Thầy T., Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở tỉnh nọ bày tỏ nỗi băn khoăn trước thực tế:
"Tôi làm Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng, trải qua đến bốn đời Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại địa phương, biết bao cuộc họp trực báo diễn ra giữa Ban giám đốc, trưởng, phó các phòng ban của Sở Giáo dục và Đào tạo với các hiệu trưởng trường phổ thông trực thuộc.
Tôi nhận thấy, trong hầu hết các cuộc họp chỉ tập trung, dành thời gian cho bàn bạc, thảo luận, ý kiến về cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị, mua sắm, xây dựng, sửa chữa… còn phần chuyên môn, chất lượng giáo dục, dạy học, đội ngũ nhà giáo, hoàn cảnh học sinh… được đề cập, nhắc đến rất sơ sài, đơn giản, khoảng chừng năm, bảy phút là xong.”
Nhiều cuộc họp ít tập trung vào chuyên môn. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ: Thoidai.com.vn) |
Cô H., Hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc tỉnh N cho biết:
"Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh nọ để cho anh, chị, em nói năm, bảy phút về chuyên môn, giáo dục còn đỡ đấy.
Đành này, các họp trực báo hằng quý ở Phòng Giáo dục và Đào tạo, chỗ tôi, gần như không nói chuyện, trao đổi về chuyên môn, biện pháp giáo dục… mà cứ chăm chăm chỉ trích nhà trường này, giáo viên kia, năm nay được bao nhiêu kinh phí, mua sắm được mấy bộ bàn ghế, máy vi tính…
Đành rằng, cơ sở vật chất, kinh phí, mua sắm trong giáo dục là cần thiết, một điều kiện quan trọng để nhà trường hoạt động, dạy học tốt.
Nhưng cái cốt lõi, quan trọng, thường trực hơn là bàn luận, trao đổi, chia sẻ về các biện pháp giáo dục, về chuyên môn thì lại sơ sài, xem nhẹ quá mức.
Nói thật, nhiều thầy cô giáo hiệu trưởng khác, tâm huyết với nghề, cũng thường thất vọng về các cuộc họp trực báo như thế lắm rồi, không riêng gì tôi.”
Những cuộc họp không cần thiết trong nhà trường! |
Anh bạn tôi, trưởng thành từ giáo dục, đang làm Phó Chủ tịch tỉnh, phụ trách mảng văn-xã, có lần tâm tư:
"Nhiều cuộc họp trực báo bên tỉnh, đủ các ban ngành tham gia. Bao giờ ngành tài chính, xây dựng, giao thông… cũng được báo cáo, đánh giá trước.
Còn ngành giáo dục, luôn được khẳng định, tung hô “là quốc sách hàng đầu” thì báo cáo sau cùng - khi mà thời gian cuộc họp không nhiều, sự tập trung của nhiều người có phần giảm sút, phân tâm.
Tôi từng đề xuất các ngành giáo dục, y tế phải được báo cáo, cho ý kiến chỉ đạo trước song các anh chủ trì cười, bảo: trước, sau thì có sao đâu.”
Nhiều thầy cô giáo quản lý trường học kiêm nhiệm bên công tác đảng, hay đi họp bên đó, than phiền: "Đại diện tổ chức đảng ở trường học không đi dự họp thì không được.
Nhưng có một số cuộc họp do đảng ủy xã, phường, huyện ủy, thành ủy tổ chức, từ đầu đến cuối buổi họp, chẳng thấy có nội dung, ý kiến nào phát biểu về tình hình giáo dục địa phương cả.
Chúng tôi cảm thấy buồn lắm. Đã phản ánh việc này, các anh có ghi nhận, song vẫn đâu lại vào đấy cả.”