Hội thảo khoa học nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trong cơ sở GDĐH

23/08/2024 14:08
Bài và ảnh: Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Giáo dục mầm non đóng vai trò nền tảng giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ và các kỹ năng xã hội cơ bản.

Sáng ngày 23/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức hội thảo khoa học “Phổ biến tri thức mới, mô hình tiên tiến kết quả nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trong cơ sở giáo dục đại học”.

GDVN_100.JPG
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Trần Nam Tú – Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, xu thế phát triển với tốc độ cao của nền khoa học, công nghệ trên thế giới và Việt Nam đặt ra bài toán làm thế nào để đưa những tri thức khoa học, gắn kết các nghiên cứu... trong lĩnh vực giáo dục mầm non.

"Trong lĩnh vực về giáo dục mầm non chúng ta đã tổ chức rất nhiều hoạt động để gắn kết với nhau. Tuy nhiên, liên quan đến khoa học giáo dục nói chung và khoa học giáo dục mầm non, qua quan sát, theo dõi, chúng tôi nhận thấy lĩnh vực chúng ta vẫn còn nhiều thiệt thòi. Do đó, làm thế nào để tạo ra một môi trường, sân chơi hấp dẫn cho các nhà khoa học, các thầy cô trong lĩnh vực này có thể kết nối lại với nhau một cách sâu rộng", Tiến sĩ Trần Nam Tú bày tỏ.

DSCF1805.JPG
Tiến sĩ Trần Nam Tú – Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu chào mừng hội thảo, Tiến sĩ Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục, đóng vai trò nền tảng giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ và các kỹ năng xã hội cơ bản. Nó chuẩn bị cho trẻ em những kỹ năng cần thiết để bước vào các cấp học tiếp theo với sự tự tin và các phẩm chất, năng lực cần thiết.

Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, khi yêu cầu của xã hội đối với giáo dục ngày càng cao, các xu hướng giáo dục phát triển đa dạng và công nghệ số được ứng dụng rộng rãi, việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trở nên cấp thiết.

Chính vì lẽ đó, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025” với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

gdvn_3.JPG
Tiến sĩ Bùi Kiên Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phát biểu chào mừng tại hội thảo.

Theo Tiến sĩ Bùi Kiên Cường, hội thảo “Phổ biến tri thức mới, mô hình tiên tiến kết quả nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục đại học” chính là một hoạt động thực tiễn để hiện thực hóa các mục tiêu đó. Đây là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau chia sẻ, thảo luận và đề xuất những giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và hội nhập quốc tế.

“Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được thành lập từ năm 1967. Với lịch sử 57 năm xây dựng và phát triển, chúng tôi tự hào là một trong bảy trường Sư phạm chủ chốt quốc gia, là nơi đã đào tạo ra nhiều thế hệ giáo viên xuất sắc, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục của đất nước. Với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết và cơ sở vật chất ngày càng hiện đại, Nhà trường không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Chúng tôi đang phấn đấu để đến năm 2030, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sẽ trở thành “Trường Đại học đa ngành, định hướng đổi mới sáng tạo có uy tín của Đông Nam Á; là trung tâm học thuật và kiến tạo động lực phát triển mới và bền vững cho khu vực phía Bắc và cả nước thông qua đào tạo nguồn nhân lực đa ngành chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao tri thức, gắn kết và phục vụ cộng đồng”.

Trong suốt 50 năm đào tạo tại Xuân Hoà và gần 2 thập kỷ thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non cho cả nước, nhà trường đã cung cấp cho xã hội gần 5.000 cử nhân và thạc sĩ hệ chính quy, cùng hàng nghìn giáo viên, cán bộ quản lý hệ vừa làm vừa học cho các địa phương. Đây là những đóng góp thiết thực của chúng tôi vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của đất nước”, Tiến sĩ Bùi Kiên Cường nhấn mạnh.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng bày tỏ sự tin tưởng thông qua hội thảo lần này sẽ cùng chia sẻ những tri thức mới nhất trong lĩnh vực giáo dục mầm non và đào tạo giáo viên mầm non. Bên cạnh đó, thảo luận về các mô hình tiên tiến và kết quả nghiên cứu khoa học có thể áp dụng để nâng cao chất lượng đào tạo. Đề xuất các giải pháp cụ thể để cải thiện chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và đánh giá trong các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, các nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý giáo dục.

“Tôi hy vọng rằng các nội dung nghiên cứu, các mô hình giáo dục được chia sẻ, trao đổi trong hội thảo sẽ nhanh chóng được triển khai trong thực tiễn, giúp các cơ sở giáo dục và các nhà giáo có thể áp dụng hiệu quả trong quá trình giảng dạy, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên mầm non. Từ đó, chúng ta có thể cùng nhau nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai”, Tiến sĩ Bùi Kiên Cường chia sẻ thêm.

Trong khuôn khổ hội thảo, đã diễn ra 2 phiên thảo luận với các báo cáo tham luận các đề tài liên quan.

Phiên thứ nhất “Các xu hướng nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non và giải pháp nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho giáo viên và sinh viên sư phạm mầm non” có 3 nội dung tham luận được báo cáo gồm:

Một số xu hướng nghiên cứu khoa học giáo dục mầm non hiện nay – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Lâm – Trưởng khoa, Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày.

gdvn_7.JPG
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Lâm trình bày báo cáo.

Các chương trình học tập cảm xúc – xã hội cho trẻ mầm non trên thế giới và định hướng tổ chức trong trường mầm non ở Việt Nam – Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Vĩnh, Trưởng khoa, Khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại Sư phạm, Đại học Huế trình bày.

GDVN_5.JPG
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Vĩnh trình bày báo cáo.

Giải pháp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục mầm non cho giáo viên và sinh viên sư phạm mầm non - Tiến sĩ Lê Thị Luận, Phó Giám Đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu giáo dục mầm non, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trình bày.

GDVN_8.JPG
Tiến sĩ Lê Thị Luận trình bày báo cáo.

Phiên thứ hai “Công tác phát triển chương trình để nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục mầm non ở các trường sư phạm và vấn đề thực tiễn” có 3 báo cáo tham luận, bao gồm:

Phát triển chương trình đào tạo giáo viên mầm non tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 theo hướng hiện đại, tiên tiến – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa, Khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trình bày.

GDVN_10.JPG
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương trình bày báo cáo.

Phát triển chương trình đào tạo ngành Giáo dục Mầm non ở Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế do Tiến sĩ Trịnh Thị Xim - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương trình bày.

gdvn_13.JPG
Tiến sĩ Trịnh Thị Xim trình bày báo cáo.

Công tác nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên – Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Chung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc trình bày.

GDVN_14.JPG
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Chung trình bày báo cáo.

Sau các phần phát biểu tham luận, các đại biểu tham gia chương trình đã dành thời gian trao đổi, thảo luận, làm rõ thêm một số ý kiến xoay quanh các nội dung này.

Hội thảo khoa học lần này là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, giảng viên, cán bộ quản lý mầm non, giáo viên mầm non và những ai quan tâm tới vấn đề này cùng chia sẻ, trao đổi tri thức mới, mô hình tiên tiến, kết quả nghiên cứu đến giáo dục mầm non, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đổi mới đào tạo giáo viên mầm non; phổ biến những tri thức mới, những mô hình tiên tiến và kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục mầm non; thảo luận và đưa ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục đại học.

Sau một buổi thảo luận sôi nổi và đầy hiệu quả, các nhà khoa học, các chuyên gia, giảng viên, cán bộ quản lý mầm non, giáo viên mầm non... đã cùng chia sẻ, trao đổi và đưa ra những ý tưởng mới, những giải pháp thiết thực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trong bối cảnh hiện nay. Hội thảo đã khẳng định tầm quan trọng của việc đổi mới đào tạo giáo viên mầm non, cập nhật những tri thức mới, áp dụng những mô hình tiên tiến và nâng cao năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục mầm non.

gdvn_1111.jpg
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ một số thắc mắc liên quan đến lĩnh vực giáo dục mầm non.
GDVN_34.jpg
Các đại biểu tham gia thảo luận về các nội dung tham luận.
GDVN_9.JPG
Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Phổ biến tri thức mới, mô hình tiên tiến kết quả nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trong cơ sở giáo dục đại học”.
Bài và ảnh: Thi Thi