Những chuyện phía sau hội thi giao lưu tiếng Anh ở các cấp học

10/12/2016 07:42
Phan Tuyết
(GDVN) - Sau những tràng vỗ tay giòn giã, những lời ca tụng, tung hô của mọi người là những tiếng thở dài như trút được gánh nặng của thầy cô giáo trong trường.

LTS: Phía sau những thành công của học sinh trong các hội thi tiếng Anh là bao công sức luyện tập khó khăn, nhọc nhằn của cả thầy và trò. Tất cả đều vì trách nhiệm phải mang về thành tích.

Cô giáo Phan Tuyết chia sẻ một bài viết tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả.

Để thực hiện đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2010” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều cấp học đã tổ chức hội thi “Hùng biện tiếng Anh”; “Nói tiếng Anh”; “Kể chuyện tiếng Anh”; “Giao lưu tiếng Anh”; “Tài năng tiếng Anh cấp tiểu học”… ở khắp nơi.

Các hội thi này phần lớn được diễn ra vô cùng sôi nổi, luôn được đánh giá là hiệu quả và thành công. Phía học sinh, nhiều em tỏ ra phấn khích, hào hứng, em nào cũng tự tin khi giao tiếp tiếng Anh một cách sành sỏi. 

Nếu nhìn vào những hội thi như thế, bất kì ai cũng phải thốt lên “Học sinh bây giờ nói tiếng Anh giỏi quá. Các em giao tiếp một cách rất tự nhiên". 

Và thế là tất cả những ai quan tâm đến giáo dục cũng có quyền hy vọng vào một lớp trẻ năng động, phát âm tiếng Anh chuẩn mực như người bản xứ.

Mỗi khi tham gia các cuộc thi tiếng Anh là cả thầy và trò cùng nhau luyện tập rất vất vả. (Ảnh minh họa, nguồn: congluan.vn)
Mỗi khi tham gia các cuộc thi tiếng Anh là cả thầy và trò cùng nhau luyện tập rất vất vả. (Ảnh minh họa, nguồn: congluan.vn)

Học sinh có thật sự giỏi tiếng Anh như mọi người nhầm tưởng? Đằng sau những hội thi thành công vang dội như thế chỉ có giáo viên đang trực tiếp giảng dạy mới hiểu hết được.

Đó là cả một thời gian khổ luyện không ngừng của cả thầy và trò mà nghe ra ai cũng phải giật mình tự hỏi:

Liệu những gì thầy và trò đã bỏ ra trước đó chỉ để đổi lại vài ba chục phút thể hiện của các em trên sân khấu liệu có đáng không?"

Trước khi hội thi diễn ra khoảng vài tháng, nhiều trường học đã bắt đầu chuẩn bị từ việc chọn lựa ra được những thành tố học tiếng Anh tốt nhất trong trường ở các khối lớp để tham gia hội thi. 

Đối tượng được thầy cô giáo nhắm tới là những học sinh đang theo học tại các trung tâm tiếng Anh.

Những chuyện phía sau hội thi giao lưu tiếng Anh ở các cấp học ảnh 2

Không đánh vật với các kì thi, lấy đâu ra thành tích?

Có được những học sinh này, thầy cô giáo sẽ đỡ vất vả hơn nhiều vì phần lớn các em rất tự tin trong giao tiếp và phát âm tiếng Anh rất tốt.

Ở một số trường xa trung tâm, việc tuyển lựa học sinh nan giải hơn nhiều. Bởi các em không có điều kiện theo học tiếng Anh tại các trung tâm nên kiến thức và kĩ năng phát âm, giao tiếp của những học sinh này vô cùng yếu. 

Có giáo viên Anh văn tâm sự “Dù đã chọn lựa rất kĩ trên trường nhưng có em chỉ phải nói vài câu trong hội thi mà tập hàng tháng trời vẫn không nhớ, không thể phát âm trôi chảy”. 

Không chỉ lo việc tập dượt, giáo viên dạy tiếng Anh phải trực tiếp viết lời giới thiệu, viết kịch bản, lời hùng biện, các câu hỏi, câu trả lời hay câu chuyện kể bằng tiếng Anh đưa cho học sinh về nhà xem trước. 

Thế rồi hàng ngày lên trường, những học sinh này được giáo viên tranh thủ những giờ nghỉ, giờ ra chơi, sau các buổi học tập trung lại để tập dượt. 

Gần đến ngày thi, là thời điểm thầy trò dốc sức không kể giờ giấc. Không chỉ có trò phải xin nghỉ học một số tiết chính khóa dành thời gian cho việc tập dượt mà chính giáo viên tiếng Anh cũng phải bỏ bê giờ dạy của mình để dồn sức dành cho đội tuyển đi thi. 

Những chuyện phía sau hội thi giao lưu tiếng Anh ở các cấp học ảnh 3

Ma trận dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường Tiểu học ở Hà Nội

Một số Ban giám hiệu nói “Không tham gia thi thì thôi, đã tham gia thi, ai cũng mong có giải”. 

Thế là thầy cô giáo trong trường cũng phải chung tay chia sẻ công việc với giáo viên Anh văn bằng cách trông lớp giúp để thầy cô Anh văn có thời gian cho đội tuyển tập dượt.

Một số giáo viên Anh văn cũng tâm sự: “Mỗi lần chuẩn bị cho một hội thi là cô trò bị vắt kiệt sức. Phần lo tập dượt, phần lo ‘thua chị kém em” thì khó ăn nói với nhà trường”. 

Hội thi diễn ra, phần trình diễn của mỗi đội cũng chỉ có mấy chục phút. Sau những tràng vỗ tay giòn giã, những lời ca tụng, tung hô của mọi người là những tiếng thở dài như trút được gánh nặng của thầy cô giáo trong trường.

Phan Tuyết