo theo chuẩn Châu Âu nhưng dù thế chất lượng học tiếng Anh của học sinh cũng không được cải thiện là bao.
Nhiều em chỉ dừng lại ở một số câu giới thiệu vô cùng đơn giản như họ tên, tuổi, trường lớp.
Ngược lại những học sinh theo học tại các trung tâm ngoại ngữ dù một tuần các em học 2 buổi (mỗi buổi 2 tiết) nhưng lại giao tiếp rất tốt, kiến thức vốn từ phong phú.
Vì sao có sự khác biệt như vậy? Các trung tâm đều dạy giáo trình riêng của mình. Sách được thiết kế đẹp, hấp dẫn. Lớp học được bố trí bắt mắt với nhiều tranh, hình ảnh sinh động. Mỗi lớp dưới 15 học viên, có lớp chỉ dưới 10 em.
Các trung tâm khi giảng dạy họ không bị gò bó, bó buộc vào một phương pháp dạy học nào một cách cứng nhắc, mục tiêu cuối cùng của họ là học sinh phát âm tốt, tự tin trong giao tiếp.
Một số học sinh bật mí các em học theo kiểu vừa học vừa chơi nên rất hào hứng và thoải mái.
Như việc được nghe kể chuyện bằng tiếng Anh, thầy cô tổ chức cho học sinh đóng các hoạt cảnh, tổ chức các hội thi nho nhỏ trong lớp như thi hát, thi kể chuyện, hùng biện, tham gia các trò chơi học tập…
Hàng quý trung tâm còn tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ, dã ngoại ngoài trời để tất cả học sinh đều tham gia. Đây chính là ưu điểm vượt trội so với các lớp trong các trường học của chúng ta.
Mục tiêu dạy của các trung tâm chú trọng nghe và nói, thiên về giao tiếp. Do sĩ số lớp học ít nên các em được giao tiếp trực tiếp với thầy cô thường xuyên.
Giả sử thời gian học ngoại ngữ sắp tới tăng lên đến 8 tiết/tuần nhưng với sĩ số lớp học vẫn như thế, giáo trình vẫn nặng về ngữ pháp như vậy cũng đừng hy vọng gì chất lượng học tập của học sinh được cải thiện hơn.
Trước thềm cải cách giáo dục theo chương trình tổng thể, hy vọng việc dạy và học ngoại ngữ ở các trường học sẽ có sự chuyển biến mới.
Nếu vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất cũng như về sĩ số học sinh trong một lớp như ở các trung tâm ngoại ngữ.