Hơn 1.700 GV mầm non hợp đồng ở Nghệ An được đảm bảo chế độ lương

20/07/2022 06:56
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc Nghệ An thông qua Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động là "đòn bẩy” giúp giáo viên mầm non yên tâm công tác.

Thông tin đang thu hút sự quan tâm đông đảo của dư luận đó là hơn 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định số 06 và Thông tư số 09 của tỉnh Nghệ An sẽ được hỗ trợ hưởng lương ngân sách ổn định từ năm 2022-2025.

Trường mầm non tự bỏ kinh phí để trả lương cho giáo viên hợp đồng

Từ ngày 31/12/2021, Nghị định số 06/2018/NĐ–CP và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV hết hiệu lực, dẫn đến hơn 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng bị dừng trả lương do ngân sách trung ương đã cắt.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, chế độ, đời sống giáo viên, mà nhiều người lo ngại sẽ tác động đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở các trường mầm non.

Chung tay tháo gỡ khó khăn cho giáo viên mầm non hợp đồng. (Ảnh: Ngọc Mai).

Chung tay tháo gỡ khó khăn cho giáo viên mầm non hợp đồng. (Ảnh: Ngọc Mai).

Trước đó, Trường mầm non Diễn Quảng (huyện Diễn Châu, Nghệ An) thiếu 9 giáo viên mầm non. Nhằm đảm bảo công tác giảng dạy, nhà trường đã tự bỏ kinh phí để hợp đồng với 4 giáo viên. Tuy nhiên, nhà trường cho biết, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Vì kinh phí nhà trường rất khó để chi trả tiền lương cho giáo viên dạy hợp đồng trong thời gian dài.

Chia sẻ với phóng viên, cô Lê Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường mầm non Diễn Quảng (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc hợp đồng giáo viên, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non và công tác đảm bảo chất lượng giáo dục trẻ.

“Thiếu giáo viên, chậm trả lương giáo viên dẫn đến chất lượng chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ bị ảnh hưởng. Để kịp thời sẻ chia, động viên tinh thần giáo viên, nhà trường đã tự trích kinh phí để thuê và chi trả tiền lương cho giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, số tiền lương mà giáo viên nhận được là không nhiều”, cô Lê Thị Hiền chia sẻ.

Tính đến hết tháng 8/2021, toàn tỉnh Nghệ An thiếu gần 8.000 giáo viên, trong đó, riêng bậc mầm non thiếu hơn 5.600 chỉ tiêu. Và hiện mới chỉ có 1,5 giáo viên/lớp so với định mức là 2,2-2,5 giáo viên/lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về vấn đề này, thông tin với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng tại các cơ sở giáo dục mầm non đang được toàn ngành giáo dục tỉnh Nghệ An tập trung từng bước tháo gỡ.

“Thực tế đang đặt ra là, dù thiếu giáo viên nhưng thay vì tuyển dụng thêm biên chế thì giai đoạn 2021 - 2025, ngành giáo dục Nghệ An phải tiến hành cắt giảm hơn 4.600 giáo viên (khoảng 10%).

Để giải quyết điều này, Sở đã chỉ đạo nhà trường tiến hành tiết kiệm các nguồn thu, nguồn ngân sách được giao về các trường để hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết 102/NQ-CP nhằm đảm bảo tỷ lệ tương đối số lượng giáo viên/lớp”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An thông tin thêm.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Trần Xuân Tĩnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) cho biết, trước đó, để giáo viên yên tâm công tác, huyện chỉ đạo các nhà trường sử dụng nguồn thu (học phí) để trả lương cho giáo viên nhưng nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt.

“Thực tế các trường không đủ kinh phí để trả lương giáo viên. Về lâu dài, giáo viên mong muốn có cơ chế rõ ràng để đảm bảo quyền lợi, ổn định cuộc sống”, ông Trần Xuân Tĩnh chia sẻ.

Niềm vui trở lại với hơn 1.700 giáo viên mầm non

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 thông qua Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 06 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ.

Theo đó, hơn 1.700 giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động tại các trường công lập ở tỉnh Nghệ An sẽ có nguồn ngân sách trả lương ổn định từ năm 2022-2025.

Cụ thể, đối tượng áp dụng là các giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo Nghị định 06 và Thông tư 09, tính tại thời điểm tháng 1/2022, đang giảng dạy ở các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An mà chưa được tuyển dụng vào viên chức.

Theo Nghị quyết, hỗ trợ một lần với mức kinh phí tối đa 100 triệu đồng/người cho đối tượng giáo viên mầm non; Hỗ trợ 100% kinh phí để chi trả các chế độ, chính sách (như viên chức) cho đối tượng giáo viên mầm non kể từ ngày 1/9/2022 đến ngày 31/12/2025.

Như vậy, Nghị quyết có ý nghĩa rất đặc biệt đội ngũ giáo viên mầm non nói trên tại các cơ sở giáo dục.

Cô Lê Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường mầm non Diễn Quảng (huyện Diễn Châu, Nghệ An) bày tỏ niềm vui mừng: “Nghị quyết được thông qua đã thể hiện sự quan tâm của Hội đồng nhân dân, của ngành giáo dục tỉnh Nghệ An cùng chung tay với các nhà trường giải quyết khó khăn, nhất là kịp thời trả tiền lương, từ đó, từng bước cải thiện đời sống giáo viên hợp đồng”.

Không giấu được cảm xúc vui mừng hiện rõ trên gương mặt, cô Trần Thị Thảo, giáo viên Trường mầm non Lưu Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) chia sẻ: “Vậy là từ bây giờ giáo viên chúng tôi sẽ có một khoản thu nhập nhất định để trang trải cho cuộc sống. Đây là chủ trương có ý nghĩa nhân văn rất lớn đối với mỗi giáo viên chúng tôi, giúp tôi có thể yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến hết mình cho sự nghiệp nuôi dạy trẻ”.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho hay, việc Hội đồng nhân dân thông qua nghị quyết trên là giải pháp cấp thiết và mang ý nghĩa thiết thực, là “đòn bẩy” tháo gỡ khó khăn cho các địa phương nói chung, trường mầm non nói riêng. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở giáo dục mầm non được cấp, bố trí nguồn kinh phí, có cơ sở để thực hiện chi trả tiền lương cho giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động.

Từ Nghị quyết đi vào thực tế cần phải có những hướng dẫn cụ thể để triển khai đồng bộ. Song, việc Nghị quyết được thông qua đã góp phần quan trọng giúp Uỷ ban nhân dân các huyện của tỉnh Nghệ An có nguồn kinh phí hỗ trợ, phân bổ cho các cơ sở giáo dục mầm non có “nguồn tài chính” vững chắc để trả tiền lương cho giáo viên hợp đồng.

Qua đó, củng cố số lượng giáo viên đứng lớp phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội từng địa phương, góp phần nâng cao chất lượng an toàn giáo dục mầm non, bảo đảm chế độ cho nhà giáo, đáp ứng hiệu quả dạy và học trong giai đoạn mới.

Ngọc Mai