Ngày 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo họp báo công bố quyết định phê duyệt danh mục 32 sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, bắt đầu từ năm học 2020 - 2021.
Tại buổi họp báo nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm về biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, đặc biệt là khoản tín dụng ưu đãi hơn 16 triệu USD của Ngân hàng thế giới dành cho biên soạn sách giáo khoa.
Được biết, trong dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục RGEP, Ngân hàng Thế giới đã cam kết tài trợ cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi hơn 16 triệu USD dành cho biên soạn bộ sách giáo khoa.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện với tinh thần khuyến khích xã hội hóa nên Bộ Giáo dục và Đào tạo không đủ điều kiện chủ trì biên soạn sách giáo khoa.
16 triệu USD (tương đương 370 tỷ đồng) là một khoản vay tín dụng, do đó xã hội mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thông tin cách thức xử lý một cách minh bạch, rõ ràng, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đem lại lợi ích thực sự cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc RGEP cho biết, trong sự thống nhất của Ngân hàng thế giới thì khấu phần của dự án RGEP đang sử dụng 1 phần để biên soạn tài liệu và tập huấn cho người thẩm định sách. (Ảnh: Thùy Linh) |
Trước về vấn đề này, tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc RGEP cho biết:
“Trong sự thống nhất của Ngân hàng thế giới thì khấu phần của dự án RGEP đang sử dụng 1 phần để biên soạn tài liệu và tập huấn cho người thẩm định sách giáo khoa, tới đây tài liệu đó được sử dụng cho người tham gia biên soạn sách giáo khoa có thể tiếp cận để hiểu được chương trình, các tiêu chí.
Còn 1 phần kinh phí nữa thì tới đây sẽ tái cấu trúc dự án sử dụng vào khấu phần khác phục vụ việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa vì còn nhiều việc phải làm từ tập huấn, học liệu….
Ngoài ra, đối với phần kinh phí tiền hỗ trợ cho các thư viện của chương trình vùng khó là 4,5 triệu USD, hiện nay chúng tôi đang thực hiện đáp ứng đúng đối tượng, xem xét địa phương cần trang bị sách nào cho thư viện để giúp đỡ các em vùng khó có điều kiện mượn sách thay vì phải mua.
Ngày 5/11 vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã kí văn bản liên quan đến nội dung này, căn cứ vào đó chúng tôi thu thập thông tin báo cáo từ các Sở Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở đó sau này căn cứ vào sách giáo khoa mà địa phương đó lựa chọn rồi thiết kế gói thầu, tổ chức đấu thầu sách giáo khoa theo quy định. Khi đó địa phương chọn sách nào thì dự án sẽ mua sách đó trang bị cho họ”.
Ngoài ra, cũng trong buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong quyết định lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 32 bản sách giáo khoa thuộc các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm 5 bản sách tiếng Việt, 5 bản sách Toán, 5 bản sách Đạo đức, 3 bản sách Tự nhiên và xã hội, 5 bản sách Âm nhạc, 5 bản sách Mỹ thuật, 1 bản sách Giáo dục thể chất, 3 bản sách Hoạt động trải nghiệm. Riêng 6 bản sách giáo khoa của các môn học tự chọn sẽ được công bố sau.