Làm sao để đánh giá một chương trình liên kết quốc tế có chất lượng hay không?

28/11/2022 06:36
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học khuyến khích các trường có chương trình đào tạo quốc tế tham gia kiểm định bởi các tổ chức giáo dục quốc tế.

3 cách đánh giá chất lượng của chương trình liên kết quốc tế

Cả nước hiện có hơn 300 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Vậy người học làm thế nào để đánh giá chính xác chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế hiện nay?

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Liên kết đào tạo đại học với nước ngoài tại Việt Nam: Thực trạng và định hướng phát triển”, Phó giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thúy Ngọc, Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, tùy thuộc vào góc nhìn, chúng ta có nhiều cách để đánh giá một chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài có chất lượng hay không.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thúy Ngọc, Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân

Phó giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thúy Ngọc, Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân

Cụ thể, nếu xem giáo dục là một lĩnh vực dịch vụ đúng theo phân ngành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Việt Nam là thành viên thì một sản phẩm có chất lượng là sản phẩm được cung cấp bởi nhà cung cấp có uy tín, một chương trình đào tạo có chất lượng nếu được cung cấp bởi các trường, các cơ ở đại học có uy tín. Sự uy tín được tính bằng sự xếp hạng hoặc được công nhận bởi các cơ quan quản lý giáo dục của nước sở tại.

Bên cạnh đó, ngành học của cơ sở đào tạo đó phải được công nhận bởi một tổ chức nghề nghiệp độc lập hay được công nhận về chất lượng của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sở tại.

“Một trường đại học hay một cơ sở giáo dục đại học có uy tín, không có nghĩa là tất cả các ngành học mà họ đào tạo đều có chất lượng như nhau”. Vì vậy, cả hai yếu tố cơ sở giáo dục cũng như ngành học là hai điều kiện mà Nghị định số 86/NĐ-CP yêu cầu về việc đảm bảo chất lượng”, Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương nhấn mạnh.

Nếu nhìn từ góc nhìn của xã hội, nhìn vào sản phẩm của chương trình đào tạo là người học thì một chương trình chất lượng sẽ được đánh giá khác hơn. Theo đó, chúng ta sẽ căn cứ theo các kỹ năng, yêu cầu cần hình thành ở người học, bao gồm: Các kỹ năng để có thể trở thành người lao động toàn cầu, bao gồm khả năng ngôn ngữ, kiến thức chuyên môn sâu và thực tế để ứng dụng vào thị trường lao động, kiến thức xã hội, các kỹ năng chung, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình trước đám đông,...

Cuối cùng, nếu nhìn từ góc độ của phụ huynh và học sinh, Phó giáo sư Ngọc cho rằng nên lựa chọn chương trình phù hợp với năng lực học tập của người học, phù hợp với năng lực tài chính của gia đình, sở thích, nguyện vọng cũng như định hướng của người học cho công việc trong tương lai.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ cụ thể hóa hơn nghị định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục để các trường có chương trình liên kết đào tạo nước ngoài thực hiện. Ví dụ như cụ thể hóa hơn những yêu cầu về đầu vào, về giáo viên phía Việt Nam, quy chế về tuyển sinh và đào tạo trong lĩnh vực đào tạo quốc tế…

Về phía các cơ sở giáo dục, Phó giáo sư Thủy khuyến khích các trường có chương trình đào tạo quốc tế tham gia kiểm định bởi các tổ chức giáo dục quốc tế. Đồng thời, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh đến trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học:

“Về phía các nhà trường, quyền tự chủ nhiều hơn cũng đi kèm trách nhiệm giải trình nhiều hơn, không chỉ giải trình với cơ quan nhà nước, mà chúng ta cần phải giải trình với người học, với phụ huynh học sinh, với cơ quan truyền thông”.

Tuy nhiên, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy cũng thừa nhận một thực tế rằng nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn chế, vì vậy bà đề nghị cần có sự hỗ trợ nhiều hơn cho các cơ sở.

“Chúng ta đòi hỏi từ phía các nhà trường, tuy nhiên, các nguồn lực đầu tư cho các trường còn rất thiếu, do đó cần có sự hỗ trợ chung tay nhiều hơn”.

Cơ hội xuất khẩu chương trình đào tạo của Việt Nam ra nước ngoài

Bàn thêm về xu thế đào tạo liên kết quốc tế trong thời gian tới tại Việt Nam, chia sẻ tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Trần Đức Quỳnh, Trưởng phòng đào tạo Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nhận định, đánh giá khá hay và mới mẻ về vấn đề này.

Tiến sĩ Trần Đức Quỳnh, Trưởng phòng đào tạo Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân

Tiến sĩ Trần Đức Quỳnh, Trưởng phòng đào tạo Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân

Cụ thể, theo Tiến sĩ Trần Đức Quỳnh, lĩnh vực giáo dục không nằm ngoài xu hướng chung là quốc tế hóa và hội nhập một cách sâu rộng. Đặc biệt, sau dịch Covid - 19, mọi mặt đời sống xã hội đã có bước chuyển biến quan trọng, đó là việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Trong bối cảnh chung này, ông nhận định việc đào tạo liên kết quốc tế sẽ mở ra một xu thế nữa là liên kết đào tạo nhưng không chỉ là đào tạo trực tiếp mà có thể còn cả đào tạo trực tuyến.

“Điều này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư số 38/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn về việc dạy học online. Tức là xu hướng liên kết đào tạo nhưng là trực tuyến hoặc là kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp sẽ là xu hướng mới”, Trưởng phòng đào tạo Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay.

Một vấn đề đáng lưu tâm đã được Tiến sĩ Quỳnh nêu lên, đó là hiện nay, một phần tài chính của chúng ta đang chảy sang nước ngoài trên chính thị trường giáo dục của chúng ta. Như vậy tại sao chúng ta không hội nhập, kết hợp và thậm chí là liên kết đào tạo? Nghĩa là chúng ta cũng xây dựng và xuất khẩu chương trình đào tạo của Việt Nam sang những nước khác.

“Chúng ta có thể xây dựng các chương trình hợp tác đào tạo theo hướng 2+2, chẳng hạn cũng là trường đối tác cấp bằng nhưng mà sẽ có 2 năm học ở Việt Nam và 2 năm học ở trường đối tác.

Điều này giúp sinh viên tiết kiệm được 2 năm so với khi sang học ở nước ngoài 4 năm. Tất nhiên, cũng sẽ có những vấn đề vướng mắc về quy định pháp luật, cần phải tháo gỡ để xu hướng liên kết quốc tế phát triển. Tôi cho rằng, xu hướng đó rất tích cực và có thể triển khai cụ thể hóa thành các mô hình trên thực tế”, Tiến sĩ Quỳnh nêu quan điểm.

Bắc Sơn