LTS: Phản ánh tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, nhà giáo Sông Mã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này là do chỉ tiêu thành tích trong giáo dục.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đã từ lâu, học sinh dù học yếu cũng mất quyền được lưu ban. Giáo viên trực tiếp giảng dạy cũng mất quyền cho các em ở lại.
Chưa bao giờ, chuyện ở lại lớp với những học sinh chưa đạt yêu cầu về kiến thức, kĩ năng lại khó khăn đến như vậy.
Không ít trường học cứ “nhắm mắt” lùa học sinh lên lớp nhưng cách này được cho là hơi “phiêu”, hơi “liều mạng”.
Bởi, bài học trả học sinh lớp 6 về học lớp 1 ở Sóc Trăng năm nào đã làm cho không ít trường học chùn bước.
Nếu trường nào bị trả lại học sinh, xem như bao tai tiếng sẽ đổ ập xuống đầu và cuốn phăng tất cả những thành tích trước đó.
Đặt chỉ tiêu thành tích quá cao gây ra nhiều hệ luỵ trong giáo dục. Ảnh minh họa: Vtv.vn |
Khổ cho giáo viên
Lớp nào có những học sinh thuộc dạng này xem như giáo viên sẽ vô cùng áp lực. Cho ở lại lớp không được mà cho lên lớp cũng không đành.
Một số thầy cô từng chia sẻ cảm giác phấp phỏng, lo âu khi cho học sinh quá yếu lên lớp.
Có giáo viên đã nói thẳng rằng “mong cho chúng nhanh ra trường mới xem như thoát nợ”.
Thường thì những em học tới lớp 5 vẫn không biết đọc, vẫn không thể viết nổi tên mình sẽ không có cơ hội vào học lớp 6.
Phần vì không thể theo nổi, phần vì cảm giác mắc cỡ với bạn bè. Con đường học tập của những học sinh này bao giờ cũng kết thúc chóng vánh như thế.
Giải pháp được cho là hoàn hảo nhất đã được ra đời
Học yếu nhưng một năm vẫn lên một lớp mà không bị ai bắt bẽ, lên án hay quy trách nhiệm. Chỉ còn một cách được cho là hoàn hảo nhất.
Đó là biến những đứa trẻ học quá yếu kia bỗng chốc trở thành những em học sinh “khuyết tật” về trí tuệ.
Có được tấm giấy chứng nhận chẳng khác gì giấy thông hành, những học sinh này ung dung lên lớp một cách đàng hoàng.
Để có được giấy chứng nhận khuyết tật, nhà trường yêu cầu cha mẹ học sinh lên trao đổi và yêu cầu mang con đi khám.
Thế nhưng có phụ huynh cương quyết “con tôi bình thường không có bệnh tật gì cả” nên nhất quyết không chịu hợp tác.
Có trường hiệu trưởng phải cương quyết “nếu gia đình không chịu đi khám, buộc phải chuyển con mình đi học trường khác. Vì ở trường này, học sinh không thể lưu ban”.
Trước sức ép của nhà trường, buộc cha mẹ phải dẫn con đi khám.
Đương nhiên họ cũng có được giấy chứng nhận chậm phát triển về trí tuệ.
Nhiều giáo viên cho rằng, nếu những học sinh này được ở lại ngay từ lớp 1 thì có lẽ các em cũng chẳng đến nỗi phải nhận mình bị khuyết tật như thế.
Học sinh sau khi được công nhận là khuyết tật sẽ được đánh giá riêng.
Có em không đánh giá, nghĩa là học được gì thì học. Có em sẽ đánh giá 50% so với kiến thức chuẩn. Và dù có học thế nào thì cuối năm vẫn lên lớp như thường.
Một nghịch lý cho thấy, càng những trường mang danh chuẩn quốc gia, tỉ lệ học sinh ngồi nhầm lớp càng nhiều.
Tại sao ư? Vì chỉ tiêu ở những trường học này luôn ở mức cao ngất ngưỡng.
Thế nên để học sinh ở lại lớp đồng nghĩa với việc nói không với mọi thành tích thi đua. Điều này, gần như rất ít hiệu trưởng làm được.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không tiếc tiền thay đổi cả chương trình dạy học với mục đích duy nhất nâng cao chất lượng dạy và học.
Vậy chẳng có lý do gì không thể xóa bỏ những Thông tư quy định về chuẩn phổ cập, trường chuẩn quốc gia, những tỉ lệ lên lớp thẳng, tỉ lệ học sinh lưu ban…
Bởi, những quy định về chỉ tiêu ấy vẫn còn thì đừng mong gì giáo dục có được sự đổi mới.