Hè về, cũng là lúc phụ huynh tất tả tìm lớp học cho con. Số lượng học sinh có nhu cầu học hè đông nhất phải kể đến các em chuẩn bị vào lớp 1.
Trong số học sinh chuẩn bị vào lớp 1, có em chưa biết “một chữ cắn đôi” nhưng lại không ít em đã đọc thông viết thạo. Dù vậy, đa phần phụ huynh vẫn có thói quen cho con phải đi học thêm trong hè và thực chất là đi học trước chương trình lớp 1.
Lý do khiến phụ huynh cho con học trước chương trình là “sợ con không thể theo kịp bạn bè”; “sợ con không thể theo kịp chương trình”; hay sợ con sẽ trở thành “con vịt lạc đàn” trong lớp.
Dù nhiều học sinh đã biết chữ thì giáo viên lớp 1 vẫn phải dạy từng âm vần như quy định. Ảnh minh hoạ |
Nếu trẻ chuẩn bị vào lớp 1 không đi học trước có theo kịp?
Nhiều phụ huynh băn khoăn, trẻ chuẩn bị vào lớp 1 không đi học chữ trước (gọi là tiền lớp 1) có theo kịp chương trình không? Câu trả lời của một giáo viên có thâm niên nghề gần 30 năm dạy bậc tiểu học khẳng định ngay rằng: “Chắc chắn các bé sẽ theo kịp chương trình chỉ sau vài tuần học. Các bé sẽ biết đọc, biết viết nhanh thôi".
Cháu nào chậm hơn thì kết thúc chương trình học kỳ 2 cũng sẽ đạt đúng chuẩn kiến thức kỹ năng theo yêu cầu. Chỉ ít em trong số đó có hạn chế về nhận thức nhưng không được sự chăm lo của bậc phụ huynh mới khó đạt được chuẩn kỹ năng theo yêu cầu".
Tuy nhiên, có một thực tế rất dễ nhận ra là các bé sắp vào lớp 1, nếu không đi học chữ trước khi bắt đầu vào học sẽ có phần hụt hơi so với các bạn học trước. Tuy nhiên, sau khoảng vài tuần học thì chưa chắc trẻ học trước đã nhanh hơn các bạn không đi học hè.
Bởi vì, vào lớp 1 dù học sinh có đọc thông viết thạo gần hết lớp thì khi dạy thầy cô vẫn phải dạy từ nét cong, nét móc, từng âm vần theo đúng quy định của chương trình.
Những học sinh đã đọc thông viết thạo, nhìn vào bài học sẽ đọc vanh vách. Thầy cô cũng sẽ thường xuyên gọi các em đọc mẫu. Những học sinh chưa biết chữ gì sẽ có phần hơi khớp nên có em sẽ khá tự ti.
Ngược lại, những em đã biết chữ do học trước lại có phần tỏ ra chủ quan nên thường lơ là khi nghe thầy cô giáo hướng dẫn. Bên cạnh đó, không phải học sinh nào học trước cũng tìm đúng thầy cô dạy kèm vừa có chuyên môn, vừa có tâm. Vì thế, có em viết sai mẫu, đánh vần ngược.
Chỉ khoảng vài tháng đầu, khi được thầy cô giáo giảng dạy tận tình, nhiều em thua bạn trước đây đã bứt phá lên một cách rõ nét và vượt xa một số học sinh biết chữ trước đó.
Vì thế, học sinh vào lớp 1 không cần phải học chữ trước vẫn không có gì đáng lo ngại. Học hết chương trình các em cũng sẽ đạt được các kỹ năng nghe, nói, đọc viết một cách thành thạo.
Tuy nhiên, không phải 100% các em sẽ đạt được 4 kỹ năng nêu trên. Sẽ có những học sinh đạt được yêu cầu một cách rất vất vả, một số học sinh lại không thể đạt được. Vì thế có những em không cần học trước nhưng có những em lại rất cần sự chuẩn bị chu đáo từ phía gia đình.
Những học sinh nào cần sự nỗ lực chuẩn bị sớm?
Đó là những em có trí nhớ kém nên học trước quên sau, những em, tiếp thu kiến thức có phần chậm hơn các bạn. Chương trình mới, lượng kiến thức một tiết học yêu cầu nhiều hơn trước đây.
Có tiết học phải học đến 2 hoặc 3 âm vần. Đã thế, tiết ôn tập lại khá ít. Vì thế, kiến thức ngày hôm nay, chưa kịp thuộc đã bị nhồi thêm kiến thức mới. Và như thế, em nào kém quá sẽ mỗi ngày một đuối dần cho đến lúc không thể theo nổi.
Học trước không nhất thiết phải đọc thông viết thạo mà chỉ cần nắm chắc bảng chữ cái, biết đọc, biết viết một số âm vần là được. Vì thế trong những ngày hè, mỗi ngày phụ huynh cần dành một khoảng thòi gian nhất định cho các em làm quen bảng chữ cái. Rèn cho các em cách cầm bút cho chắc, điểm đặt bút cho chuẩn khi viết bài.
Song song với việc cho bé làm quen với bảng chữ cái, cách viết, cách đọc một số âm vần đơn giản, cha mẹ cần trang bị thêm cho các em một số kĩ năng như bảo vệ và chăm sóc bản thân như đi tiêu, đi tiểu biết lau chùi, dội nước. Hướng dẫn trẻ biết nói lời yêu cầu đề nghị với bạn, với thầy cô. Biết tương tác với bạn bè, biết cách học theo nhóm, làm việc tập thể hiệu quả. Những điều này, sẽ giúp các bé nhanh hoà nhập trong môi trường giáo dục mới.
* Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.