Xôn xao học sinh Trường tiểu học Đông Thái hát “Chắc ai đó sẽ về”
Vừa qua, trên mạng xã hội xôn xao một đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại hình ảnh hàng nghìn học sinh tại một trường tiểu học hào hứng hát theo lời ca khúc “Chắc ai đó sẽ về”. Đoạn clip ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận.
Để tìm hiểu rõ hơn thông tin về clip này, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với ban giám hiệu trưởng ngôi trường được cho là bối cảnh của đoạn clip trên.
Xác nhận thông tin học sinh trong đoạn clip trên là học sinh tại Trường tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội), cô Phi Thị Thanh Hương - Phó hiệu nhà trưởng cho biết clip được quay vào một buổi tập văn nghệ đầu tuần trước.
Clip học sinh Trường tiểu học Đông Thái hát bài hát "Chắc ai đó sẽ về" |
Về bối cảnh xuất hiện bài hát đó, theo cô Hương cho biết nhân ngày 8/3 sắp tới, học sinh cũ của trường về thăm lại trường và thầy cô. Các em muốn tặng thầy cô, học sinh trong trường bài hát và đã bật nhạc bài “Chắc ai đó sẽ về”. Lúc bài hát vang lên, thầy cô có mặt tại trường đều bất ngờ. Tuy nhiên, không thể ngắt nhạc luôn được nên phải đợi một lúc sau cô phụ trách mới chuyển qua bài hát khác.
Cô Thanh Hương cũng thẳng thắn chia sẻ rằng: “Những ca từ của bài hát đó hoàn toàn không phù hợp với học sinh tiểu học. Chính tôi cũng bất ngờ và không thể tưởng tượng được học sinh của mình lại hào hứng và thuộc lời bài hát này như thế”. Cô Hương cũng thừa nhận đây là sơ suất từ phía nhà trường.
Sau đó, thầy cô chuyển qua bài hát khác thì ngay lập tức học sinh cũng hào hứng hát theo luôn.
Hàng ngày, học sinh tiểu học nghe những gì?
Ngay khi clip học sinh Trường tiểu học Đông Thái hát theo lời ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” được đưa lên mạng, có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó đặc biệt đề cập đến trách nhiệm của nhà trường khi để một bài hát không phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học vang lên trong trường. Người xem vội vàng đổ hoàn toàn trách nhiệm cho nhà trường. Thực tế đây là sơ suất từ phía nhà trường. Nhưng thử đặt lại vấn đề phía xã hội và gia đình. Giáo dục trẻ nhà trường là một phần, nhưng gia đình và xã hội cũng rất lớn.
Cần phải thừa nhận rằng, trong clip, không chỉ một, hai mà là hàng trăm học sinh tiểu học đều có thể hát theo một cách thành thục lời bài hát này. Mở rộng vấn đề, “Chắc ai đó sẽ về” chỉ là một trong số nhiều bài hát được cho là không phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học nhưng các em lại có thể thuộc làu ca từ và hát theo được. Câu hỏi đặt ra là tại sao học sinh tiểu học lại thuộc lời bài hát này, các em nghe chúng từ đâu? Hàng ngày, cha mẹ, môi trường xung quanh cho các em nghe những gì, các em ảnh hường từ phim ảnh, truyền hình hay từ đâu…
Trường tiểu học Đông Thái, Hà Nội |
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã được PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Phó chủ tịch Hội tâm lý học xã hội Việt Nam giải đáp.
Việc trẻ em có thể thuộc rất nhanh các bài hát mới mà đặc biệt là các bài mới nổi hay các bài tự chế đơn giản là vì các em là sản phẩm của thế giới truyền thông, các em là những nhân tố dễ bị tác động nhất bởi sự ảnh hưởng từ ánh sáng và công nghệ... Anh chị, người xung quanh, mạng xã hội, internet và cả luồng dư luận - dẫu rằng tán đồng hay phản đối đều trở thành các yếu tố cuốn các em vào tham khảo quan tâm và các em dễ học thuộc nhanh nhất.
Thứ nữa, không thể phụ nhận những bài hát chế hay những bài nổi lềnh bềnh có giai điệu vui nhộn, có ca từ ấn tượng (dù tiêu cực), có tiết tấu không quá phức tạp nên dễ gây ấn tượng và từ đó nhớ... Các em thuộc đôi lúc vì thích, vì lặp đi lặp lại, vì sự hưởng ứng của nhiều đối tượng mà đôi lúc không biết vì sao không cần học, không cần cố... Đó là biểu hiện của trí nhớ không chủ định.
Những câu từ đôi lúc các em có thể chưa hiểu nhưng các em vẫn thuộc. Điều này ở một góc độ là bình thường... Nhưng có những ca từ mang màu sắc người lớn, thiếu sự phù hợp lứa tuổi thì ảnh hưởng tiêu cực về cảm xúc và suy nghĩ của các em. Cụ thể như các em sẽ làm gì nếu như việc khóc lóc não tính, hò hét, vật vã, hú hí... được lặp lại trong bài hát tình yêu hay cầu xin tình cảm mà các em hát thụ động theo.
Việc các bậc cha mẹ cần chú ý đến điều này đó là trách nhiệm. Hơn ai hết, cha mẹ là người gần gũi trẻ, là người cần hướng đến sự an toàn của trẻ. Về trường học, cũng cần bảo đảm sự an toàn của trẻ và không ủng hộ việc trẻ chọn lựa hoạt động giải trí hay sản phẩm giải trí không phù hợp. Việc dễ dãi hay thiếu kiểm soát những tác động tiêu cực đến các em là điều không cho phép khi để các em vô tư hát ngêu ngao những bài hát không phù hợp độ tuổi hoặc không có lợi cho sự phát triển tâm lý của các em.
Một clip được đưa ra không phải để chúng ta soi vào để tìm cách đổ lỗi cho nhau, mà cần xem xét một cách nghiêm túc về cách giáo dục trẻ, sự tác động hàng ngày dù là nhỏ nhất với trẻ sẽ ảnh hưởng ra sao. Đấy là điều mà bố mẹ cần nhìn lại, soi lại cách giáo dục trong gia đình, và xã hội, nhà trường cũng cần nhìn lại.