Học từ xa để phòng Covid, cần lắm sự hy sinh tận tụy của thầy cô

21/02/2021 06:37
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi nhà trường có kế hoạch rõ ràng, khi thầy cô giáo hết lòng hết sức tận tâm với học trò thì việc các em nghỉ dài ngày trong mùa dịch cũng không đáng lo ngại lắm

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh nhiều tỉnh thành đang phải nghỉ đến trường. Ngày 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các Sở Giáo dục và các trường trung học phổ thông trực thuộc về việc thực hiện chương trình giáo dục và phòng chống dịch Covid-19.

Khi thầy cô giáo tận tâm, học sinh sẽ học ngày tiến bộ (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân)

Khi thầy cô giáo tận tâm, học sinh sẽ học ngày tiến bộ (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân)

Công văn hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện dạy học trực tuyến (qua internet, trên truyền hình) trong trường hợp học sinh nghỉ học ở trường.

Nhiều tỉnh thành trong cả nước vẫn đang nỗ lực dạy học bằng nhiều hình thức để các em dù “nghỉ đến trường nhưng không ngừng học”.

Không phải địa phương nào cũng triển khai tốt việc dạy học trực tuyến do nhiều điều kiện khách quan mang lại.

Không phải học sinh nào cũng được ba mẹ quan tâm hướng dẫn thêm cho học ở nhà. Vì thế, nhiều thầy cô giáo vẫn rất lo lắng cho chất lượng học tập của các em khi trở lại trường.

Điều này, vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của những thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm.

Bởi, chỉ cần thầy cô giáo chủ nhiệm có tâm, chịu hy sinh vì học sinh một chút thì việc hỗ trợ, giúp đỡ các em lấy lại kiến thức đã rơi vãi trong thời gian nghỉ quá dài cũng không phải là chuyện khó.

Giáo viên tự điều tiết thời gian giữa các tiết dạy trong buổi

Ở bậc tiểu học, lợi thế hơn những bậc học khác. Dù đã có những giáo viên dạy chuyên như Anh văn, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục…nhưng giáo viên chủ nhiệm hiện vẫn đảm nhận dạy khá nhiều môn học.

Bởi thế, các thầy cô giáo chủ nhiệm sẽ biết cách điều tiết nội dung giữa các tiết học sao cho hợp lý và hiệu quả nhất.

Ví như một tiết học như sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoài giờ, thời gian sinh hoạt đầu giờ, những tiết ôn tập, bổ sung…thầy cô đều tận dụng để giúp học sinh ôn tập những kiến thức trọng tâm và hỗ trợ thêm cho những em chậm tiến.

Tranh thủ thời gian trống tiết để xin tiết dạy của giáo viên chuyên

Một buổi học gần như giáo viên chủ nhiệm nào cũng được nghỉ vì trống tiết.

Bởi thế, nhiều thầy cô thường xin tiết giáo viên dạy các môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, kỹ thuật, Thể dục…để dạy và phụ đạo cho học sinh của mình.

Hoặc, thầy cô sẽ phân loại học sinh trong lớp những em đã nắm chắc kiến thức vẫn đi học các tiết chuyên.

Những em học yếu, kém, có lực học đuối của lớp thầy cô sẽ kèm đặc biệt trong giờ nghỉ của mình.

Ở bậc trung học giáo viên nên tận dụng triệt để 15 phút đầu giờ

Học sinh những bậc học này thường có 15 phút đầu giờ để sinh hoạt. Nhiều thầy cô giáo chủ nhiệm (dạy những môn trọng tâm) đã tận dụng thời gian này để giảng lại một số kiến thức cho học sinh hiểu thêm.

Nếu thầy cô chủ nhiệm dạy những môn học khác thì dành thời gian cho cả lớp sửa bài tập về nhà và sẽ có những học sinh giỏi hỗ trợ những bạn chưa làm được.

Dạy phụ đạo miễn phí ở trường

Ngoài sự nỗ lực của giáo viên đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm thì vai trò của nhà trường cũng vô cùng quan trọng.

Với những trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày, việc ôn tập cho học sinh cũng khá thuận lợi. Những trường chỉ học 1 buổi/ngày, nhà trường cần bố trí một vài buổi chiều để phụ đạo miễn phí cho học sinh.

Trước là lấy tinh thần tự nguyện, sau là kết hợp phân công giáo viên dạy phụ đạo. Khi nhà trường có kế hoạch rõ ràng, khi thầy cô giáo hết lòng, hết sức tận tâm với học trò thì việc các em học sinh nghỉ dài trong mùa dịch cũng không đáng lo ngại lắm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên