Không chỉ đơn giản học lấy kiến thức, nhiều học sinh trong số đó còn chịu áp lực nặng nề về điểm số.
Kỳ thi này chưa qua, kỳ thi khác đã tới (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN) |
Bởi thế, những học sinh này hằng ngày luôn miệt mài học tập và luôn căng thẳng vì sợ làm bài không đạt được con điểm như mong muốn.
Kì thi này chưa qua, kỳ thi khác đã tới
Thời gian này, các trường học đang vào giai đoạn thi kiểm tra giữa kỳ 2, riêng học sinh khối 9 và khối 12 còn phải trải qua kỳ thi thử theo đề của thi của Sở và Bộ Giáo dục.
Để có kết quả tốt cho kỳ thi kiểm tra giữa kỳ 2, học sinh phải ôn tập trước đó vài ba tuần.
Ôn miệt mài ngày đêm, ôn ở tiết học chính khóa, tiết phụ đạo ở trường, tiếp tục ôn ở lớp học thêm của cô thầy hoặc ở các trung tâm văn hóa.
Các trường kết thúc thi kiểm tra giữa kỳ vào tuần 27.
Học sinh chưa kịp nghỉ xả hơi lại tiếp tục lao vào ôn tập để hoàn thành bài thi 1 tiết, bài thi thử tốt nghiệp và đặc biệt là thi cuối học kỳ diễn ra vào tuần 33, 34.
Riêng học sinh khối 9 và khối 12 kỳ thi cuối kỳ diễn ra sớm hơn để các em bắt đầu lao vào
ôn vào lớp 10, ôn thi trung học phổ thông quốc gia.
Chuẩn bị cho những kỳ thi căng thẳng này, ngày nào cũng thế, nhiều em rời nhà lúc 6 giờ sáng và trở về nhà khoảng 10 giờ đêm.
Mệt mỏi, rã rời, chẳng thiết ăn uống, em nằm vật ngủ thiếp đi và tỉnh dậy vào lúc 3,4 giờ sáng lại lao vào học tiếp.
Có em chỉ ăn qua loa vài miếng cho đỡ đói lại ngồi học cho đến khuya và ngả lưng xuống giường cũng là lúc gà gáy canh đầu.
Nhiều học sinh ngại tư duy chọn giải pháp học thêm
Học sinh học thêm miệt mài không còn thời gian nghỉ ngơi một phần là do nội dung giáo dục còn nặng về lí thuyết, nhiều nội dung không thiết thực, các em vừa khó học, vừa dễ quên.
|
Phần khác, nhiều học sinh lười tư duy, lười suy nghĩ nên chọn giải pháp đi học thêm để thầy cô giải đề, hướng dẫn cách làm bài sẵn chỉ cần về nhà học thuộc hoặc khi thi quay tài liệu là xong.
Lịch học thêm mỗi môn sẽ học 2 buổi, có môn học sinh lại chọn học tới 2 giáo viên.
Nếu thi 3 môn đã học ít nhất 6 buổi/tuần, thi 4 môn học tới 8 buổi/ tuần thậm chí học 10 buổi/tuần. Hỏi còn thời gian nào nghỉ ngơi nữa?
Học thêm nhiều, đương nhiên sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt hằng ngày của các em.
Đây cũng là lý do mà các lớp học thêm của 2 bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông luôn quá tải mặc dù nhiều giáo viên không hề gây áp lực và còn từ chối nhận dạy thêm.
Vậy nên, để giảm áp lực học hành cho học sinh không chỉ chấm dứt dạy thêm là được.
Điều quan trọng nhất chính là giảm tải chương trình, thay đổi cách kiểm tra đánh giá học một đằng thi một nẻo như hiện nay.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã từng chia sẻ với báo chí:
"Chương trình giáo dục phổ thông mới là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình.
Được chọn những nội dung học tập phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, mà ngược lại, sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn".
Hy vọng điều này sẽ trở thành hiện thực để chúng ta khỏi phải nhìn cảnh học sinh ăn-học; ngủ-học; học và học suốt ngày đêm như hiện nay.