HS đánh nhau và cách xử lý của cô giáo trẻ mà không phải GV nào cũng làm được

30/04/2023 06:35
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chia sẻ về cách xử lý vấn đề bạo lực học đường, cô Hà nhấn mạnh tới kim chỉ nam “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Bạo lực học đường, bắt đầu bằng nhiều lí do "không thích"

Hành vi bạo lực học đường của trẻ, dù cố tình hay vô ý, nhưng đều cần người lớn có sự can thiệp và ngăn chặn kịp thời để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra sau đó.

Điều đáng nói là, khi xuất hiện tình trạng bạo lực giữa học sinh với nhau, đôi lúc chính các thầy cô giáo cũng “nhắm mắt làm ngơ”, cho rằng đó là tâm lý lứa tuổi, là chuyện bình thường, đánh giá chưa đúng sự nghiêm trọng. Sự thờ ơ đó là một phần nguyên nhân khiến các em học sinh bị bạo lực bế tắc, cảm thấy mình không được trợ giúp và bảo vệ.

Hình minh họa. Nguồn: giaoduc.net.vn

Hình minh họa. Nguồn: giaoduc.net.vn

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một độc giả nay đã đi làm, từng là nạn nhân của bắt nạt học đường cho biết: "Trước đây, tôi học giỏi, là học sinh của lớp chọn. Da tôi hơi ngăm, mái tóc hơi bông xù, ngắn ngang vai. Tôi ở lớp học lúc đó bị cô lập, không ai chơi cùng, luôn đi một mình.

Ở lớp, tôi được xếp ngồi riêng một mình một bàn. Theo lời bạn tôi, lý do tôi bị cô lập là vì “nhìn hơi xấu xấu, bẩn bẩn nên bạn bè không thích”. Thầy cô giáo ở trường lúc đó biết, nhưng cũng không ai quan tâm việc tôi bị ghét, cô lập, bị bắt nạt".

Lí do để một học sinh bị bắt nạt, bị bạo lực đôi khi chỉ vì không thích, có rất nhiều lí do không thích. Không thích ngoại hình, không thích tính cách, không thích vì giỏi hơn, hoặc đơn giản là... nhìn không thích.

Và đây cũng là chuyện từng xảy ra ở lớp của cô giáo Bùi Thu Hà - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Huỳnh Văn Nghệ (quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh). Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng tháng 3 năm ngoái.

“Lúc ấy, trong lớp tôi chủ nhiệm có hai em nữ bắt nạt một bạn học sinh nữ khác chỉ vì cho rằng bạn nữ này có “ánh mắt lườm nguýt”. Thế là tất cả kéo nhau vào nhà vệ sinh và xảy ra xô xát, đánh nhau tại đây”, cô giáo trẻ kể lại.

Theo cô Hà, đó là thời điểm học sinh sau thời gian dài học trực tuyến do dịch Covid-19 vừa trở lại trường, rất nhiều em có triệu chứng dễ nóng giận, tâm lý có dấu hiệu bất ổn, trong lớp cũng có hiện tượng học sinh chia bè phái rất nhiều. Chưa kể, tuổi học sinh cấp 2 rất nhạy cảm, các em đang độ dậy thì, thích khẳng định mình, do vậy để chứng minh cá tính của bản thân, rất nhiều em lựa chọn sai cách là trở thành người bắt nạt bạn.

Giáo viên xử lý bạo lực học đường như thế nào?

Cô Hà chia sẻ, khi biết 3 nữ sinh đánh nhau, cô cùng các bạn trong lớp đã can ngăn. Sau đó, cô nói chuyện riêng với từng em để hiểu câu chuyện. Khi đã nắm rõ nguyên nhân, cô liên lạc với phụ huynh của từng em học sinh chia sẻ tình hình, định hướng cách giải quyết và lắng nghe phản hồi của phụ huynh.

Cô mời phụ huynh của các em lên trường để trực tiếp làm việc, đồng thời cho cả học sinh và phụ huynh viết cam kết không được tái diễn sự việc, nếu còn xảy ra nữa sẽ có hình thức xử lý cao hơn. Nhưng cô cũng động viên phụ huynh nên có sự chia sẻ, thay vì trách mắng, hãy nghe con xem con đang mong muốn gì, tìm hiểu phối hợp với cô để quan tâm đến các em hơn, hỏi chuyện các em nhiều hơn.

"Sau đó, các em đã biết cách kiềm chế, dần làm lành với nhau sau khi được cô giáo động viên, khích lệ. Tôi cũng dành nhiều thời gian lắng nghe tâm tư nguyện vọng và tình trạng của tất cả các em trong chuyện này, các em đều có tiến bộ trong học tập và rèn luyện nền nếp”, cô Hà nói.

Câu chuyện ở lớp của cô Hà may mắn đã được phát hiện và xử lý đúng cách. Tới hiện tại, đã qua 1 năm kể từ ngày xảy ra xích mích, các bạn đã làm lành và chơi lại với nhau. Các em cũng đã có sự nỗ lực, cố gắng vươn lên trong học tập và rèn luyện để thay đổi bản thân. Theo cô Hà, đây là những nỗ lực vượt bậc của học sinh khi được nhà trường, gia đình cùng phối hợp giáo dục.

Cô giáo Bùi Thu Hà trong các tiết sinh hoạt theo chuyên đề tại lớp. Ảnh: NVCC

Cô giáo Bùi Thu Hà trong các tiết sinh hoạt theo chuyên đề tại lớp. Ảnh: NVCC

Cô Hà cũng cho rằng, là giáo viên chủ nhiệm phải đảm nhận rất nhiều trọng trách; chưa kể, giáo viên trong yêu cầu của đổi mới giáo dục như hiện nay càng bộn bề công việc hơn, nhiều yêu cầu nghề nghiệp hơn. Nhưng việc quan tâm và để ý chi tiết đến từng em học sinh luôn cần thiết, giáo viên phải thực sự rất tâm huyết.

Chia sẻ về cách xử lý vấn đề bạo lực học đường, cô Hà nhấn mạnh tới kim chỉ nam “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Theo đó, ngay từ khi nhận lớp, giáo viên phải tìm hiểu học sinh, chia sẻ và giáo dục học sinh, phòng ngừa bạo lực học đường có thể xảy ra; đồng thời phân tích hậu quả cho phụ huynh và bày tỏ muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía các phụ huynh trong năm học.

Trong quá trình thực hiện công tác chủ nhiệm, giáo viên phải thực sự luôn quan tâm sát sao, thăm hỏi tình hình học sinh trong lớp. Khi phát hiện mâu thuẫn nhỏ của học sinh, phải xử lý triệt để tránh mâu thuẫn trở thành lớn hơn.

“Trẻ con thường chỉ xích mích, cãi nhau hay thậm chí đánh nhau vì những lý do rất nhỏ - nhưng đó là "chuyện nhỏ" theo cách nghĩ, cách nhìn nhận của người lớn. Còn các em lại cho đó là chuyện nghiêm trọng, vì thế, các em căng thẳng, xung đột lời nói và hành động với nhau. Do vậy giáo viên cần hiểu tâm lý các em, phối hợp với phụ huynh, học sinh và nhà trường để xử lý dứt điểm ngay từ đầu.

Nếu không thể giảng hòa cho các em, tôi nghĩ rằng việc tạm thời cho các em tách ra, để thời gian “xoa dịu tổn thương đang có” là việc làm tốt thời điểm đó”, cô Hà chia sẻ.

Cũng theo cô Hà, giáo viên phải chia sẻ cho phụ huynh kịp thời về vấn đề mâu thuẫn của học sinh. Tư vấn phụ huynh nên đưa đón con em mình đi học trong thời gian các em xảy ra xích mích nhằm đảm bảo an toàn khi ra khỏi cổng trường. Đồng thời, giáo viên cũng nhờ sự hỗ trợ của tập thể lớp, bạn bè thân của các em để khuyên giải, giúp đỡ bạn.

Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chủ đề phòng chống bạo lực học đường, kiểm soát cảm xúc, giáo dục đạo đức học sinh… Dạy các em cách sống yêu thương, kĩ năng kiểm soát cảm xúc, kĩ năng khi bị bắt nạt học đường em cần làm gì để bảo vệ mình… Chính vì cô Hà đã dạy học sinh các kĩ năng này, cho nên khi xảy ra sự việc đánh nhau, học sinh trong lớp đã báo cho giáo viên chủ nhiệm biết để xử lý.

“Với các trường hợp phức tạp hơn, khi giáo viên chủ nhiệm nhận thấy học sinh có vấn đề về tâm lý, thì cần phải tư vấn ngay cho phụ huynh để gia đình có kế hoạch đưa các con đi khám để điều trị, tâm lý kịp thời”, cô giáo trẻ nhấn mạnh.

Quan trọng hơn cả là khi xảy ra bạo lực học đường, sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh- nhà trường- học sinh để xử lý sự việc dứt khoát và đến cùng là nguyên tắc không thể thay đổi.

Bắc Sơn