Đóng cửa trường học quá lâu và hệ lụy với những đứa trẻ khát trường, khát bạn

17/11/2021 06:34
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại dịch đã tổn thương sâu sắc đến trẻ em, phần lớn không phải vì mắc virus mà bởi những lựa chọn của xã hội, hàng triệu đứa trẻ mất cơ hội phát triển tuổi thơ.

Trẻ con cần con trẻ, con gái tôi nói đúng, những đứa trẻ không thể cứ bị nhốt mãi trong bốn bức tường với màn hình máy tính hoặc điện thoại. Trẻ cần phải có không gian của chúng. Đó là thế giới bên ngoài, là trường lớp, là bạn bè và thầy cô để học tập, để tương tác, từ đó phát triển thể chất, trí tuệ và tâm hồn”, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội đã nói khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Bác sĩ Phúc cho biết: “Cần phân biệt các lứa tuổi của trẻ từ ấu thơ cho đến khi đi học, thông thường tâm lí lứa tuổi này phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, lúc này bố mẹ sẽ là nhất, tất cả đều nghe theo và không gì có thể thay thế được.

Tiếp theo đến lứa tuổi tiểu học từ 6 đến 11 tuổi, lúc này chúng ta luôn thấy hiện tượng khi bố mẹ bảo làm một việc gì đó thì trẻ luôn làm ngược lại, và nói rằng ở lớp cô giáo bảo thế. Đây là lứa tuổi rất thích mở rộng các quan hệ, rất dễ rơi vào trạng thái thái “thần tượng” ở mức cao hơn, hình ảnh của bố mẹ không còn là duy nhất để trẻ tham chiếu nữa.

Lúc này cô giáo sẽ là chuẩn mực, bạn bè trong lớp sẽ là điều cuốn hút trẻ hơn cả. Nếu chúng ta nhốt trẻ những đứa trẻ đó ở trong nhà một thời gian, mà xung quanh chỉ có bố mẹ, anh chị, ông bà thì rõ ràng trẻ đang bị hạn chế ở mặt giao tiếp, dẫn tới trẻ không thể phát triển được, không tham chiếu được với cô giáo, bạn bè cùng lớp”.

Theo bác sĩ Phúc: “Độ tuổi từ 12 đến 18, tâm lí lứa tuổi này mang hiệu ứng "bầy đàn", mọi việc học tập, sinh hoạt, vui chơi đều theo định hướng của cả lớp, cùng chung cảm xúc, tính chất, tâm sinh lí chung. Chính vì thế tốt nghiệp cấp II, cấp III, khi chia tay nhau thì học sinh thường viết lưu bút trong tâm trạng rất “đau thương”, rất buồn chán, một sự đổ vỡ,…khi từng cá nhân phải tách ra khỏi “bầy đàn” gắn bó nhiều năm. Nhưng rõ ràng khi lên đến bậc đại học thì những chuyện chia tay các bạn như vậy cũng bình thường, không còn ý nghĩa như cấp học dưới.

Thế giới khi chia các độ tuổi để tiêm vắc xin từ 6 đến 11, và từ 12 đến 18 tuổi, họ phân theo tâm sinh lí đặc điểm lứa tuổi, tất cả đều có nghiên cứu chứ không phải phân chia theo ngẫu hứng.

Đặc tính của trẻ có nhu cầu giao tiếp với bạn bè rất lớn, người lớn có “đóng kịch” giỏi thế nào đi nữa cũng không thể thay thế được các bạn cùng trang lứa của trẻ. Đối với trẻ em, đòi hỏi phát triển cả về thể chất và tâm hồn, trí tuệ,…Nếu như chúng ta tách biệt trẻ ra khỏi cộng đồng giao tiếp trong thời gian dài, nhốt trong nhà và không tiếp xúc với môi trường tự nhiên, tất cả những việc đó làm cho trẻ không phát triển được trí tuệ, đồng thời gây ức chế về tâm lí, gây ra những căng thẳng, sang chấn tâm lí, ảnh hưởng cực kì nguy hiểm.

Ở Việt Nam, môi trường giáo dục gia đình, học đường là thường áp đặt đối với trẻ, gây ra nỗi sợ hãi và trẻ không được phép chống lại. Nhưng ở các nước phát triển thì hoàn toàn ngược lại, trẻ con được “mở” phát triển thoải mái”.

Con người phải được ra môi trường tự nhiên

Bác sĩ Phúc chia sẻ: “Thời gian gần đây tôi cũng đã giúp cho không ít bệnh nhân lứa tuổi trên 40, họ đều rơi vào trạng thái trầm cảm rất nặng, có thể nói sắp chuyển sang tâm thần. Vợ một bệnh nhân nam kể lại rằng: Chồng tôi cứ đến 18h hàng ngày lại chờ xem bản tin nói về Covid-19, thấy rằng hôm nay số người nhiễm tăng hay giảm, cảm thấy mọi chuyện quá nguy hiểm, dần dần chồng tôi không dám đi ra ngoài, chỉ ở trong nhà vì sợ nhiễm bệnh chết.

Hiện nay bệnh nhân này đã bị rối loạn tâm lý, rơi vào trạng thái tâm thần, thờ ơ với tất cả mọi chuyện. Gia đình đã đi khám ở khắp nơi mà cũng không ra bệnh, bạn bè đến thăm nhưng cũng không tiếp vì sợ lây bệnh. Người lớn cũng bị rơi vào trạng thái như vậy, chưa nói đến con trẻ.

Hiện nay có tình trạng khi hết giãn cách, rất nhiều trẻ lên cơn đau bụng, nguyên nhân là tổn thương của đám rối dương ở vùng thượng vị (hệ thống thần kinh giao cảm). Khi con người tiếp nhận một thông tin gì đó đột ngột, sốc,…thì ngay lập tức sẽ gây nên một cơn đau quặn bụng, đó là phản vệ của hệ thống thần kinh thực vật, tiết ra các dịch vị Axit trong dạ dày gây nên đau dạ dày cấp.

Nếu chúng ta không có điều gì vui, cơ thể rơi vào trạng thái ảm đạm, đều đều như tất cả phải ở nhà trong thời gian giãn cách,…lúc này cơ thể sẽ không tiết ra được các hóc môn nội sinh kích thích tinh thần vui vẻ, mà sẽ tiết ra chất ngược lại, dẫn tới cơ thể có tâm trạng buồn chán.

Với người lớn, cơ thể đã phát triển hoàn chỉnh thì sẽ có thể tự cân bằng, nhưng nếu một đứa trẻ bị như vậy thì sẽ rất nguy hiểm, sẽ kéo theo cả cuộc đời sau này bị ảnh hưởng. Thực tế là những đứa trẻ bị nhốt ở trong nhà khoảng 10 tiếng đồng hồ một ngày, làm bạn với điện thoại và máy tính sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều đến hệ thần kinh.

Theo quy định của Hiệp hội Nhi khoa Hoa kỳ, dựa trên các nghiên cứu, họ khuyến cáo khi một đứa trẻ nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính trên 2 tiếng đồng hồ là đã bị coi là “nghiện”, khi nghiện màn hình rồi đến một lúc nào đó sẽ không khác gì nghiện ma túy, sẽ bị lệ thuộc, dẫn đến thụ động, không phát triển sự thông minh”.

Con người phải được ra môi trường tự nhiên. Ảnh minh họa: T.D.

Con người phải được ra môi trường tự nhiên. Ảnh minh họa: T.D.

Theo bác sĩ Phúc: “Tôi đã đi rất nhiều nước trên thế giới, vào thăm các lớp từ mẫu giáo đến phổ thông để xem họ tổ chức lớp học ra sao. Thường buổi sáng, những đứa trẻ được hướng dẫn tổ chức thành nhóm để thảo luận về Lịch sử, Địa lí hay một việc gì đó, và buổi chiều các em được ra ngoài không gian tự nhiên, có thể đi bộ, vừa đi vừa học, hoặc ngồi với nhau ngoài công viên để trao đổi dưới sự hướng dẫn của giáo viên,...

Nếu trẻ không được giao hòa với tự nhiên trong thời gian dài, đứa trẻ đó sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng, ức chế, từ đó dẫn tới cáu giận, suy nghĩ tiêu cực, không nghe lời,…Khi đứa trẻ rơi vào trạng thái buồn chán thì cơ thể không tiết ra được các hóc môn hạnh phúc, không cảm giác được hưng phấn, dần rơi vào trạng thái tiêu cực, ảnh hưởng về thể chất bởi tất cả những hóc môn có lợi đều liên quan đến tăng trưởng.

Điều đầu tiên trẻ sẽ rối loạn về đường tiêu hóa, bị táo bón, bị đau dạ dày, và tôi thấy hiện nay tỷ lệ trẻ bị đau dạ dày, táo bón rất nhiều, tăng đột biến. Nếu trẻ bị táo bón dài ngày sẽ dẫn tới ung thư đại tràng, ảnh hưởng tới tính cách và tâm sinh lí, luôn nghĩ điều tiêu cực”.

Chúng ta không thể bất công với trẻ

Bác sĩ Phúc nêu quan điểm: “Tôi thấy nhiều gia đình rơi vào bế tắc, không biết cách giải quyết ra sao, con cái của họ phải chịu “thảm họa” thực sự trong thời gian này. Nhưng ngược lại, có nhiều gia đình đã có hướng giải quyết hiệu quả, họ kết nối với các nhóm bạn của con qua các phần mềm công nghệ video, đây có thể là nhóm kết nối đầu tiên.

Cách thứ 2, có thể vi phạm quy định giãn cách nhưng đôi khi vì con trẻ, bắt buộc bố mẹ phải “xé rào”. Chúng ta có thể kết nối con và các bạn cùng tầng trong tòa nhà, những đứa trẻ học cùng nhau, nếu các gia đình đảm bảo an toàn phòng dịch, sẽ thống nhất cho những đứa trẻ đó chơi cùng nhau.

Đây là câu chuyện cực kì khó khăn của từng gia đình, vậy nên có một giải pháp nữa, những cái gì là tổng thể của toàn xã hội, mà cụ thể ở đây là phải cho trẻ được đến trường, phải mở các dịch vụ giáo dục, mở cửa công viên bởi trên thế giới họ đã áp dụng mô hình Toán học, họ đưa tất cả các dữ liệu, sự kiện, sự việc xảy ra cùng các nghiên cứu trong thực tế,…Họ thấy rằng không gian ngoài trời như công viên, quảng trường, bãi biển ở trên thế giới cho đến nay chưa thấy bùng phát các ổ dịch lớn, chỉ là một vài trường hợp cá nhân lẻ tẻ, hoàn toàn có thể khống chế được.

Vậy tại sao chúng ta đóng cửa công viên, trường học, bãi biển, quảng trường mà không cho trẻ ra những nơi như vậy? Theo tôi, chúng ta nhốt trẻ ở nhà bởi sợ chúng đi ra đường sẽ lây bệnh rồi về nhà lấy cho mọi người, như vậy là chúng ta lo cho chính bản thân chúng ta, chứ không phải lo cho trẻ. Trẻ con giáo dục chúng biết giữ vệ sinh phòng bệnh cũng dễ thôi, hướng dẫn là chúng sẽ biết cách phòng dịch, tại sao người lớn không tin tưởng vào điều đó, mà lại cứ cấm?

Trên toàn thế giới, và Florida là bang đầu tiên từ sau tháng 3/2020 đã cho trẻ đến trường, sau đó họ nghiên cứu không có bằng chứng liên hệ giữa học sinh đi học với bùng phát dịch Covid. Sau đó là Anh, Châu Âu,…từ đầu năm 2021 đã cho trẻ con đi học”.

Chúng ta không thể bất công với trẻ. Không thể để những đứa trẻ khát trường, khát bạn tiếp tục ngồi một mình trong bốn bức tường chờ đợi hai mũi vaccine để có thể gặp nhau. Ảnh minh họa: T.D.

Chúng ta không thể bất công với trẻ. Không thể để những đứa trẻ khát trường, khát bạn tiếp tục ngồi một mình trong bốn bức tường chờ đợi hai mũi vaccine để có thể gặp nhau. Ảnh minh họa: T.D.

Bác sĩ Phúc nhấn mạnh: “Khi giáo dục các hành vi cho một đứa trẻ dưới 10 tuổi thì mọi chuyện sẽ dần trở thành thói quen ở trong tiềm thức. Còn trên 10 tuổi sẽ rất khó cho trẻ trở thành phản xạ tự nhiên. Ví dụ: Muốn trẻ có thói quen vệ sinh cá nhân vào buổi sáng thì nên dạy trẻ dưới 10 tuổi, còn nếu dạy sau 10 tuổi thì rất khó để những việc đó thành thói quen, lúc này tùy thuộc vào ý thức mà thôi.

Vậy nên các nhà trường rất cần có những biện pháp, giải pháp về giáo dục và nhân cơ hội dịch bệnh hiện nay, biến những nguy cơ đó thành cơ hội để giáo dục trẻ biết cách phòng chống bệnh, thành phản xạ tự nhiên để bảo vệ chính mình và những người xung quanh, thay vì cứ nhốt trẻ ở nhà như hiện nay.

Mở cửa trường học có thể phải chấp nhận số ca trẻ nhiễm Covid sẽ tăng. Vaccine không phải lá bùa miễn nhiễm. Từ đầu năm 2021 đến nay, hàng triệu trẻ em trên thế giới đã đến trường an toàn, trong khi dịch bệnh ở những quốc gia ấy vẫn đang hoành hành dữ dội, điều đó càng xói mòn quan điểm cho rằng trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ mới có thể đi học.

Chúng ta không thể bất công với trẻ. Không thể để những đứa trẻ khát trường, khát bạn tiếp tục ngồi một mình trong bốn bức tường chờ đợi hai mũi vaccine để có thể gặp nhau. Đại dịch đã tổn thương sâu sắc đến trẻ em, phần lớn không phải vì trẻ mắc virus mà bởi những lựa chọn của xã hội. Gần hai năm trời, hàng triệu đứa trẻ mất cơ hội học tập, sự phát triển và tuổi thơ, đặc biệt là những em cần sự giáo dục và chăm sóc đặc biệt như tự kỷ, chậm phát triển”.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Tùng Dương