LTS: Chia sẻ câu chuyện thời đi học của mình, thầy giáo Sơn Quang Huyến gửi gắm nhiều bài học ý nghĩa cho những người đứng trên bục giảng và nhiều phụ huynh học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nếu bạn gõ vô Google “cái tợt mít”, thì cái bác kia không còn là “biết tuốt”. Vậy tôi sẽ nói cho bạn biết cái “tợt mít” là cái gì.
Quả mít non, bên ngoài có nhiều gai nhọn nhô ra, khi làm nhút, người ta phải gọt vỏ. Cái lát cắt vỏ mít non gọt ra đó gọi là cái tợt mít.
Cái tợt mít của thầy tôi to hơn bàn tay người lớn, được phơi khô, khi phơi, thầy đè tấm ván lên, nên khô nó vẫn phẳng chứ không co quắp lại.
Ngày chúng tôi vào lớp một, chúng tôi đã thấy cái tợt mít treo tòng teng trên góc bảng. Nhiều đứa đoán là hình con cá gỗ, vì trông giống con cá; biết được suy nghĩ của bọn trẻ trâu, cuối buổi học đầu tiên thầy mới giới thiệu:
Các em có biết cài chi (gì) đây không? Cả lớp đồng thanh “Cái tợt mít ạ”. Thầy lại hỏi tiếp “Có biết tợt mít dùng làm gì không?”. Có đứa đã có anh, chị học với thầy, nên bẽn lẽn giơ tay lên, thầy cho phát biểu “để phạt học trò hư ạ”.
Yêu thương, sẻ chia là cách tốt nhất thầy cô không cần đến “tát, quỳ”. Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại |
Thầy lại hỏi “Thế nào là học trò hư?”, thầy kêu từng bạn nói những cái hư của học trò xứng đáng bị phạt, sau đó thầy nhắc lại cho cả lớp.
Thầy lại hỏi “Qùy tợt mít có đau không?”, cả lớp lại đồng thanh “có ạ”. Thầy lại nói “Có bạn nào xung phong quỳ thử không?”; cả lớp im re.
Thầy ôn tồn nói “Quỳ tợt mít đau lắm, các em mặc quần đùi lại càng đau. Thầy không muốn đưa cái tợt mít này xuống lần nào cả, các em giúp thầy nhé”.
Thầy ở, nơi cái xái của lớp học, cửa vào “phòng ở” của thầy chỉ là tấm liếp đan bằng lá cọ. Chiều thứ bảy, thầy lại đi bộ về nhà, cách nơi lớp học hơn hai chục cây số.
Học với thầy vài tháng, chúng tôi nhận được tin thầy đã mất, do bị máy bay ném bom trên đường về nhà. Cả lớp khóc khi nghe tin thầy mất hơn cả người thân mất, cha mẹ chúng tôi lập một bát nhang thờ thầy tại cái “phòng ở” của thầy.
Thằng D. thường ngày học nửa buổi lại xin ra ngoài, nay cô giáo mới đến dạy thay cũng vậy. Thế nhưng khác hơn thường ngày, D. lên góc bảng cố gỡ cái tợt mít ra, loay hoay mãi mới được.
Một lúc sau, nghe tiếng khóc to bên ngoài, cô giáo, cả lớp mới ra xem, thấy D. đang quỳ trên tợt mít; hướng lên bàn thờ thầy thổn thức.
Câu được, câu mất, chúng tôi vẩn hiểu được lời “xưng tội” của D. Những lần D. ra ngoài, D. lẻn vào “phòng ở” của thầy, ăn bớt cơm, khoai bữa trưa của thầy; vậy mà tuyệt nhiên thầy không hề nói hay ngăn cản D. ra khỏi lớp.
D. là con mồ côi, ở với chú thím, chắc thường đói bụng; thầy biết, nên không có ý ngăn cản, ngầm giúp D. có cái ăn đến trường.
Lớn lên mỗi người mỗi ngả, khi có dịp đàn đúm, chúng tôi lại nhắc về cái tợt mít của thầy giáo cũ; nghe đâu trong biệt thự của D. có cái tợt mít treo nơi trang trọng nhất. Kể với các bạn câu chuyện của thầy tôi, nén nhang lòng gửi về thầy giáo cũ.
Ngày nay, chuyện cô giáo phạt học sinh quỳ bị phụ huynh kiện, khiến cô bị kỉ luật. Quỳ là sỉ nhục, hay giáo dục tùy góc nhìn của mỗi người.
Cách đây hơn nửa thế kỉ, thầy tôi chỉ treo cái tợt mít để răn đe học trò; học trò nhận ra lỗi của mình đã tự giác quỳ sám hối trước vong linh của thầy.
Những đứa trẻ tự nhận ra lỗi của nó khi thầy đã yêu thương, vị tha, sẻ chia cho nó; dù con trẻ, nó vẫn hiểu, mang ơn thầy đến trọn đời.
Làm thầy thật khó, nhưng cứ yêu thương, sẻ chia như thầy tôi, cái tợt mít không cần dùng đến; nếu cần dùng, học trò, phụ huynh sẽ tự lấy dùng.
Thật hạnh phúc khi được dạy những học trò như thế, phụ huynh như thế, hiểu, cảm thông với thầy, san sẻ với thầy cô.
Quỳ một lần để sám hối cái sai không làm ai chết, dù quỳ trên tợt mít như D. bạn tôi. Chỉ sợ cha mẹ dung túng cho con trước cái sai, làm tấm gương mờ, từ đó con hư, hậu quả sau này mới khiến con mình chết!
Yêu thương, sẻ chia là cách tốt nhất thầy cô không cần đến “tát, quỳ”. Thông cảm, sẻ chia với thầy cô, là cách tốt nhất phụ huynh giáo dục con mình thành người tử tế.