Theo danh mục sách giáo khoa lớp 1 với 5 bộ sách gồm 32 cuốn vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, môn Tiếng Việt có tổng số 5 cuốn, sách giáo khoa Toán có 5 cuốn.
Sách giáo khoa Đạo đức có 5 cuốn, sách Tự nhiên và Xã hội 1 có 3 cuốn, Âm nhạc có 5 cuốn; Mỹ thuật có 5 cuốn; Hoạt động trải nghiệm có 3 cuốn; Giáo dục thể chất 1 cuốn.
Như vậy, về nguyên tắc, tất cả các sách giáo khoa trong danh mục này đều được phép sử dụng trong nhà trường. Mỗi địa phương tùy theo điều kiện của từng vùng, miền hoàn toàn có thể chọn sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở các bộ sách giáo khoa khác nhau đã được phê duyệt.
Điều này sẽ giúp giáo viên và học sinh có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn sách giáo khoa phù hợp hơn với hoạt động dạy và học trong nhà trường.
Nội dung một bài trong cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 do thầy Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên kiêm chủ biên (Ảnh minh họa: Thùy Linh) |
Tuy vậy, nhiều ý kiến băn khoăn rằng khi sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, việc kiểm tra, đánh giá sẽ thế nào. Đặc biệt, việc học sinh chuyển trường từ tỉnh này sang tỉnh khác có gặp khó khăn gì không khi các tỉnh lựa chọn những bộ sách giáo khoa khác nhau để dạy học trong nhà trường?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:
“Khi các địa phương lựa chọn những bộ sách khác nhau, việc kiểm tra đánh giá vẫn sẽ được đảm bảo. Chúng ta thực hiện “một chương trình nhiều bộ sách” thì việc kiểm tra đánh giá vẫn phải đáp ứng những yêu cầu cần đạt của chương trình. Đây cũng là điểm khác biệt với chương trình hiện hành.
Chương trình mới sẽ yêu cầu “Học sinh làm được những gì với kiến thức được trang bị trong chương trình”. Chính vì vậy việc kiểm tra đánh giá cũng phải theo chuẩn của chương trình. Việc ra đề kiểm tra sẽ không phụ thuộc vào ngữ liệu cụ thể trong bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào.
Thầy cô, học sinh sẽ yên tâm và dần dần quen với việc tài liệu sách giáo khoa để sử dụng trong các hoạt động học nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình mong muốn”.
Cũng theo ông Thành, khi dạy một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thì chuẩn chương trình là quan trọng nhất. Vì vậy, việc học sinh chuyển từ nơi này sang nơi khác cũng không ảnh hưởng gì nhiều vì ngữ liệu trong sách giáo khoa chỉ là công cụ, phương tiện để các em thực hiện các hoạt động theo lệnh của thầy cô.
“Tôi vẫn hay ví von thế này, ở Việt Nam chúng ta ăn cơm, còn sang nước ngoài thì ăn bánh mì. Chúng ta vẫn cứ lớn lên và vẫn khỏe mạnh như vậy. Cho nên cái lõi của việc thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” là bám sát chương trình học”- ông Thành nhấn mạnh.