Hơn 60% SV tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc, Trường ĐH Sư phạm Huế nói gì?

21/09/2023 06:33
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Số SV đạt loại khá, giỏi nhiều, do đó, cơ hội việc làm sẽ khó hơn và rất khó đối với người có bằng tốt nghiệp không đạt loại giỏi trở lên.

Vừa qua, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng đại học hệ chính quy đợt 1 cho 417 sinh viên. Khóa học 2019-2023 có 13 ngành đào tạo và 2 ngành đào tạo giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh là ngành Sư phạm Toán học và ngành Giáo dục tiểu học.

Ngoài các ngành đào tạo đã trở thành thương hiệu của Trường Đại học Sư phạm, có 3 ngành đào tạo mới có sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên: ngành Sư phạm Âm nhạc, ngành Giáo dục công dân và ngành Hệ thống thông tin.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục tiểu học có khóa cử nhân đầu tiên tốt nghiệp chương trình đào tạo giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh.

Đáng chú ý, trong số 417 sinh viên tốt nghiệp, có 55 sinh viên xếp loại xuất sắc, chiếm tỷ lệ 13,2%; 208 sinh viên đạt loại giỏi, chiếm tỷ lệ 49,9%; 150 sinh viên xếp loại khá chiếm tỷ lệ 36% và chỉ có 4 sinh viên xếp loại trung bình, chiếm tỷ lệ 1%.

Như vậy, tổng số sinh viên tốt nghiệp đạt loại xuất sắc và giỏi chiếm 63,1% trên tổng số sinh viên tốt nghiệp đợt này.

Trường Đại học Sư phạm Huế, Đại học Huế tổ chức trao bằng tốt nghiệp sinh viên hệ đại học chính quy. Ảnh: Fanpage trường.

Trường Đại học Sư phạm Huế, Đại học Huế tổ chức trao bằng tốt nghiệp sinh viên hệ đại học chính quy. Ảnh: Fanpage trường.

Lý giải điều này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết, trong những năm vừa qua, số sinh viên tốt nghiệp của trường đều tăng cao nhờ có sự nỗ lực của công tác truyền thông cho sinh viên ngay từ khi mới bước vào học tập tại trường.

“Hiện nay, sinh viên tại các cơ sở đào tạo khác ra trường đạt loại giỏi và đạt loại khá nhiều, do đó, cơ hội việc làm sẽ khó hơn và sẽ rất khó đối với tất cả người học có bằng tốt nghiệp không đạt từ loại giỏi trở lên.

Xác định được điều này, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã có những chỉ đạo, quan tâm, đồng hành cùng sinh viên vững bước theo đuổi nghề giáo”, thầy Nhân chia sẻ.

Theo thầy Nhân, có 3 yếu tố giúp trường có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt loại xuất sắc và giỏi cao như vậy.

Thứ nhất, tại tuần sinh hoạt công dân đầu năm học, trường tổ chức truyền thông, chia sẻ thông tin về mức độ cạnh tranh nghề nghiệp hiện nay hoặc thông qua cổ vũ, khích lệ nhằm tạo động lực cho người học, rằng, tương lai của sinh viên sẽ phụ thuộc vào sự nỗ lực và cố gắng ở hiện tại.

Thứ hai, trong bối cảnh nhiều cơ sở giáo dục đào tạo ngành sư phạm như hiện nay, muốn cạnh tranh được, trường đã không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để có thể phục vụ và đáp ứng được nhu cầu của xã hội, từ cơ sở vật chất, thư viện, phòng công tác sinh viên đến chương trình đào tạo.

Trong đó, đội ngũ giảng viên của trường có trình độ chuyên môn cao, hiện giảng viên cơ hữu của trường có trình độ từ Tiến sĩ và chức danh Phó Giáo sư trở lên, chiếm 67% tổng giảng viên toàn trường.

Thứ ba, ngoài chính sách hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng từ Nhà nước về học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; học bổng hỗ trợ cho sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số, phòng Công tác sinh viên của trường cũng không ngừng nỗ lực trong việc kết nối với doanh nghiệp, nỗ lực tìm kiếm học bổng cho sinh viên.

Và để nhận được học bổng từ phía doanh nghiệp, người học phải có học lực đạt từ loại giỏi trở lên và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập.

Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế luôn nỗ lực để sinh viên có thể học trong môi trường tốt nhất, đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, điều kiện thực tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Ảnh: NVCC.

Nói về nguyên nhân chính giúp sinh viên khoá 2019-2023 có tỷ lệ đầu ra cao như vậy, thầy Nhân nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là trường đã tạo cho các em có động lực học tập, đam mê theo đuổi nghề nghiệp. Bởi nếu không tạo được động lực học tập cho sinh viên thì khó mà đạt được kết quả như vậy.

Điều này cũng nhờ vào thầy, cô là giảng viên của trường. Qua mỗi tiết dạy, sinh viên được truyền cảm hứng sống, cảm hứng cống hiến và ngọn lửa nhiệt huyết với nghề giáo từ chính những người thầy, cô của mình.

Đồng thời, sinh viên cũng nhận được sự quan tâm của các cấp, từ lãnh đạo trường đến những người gần gũi với trường như bảo vệ, lao công. Tất cả đều nhìn chung một hướng trong việc xây dựng thương hiệu, văn hóa và chất lượng đào tạo của nhà trường”.

Chia sẻ về quan điểm đào tạo theo hình thức tín chỉ sẽ có tỷ lệ tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi và xuất sắc nhiều hơn so với khi đào tạo theo niên chế, thầy Thành Nhân bày tỏ: “Hiện nay, đào tạo theo hình thức tín chỉ là xu thế của thế giới chứ không riêng tại Việt Nam. Việc công nhận đào tạo theo hình thức tín chỉ giúp sinh viên có thể học vượt, học cải thiện. Ví dụ, kết quả thi của người học chưa đạt loại giỏi, các em đều có thể lựa chọn học cải thiện để nâng cao thành tích học tập của mình.

Như vậy, các em sẽ chủ động hơn trong việc đăng ký môn học, lựa chọn giảng viên đào tạo và tiến độ học tập cũng sẽ được chủ động và linh hoạt hơn. Tôi cho rằng, đào tạo theo hình thức tín chỉ mang lại phù hợp và có tính hiệu quả”.

Tương đương với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt loại xuất sắc, giỏi cao, thầy Nhân cho biết, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt trên 70%, đặc biệt ngành Sư phạm Tin học có tỷ lệ sinh viên làm ngoài ngành sư phạm nhiều hơn trong ngành sư phạm.

Thầy Nhân cho biết: “Tôi cho rằng đây là sự dịch chuyển mang tính tích cực, bởi nhu cầu của ngành sư phạm không phải quá lớn. Và chứng tỏ chất lượng đầu ra của trường được đảm bảo khi sinh viên vừa có thể đáp ứng yêu cầu của một giáo viên tương lai, vừa đáp ứng được yêu cầu của xã hội”.

Sinh viên học ngành Sư phạm Tin học, song song với việc trở thành một giáo viên có trình độ chuyên môn sư phạm môn Tin học, sinh viên có thể mở rộng cơ hội việc làm tại công ty, doanh nghiệp.

Trong thiết kế chương trình đào tạo ngành Sư phạm Tin học, Trường Đại học Sư phạm Huế luôn chú trọng đến chất lượng nhằm giúp sinh viên có thể trở thành một chuyên gia, đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ công cuộc chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực.

Thảo Ly