Quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 quy định có 2 loại cụm thi.
Kiểu cụm thi thứ nhất là dành cho xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Cùm này tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT.
Kiểu cụm thi thứ hai dành cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Cụm này tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.
Và từ đây, có ý kiến cho rằng làm vậy sẽ mất công bằng.
Đã thi thì phải chấp nhận đi xa
Như vậy khác với mọi năm, các thí sinh sẽ phải phân bố nguyện vọng rõ ràng ngay từ đầu. Điều này nghe có vẻ có sự phân biệt nào đó khi có hai dạng cụm thi, quan điểm khác lại cho rằng Bộ GD&ĐT làm như vậy là tạo điều kiện cho những thí sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp hơn.
Nhưng cũng có luồng ý kiến bày tỏ có hai dạng cụm thi, nhất là cụm thi chỉ để cho thí sinh tốt nghiệp THPT, công tác làm thi sẽ đơn giản và tính kỷ luật có thể sẽ giảm đi vì được tổ chức ở địa phương nơi học sinh theo học.
Bày tỏ quan điểm của mình, PGS. Văn Như Cương cho rằng, bản thân ông nghe qua có hai dạng cụm thi như vậy là có sự khác biệt, vì ở đây cùng một đề thi, có vẻ như không công bằng chăng? Vì cụm thi để cho thí sinh tốt nghiệp có vẻ nhẹ nhàng hơn cụm thi thí sinh thi để lấy kết quả vào đại học.
“Đã thi thì chắc chắn sẽ có những em phải đi xa” thầy Cương cho hay. Ảnh VOV |
Bên cạnh đó, việc cứ 2 tỉnh có 1 cụm thi cũng tạo nên khó khăn. Ở đây cũng có thể hiểu việc bố trí 2 tỉnh có 1 cụm thi để tránh tiêu cực (nếu có), tuy nhiên PGS. Văn Như Cương cho rằng, nếu tiêu cực thì vài tỉnh có 1 cụm cũng không ăn thua.
“Đã thi thì chắc chắn sẽ có những em phải đi xa” thầy Cương cho hay.
Có quan điểm khác, ông Lê Xuân Trung – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội) cho rằng, nếu để bàn kĩ về Quy chế kỳ thi THPT quốc gia thì lẽ cố nhiên về cảm quan nhìn vào nhiều người vẫn băn khoăn đối tượng thi chỉ với mục đích xét tốt nghiệp mà không có nguyện vọng vào đại học, cao đẳng được thi tại địa phương thì sẽ được hưởng sự nhẹ nhàng hơn.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Trồng người" thì không có chỗ để làm lại
(GDVN) - Trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam tối qua (27/2), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận có đôi lời chia sẻ với khán giả cả nước.
Ông Trung cũng nhìn nhận, nếu nhiều người cho rằng có hai loại cụm thi như vậy là chưa công bằng thì cũng chưa có cơ sở. Nếu nói như vậy là phủ định vai trò tổ chức thi của UBND các tỉnh, các Sở và địa phương đối với đối tượng dự thi.
“Tôi nghĩ việc phân thành 2 cụm thi như vậy la phù hợp trong tình hình hiện nay, nhất là năm đầu tiên chúng ta thực hiện một kỳ thi mà cả xã hội vẫn còn băn khoăn. Còn kết quả như thế nào chúng ta vẫn phải chờ tới năm sau, và có thể có chỉnh sửa” ông Trung cho hay.
Làm sao chọn được người đỗ không oan
Cũng theo quy định, khác với dự thảo quy chế thi, quy chế chính thức giữ lại thang điểm 10 thay cho thang điểm 20. Đây được coi là sự tiếp thu ý kiến của dư luận, bởi nói như PGS. Văn Như Cương nếu đổi mới áp dụng thang điểm 20 vào chấm thi thì như một sự vô duyên không cần thiết.
Theo PGS. Cương, việc giữ lại thang điểm 10 và làm tròn tới 0,25 là hợp lí, ngược lại nếu thang điểm 20 mà làm tròn tới 0,25 là rất khó khăn cho các môn khoa học xã hội, nhất lại với đề thi mở.
Năm 2015 là năm bước đầu thực hiện đổi mới trong thi và kiểm tra đánh giá học sinh. Có nhiều đổi mới trong các cấp học và từ đó thay đổi cách dạy và học của thầy cô, học sinh. Kỳ thi THPT quốc gia chung sắp tới được cả nhân dân kỳ vọng sẽ làm thay đổi căn bản lối đánh giá truyền thống.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc thi cử chỉ là phần ngọn của quá trình đổi mới, do đó còn nhiều khâu phải làm quyết liệt và có kế hoạch cụ thể. Nói kỳ thi THPT quốc gia sẽ tạo tiền đề để đổi mới căn bản, toàn diện là chưa hoàn toàn chính xác.
PGS. Văn Như Cương thì chưa có đánh giá gì từ đổi mới thi cử lần này, vì dẫu sao như nói ở trên chúng ta chỉ đang làm phần ngọn. Nếu đúng hơn, chúng ta đã phải có chương trình, sách giáo khoa mới thì mới nói tới đổi mới thi cử. Ngược lại học sinh chúng ta vẫn dùng sách giáo khoa cũ, chương trình cũ, và nói đổi mới thi cử lần này giống như một cách để tập dượt. Và, kết quả cuối cùng chúng ta vẫn đang chờ đợi.
Cái khó nhất hiện nay là việc ra đề thi cho Kỳ thi THPT quốc gia như thế nào? Bởi đây là kỳ thi 2 trong 1, thứ nữa là coi thi và chấm thi. PGS. Cương mong muốn, cuối cùng làm sao chúng ta đạt được mục tiêu, chọn được những người đỗ phải xứng đáng, không đỗ oan và chọn được những người hơn người khác để vào đại học. Đây là những điều quyết định để tạo nên thắng lợi của lần đổi mới này.
Chậm chạp
Trong lần chia sẻ mới đây của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhân dịp năm mới, khi được hỏi về quá trình đổi mới đã đến đâu? Bộ trưởng nói, phương châm chỉ đạo là thận trọng nhưng không được chần chừ, khẩn trương nhưng cũng không được vội vã, hấp tấp. Và Bộ trưởng cũng khẳng định là đang ở giai đoạn đầu?
Thực tế, Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã ban hành được hơn 2 năm nhưng công việc triển khai dường như chưa có gì thay đổi và vẫn ở giai đoạn đầu. PGS. Văn Như Cương cho rằng, nếu nói “Phương châm chỉ đạo là thận trọng nhưng không được chần chừ, khẩn trương nhưng cũng không được vội vã, hấp tấp” điều đó là rất đúng.
Nhưng xét trong tình hình hiện nay khi mà xã hội đều phải công nhận giáo dục cần thay đổi nhiều thứ, giáo viên và học sinh vẫn đang sốt ruột và cảm giác Bộ GD&ĐT làm việc một cách ì ạch.
“Riêng đổi mới thi cử chỉ là phần ngọn, nhìn chung chúng ta vẫn đang chậm chạp. Nếu nói đến năm 2017-2018 chúng ta có sách giáo khoa để thay đổi theo cách cuốn chiếu, nhưng hiện tại chúng ta chưa có khung chương trình, chưa hỏi ý kiến, chưa có khung chương trình cho từng bộ môn thì làm sao viết sách giáo khoa được. Như vậy chắc chắn là bị chậm rồi” PGS. Cương nhấn mạnh.