Học trực tuyến kéo dài tác động nặng nề lên sức khỏe tinh thần của trẻ

19/11/2021 06:49
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong giai đoạn dịch Covid- 19 từ cuối năm 2020, thế giới cũng đã chứng minh được những tổn thương về sức khỏe, tinh thần đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên.

Sức khỏe của con cái luôn là mối lo hàng đầu của các bậc làm cha mẹ, hiện nay khi việc ăn, mặc đã đủ thì mọi người sẽ lo nhiều hơn về mặt tinh thần cho con mình. Trong một xã hội thường có nhiều áp lực, trong đó trẻ bị nhiều thiết bị công nghệ “bao vây” thì những mối nguy hại về tinh thần là điều không tránh khỏi. Vậy nên việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thế hệ trẻ là việc cần làm hơn bao giờ hết.

Mỗi người cần có một cơ thể khỏe mạnh cả tâm thần và thể chất, tuy nhiên các vấn đề về tâm thần vẫn còn bị xã hội hiểu lầm, chưa có sự quan tâm đúng mức, do vậy đã vô tình tạo ra một “đại dịch” thầm lặng, nhiều gia đình cho rằng con mình kém và đổ lỗi cho trẻ. Nhưng sự thật là sự thiếu hiểu biết của các bậc cha mẹ cũng đã “góp” phần làm gia tăng những tính cách không tốt của trẻ.

Cha mẹ và toàn xã hội cần xác định rõ tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần, chia sẻ và lắng nghe, quan sát trẻ em,…để sớm nhận ra những biểu hiện lo âu, trầm cảm. Trong giai đoạn dịch Covid- 19 từ cuối năm 2020, thế giới cũng đã chứng minh được rằng những tổn thương về sức khỏe, tinh thần đặc biệt đối với trẻ em, và vị thành niên đã tăng lên gấp 5 đến 7 lần so với bình thường.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương. Ảnh: NVCC.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương. Bác sĩ Thu cho biết: “Sau khi Hà Nội nới lỏng các biện pháp chống dịch, số người đến khám sức khỏe tâm thần gia tăng hơn bình thường. Bệnh nhân đến khám ở mọi lứa tuổi nhưng nhóm tuổi vị thành niên, thanh niên chiếm tỷ lệ cao nhất.

Đa số các bệnh nhân đến khám đều chung một nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh và việc phải học trực tuyến kéo dài. Trong đó, có trường hợp bị biểu hiện rối loạn lo âu, trầm cảm khá nặng, đến mức tự hành hạ cơ thể mình. Quan trọng là nhiều khi chính các em cũng chưa nhận thức được về sức khỏe tinh thần, chưa biết cách bày tỏ vấn đề đó với cha mẹ, vì thế đã làm cho các vấn đề về sức khỏe tinh thần của các em trầm trọng hơn. Một trong những thách thức gần 2 năm nay, các em học sinh phải đối mặt với tâm lí lo lắng, bị “nhốt” ở nhà loanh quanh trong không gian chật hẹp, tự chơi với các đồ vật, điện thoại, máy tính,…khiến cho nhiều trẻ đã gặp phải vấn đề về tâm lí khác nhau

Đại dịch đang tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tâm thần của trẻ, các em bị gián đoạn việc học tập, khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn dinh dưỡng, điều kiện vì chăm sóc sức khỏe bởi quy định giãn cách. Các hoạt động vui chơi, giải trí, giao tiếp bạn bè đã bị hạn chế. Vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em cũng có chiều hướng gia tăng, không những vậy, tình trạng trẻ em mắc Covid phải cách ly điều trị xa gia đình cũng đe dọa trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của các em”.

Theo bác sĩ Thu: “Người lớn còn ảnh hưởng rất nặng về tâm lí, nữa là trẻ em. Trẻ em ở tất cả các lứa tuổi đều phải chịu tác động tiêu cực, khi không có hoạt động nào khác bên ngoài môi trường, nhiều trẻ không có người trông nom nên đã lên mạng xã hội chơi game, xem điện thoại suốt ngày, theo tôi đây là vấn đề nhức nhối nhất mà tôi đã phải tư vấn cho rất nhiều gia đình trong thời gian này.

Nhiều trẻ tiềm ẩn một số bệnh lí, lẽ ra nó không xuất hiện nhưng vì hoàn cảnh tâm lí bức bối, căng thẳng vì phải ở nhà quá lâu nên bệnh đã xuất hiện nhanh và rõ hơn, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Bệnh hay gặp và phổ biến nhất là rối loạn tâm lí, lo âu, trầm cảm. Nếu trẻ bị tình trạng bệnh lí này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến việc học tập và tương lai lâu dài của trẻ.

Về thể chất của trẻ thì ai cũng nhìn thấy bởi thế giới thực của trẻ là phải được ra ngoài thiên nhiên, được vui chơi, chạy nhảy giao lưu với các bạn, đây là những việc rất tốt cho đời sống tinh thần của trẻ. Nhưng bây giờ mọi việc như vậy bị hạn chế, bị “giam” trong nhà đến gần 1 năm, các hoạt động thể chất cũng giảm theo, nhiều trẻ bị tăng cân, tâm lý bị ức chế cũng dẫn đến đau đầu, ngủ kém, thị lực cũng kém bởi nhìn màn hình quá lâu trong thời gian dài.

Đặc biệt nếu trẻ ở nhà quá lâu cũng làm tăng nguy cơ xung đột bạo lực, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng dễ xảy ra căng thẳng, bố mẹ phải chịu áp lực về công việc, chuyện cơm áo,…dẫn đến cáu giận, con cũng ức chế dẫn đến không nghe lời nên dễ bị bố mẹ “đổ” lên đầu mọi chuyện. Nguy cơ bạo lực gia đình gia tăng”.

Theo bác sĩ Thu: "bây giờ mọi việc như vậy bị hạn chế, bị “giam” trong nhà đến gần 1 năm, các hoạt động thể chất cũng giảm theo, nhiều trẻ bị tăng cân, tâm lý bị ức chế cũng dẫn đến đau đầu, ngủ kém, thị lực cũng kém bởi nhìn màn hình quá lâu trong thời gian dài". Ảnh minh họa: T.D.

Theo bác sĩ Thu: "bây giờ mọi việc như vậy bị hạn chế, bị “giam” trong nhà đến gần 1 năm, các hoạt động thể chất cũng giảm theo, nhiều trẻ bị tăng cân, tâm lý bị ức chế cũng dẫn đến đau đầu, ngủ kém, thị lực cũng kém bởi nhìn màn hình quá lâu trong thời gian dài". Ảnh minh họa: T.D.

Rất nhiều trẻ cần điều trị tâm lí

Bác sĩ Thu cho biết: “Thời gian gần đây, tôi đã gặp và tư vấn điều trị tâm lí cho rất nhiều trẻ em, hầu hết đều có biểu hiện trầm cảm, không nói, hay cáu giận vô cớ.

Có một trường hợp nam học sinh lớp 10, theo chẩn đoán của tôi nguyên nhân là phải học trực tuyến nhiều quá, dẫn đến căng thẳng tâm lí, cáu kỉnh và mẹ cậu ta là người phải “chịu” áp lực này. Khi thấy con mình không chịu ăn, cơ thể gầy, sút cân, chính vì vậy mẹ cậu ta thường xuyên nhắc nhở việc ăn uống mà quên đi sức khỏe về mặt tâm thần của con.

Khi nhận tư vấn, tôi thấy cậu học sinh này đã giảm sút rất nhiều về mặt thể chất tinh thần, kết quả học tập rất kém, hay quên và đặc biệt sự xung đột với mẹ đã lên đến đỉnh điểm vì bị mẹ nhắc nhở nhiều về giờ giấc nghỉ ngơi, ăn uống. Cậu ta thường xuyên cáu và quát lại mẹ với những lời lẽ như “mẹ câm đi”, những từ ngữ khi nói với với mẹ mà cậu ta cũng không kiểm soát được.

Tôi nhận thấy cậu học sinh này không bị mắc chứng loạn thần gì nặng, mà đây là rối loạn trầm cảm, lo âu do sress trường diễn. Đơn giản vậy thôi và với lứa tuổi như vậy thì môi trường gia đình là nơi người ta xả stress một cách thoải mái nhất, nhưng vì những ức chế vô cớ không được giải quyết kịp thời đã dẫn tới hiện tượng tâm lí như vậy”.

Bác sĩ Thu nói: “Có một trường hợp học sinh 7 tuổi cũng ở Hà Nội, cháu bị chứng “nghiện” thiết bị điện tử, ban đầu là chơi game và khi bố mẹ nhắc nhở thu lại điện thoại thì cháu bị kích động, la hét đập phá. Hoặc gần đây có cháu 8 tuổi, bị ở nhà lâu ngày nên thường hay xem phim, thời gian gần đây cháu xem nhiều quá, ám ảnh bởi phim ma dẫn đến luôn miệng nhắc đến tên nhân vật trong phim. Cha mẹ của bé đã không cho mở lại bộ phim đó nữa nhưng cậu bé vẫn không thể quên được, vẫn luôn ngủ mơ với tình trạng hoảng hốt.

Với những trường hợp trẻ như vậy, nếu muốn khỏi nhanh thì dùng thuốc điều trị, còn không sẽ phải dùng biện pháp trị liệu tâm lí từ từ, kết hợp dùng nhiều hoạt động khác ngoài môi trường như chơi thể thao, vui đùa cùng các bạn,…Để lôi kéo trẻ thoát khỏi hiện tượng “nghiện” đó, nhưng sẽ rất lâu và gia đình phải thật kiên trì. Tôi có lời khuyên cho các bậc cha mẹ phải dành thời gian để ý đến con trẻ, tránh bỏ mặc chúng, dẫn đến những hậu quả rất khó khắc phục trong ngày một ngày hai. Tôi nhắc lại là phải quan tâm”.

Thế giới thực của trẻ là phải được ra ngoài thiên nhiên, được vui chơi, chạy nhảy giao lưu với các bạn, đây là những việc rất tốt cho đời sống tinh thần của trẻ. Ảnh minh họa: T.D.

Thế giới thực của trẻ là phải được ra ngoài thiên nhiên, được vui chơi, chạy nhảy giao lưu với các bạn, đây là những việc rất tốt cho đời sống tinh thần của trẻ. Ảnh minh họa: T.D.

Cũng theo bác sĩ Thu: "Một nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội đến Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương khám vì có hành vi gây tổn thương trên cơ thể, đáng nói là hành vi này lặp đi, lặp lại chứ không phải là lần đầu tiên. Trước khi bắt đầu năm học mới, nữ sinh này đã có biểu hiện lo âu, buồn chán và dùng vật sắc nhọn tự cắt vào tay. Thời điểm đó, gia đình gọi điện xin ý kiến tư vấn của bác sĩ, sau đó tình trạng của nữ sinh này đã được cải thiện.

Khi bắt đầu năm học mới, cùng thời điểm giãn cách xã hội nên học sinh phải học online. Học được một thời gian, nữ sinh này tiếp tục xuất hiện tình trạng buồn chán, suy nghĩ tiêu cực… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, cùng với đó là các biểu hiện hay cáu gắt và bắt đầu lặp lại hành vi hành hạ cơ thể.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã phải cho bệnh nhân dùng thuốc, kết hợp với gia đình dùng biện pháp điều trị tâm lý. Theo tôi, áp lực học tập, cùng với việc phải ở nhà lâu do dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tư tưởng của mọi người nói chung và lứa tuổi học sinh nói riêng. Với những trường hợp như nữ sinh trên, khi đang ở lứa tuổi thay đổi tâm sinh lý nên những tác động khách quan bên ngoài ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, suy nghĩ, tâm lý, hành vi”.

Bác sĩ Thu tư vấn: “Để sớm phát hiện và can thiệp kịp thời, vai trò của người thân là rất quan trọng. Bố mẹ thường xuyên phải quan tâm, giám sát các con để phát hiện những bất thường ở trẻ. Ví dụ: Trước đây con vui vẻ, hoạt bát, ngoan hiền nhưng bỗng nhiên thấy con có những thay đổi bất thường về hành vi, hay cáu gắt, rối loạn giấc ngủ thì cần đi khám chuyên khoa tâm thần sớm.

Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, cộng với việc học trực tuyến thường xuyên, nếu bố mẹ không hiểu tâm tư của trẻ, gây áp lực cho trẻ rất dễ khiến trẻ bị ảnh hưởng. Bởi vậy, phụ huynh cần thường xuyên hỏi han, chia sẻ và không gây áp lực, không giao mục tiêu, đặt kỳ vọng quá lớn với con trẻ. Phụ huynh không chỉ là người quan tâm, giám sát mà còn đóng vai trò là người bạn, chia sẻ với con để giải tỏa áp lực, căng thẳng giúp trẻ cân bằng cuộc sống, thoải mái tâm lý”.

Tùng Dương