Tôi bị tẩy chay, 'tra tấn tinh thần' suốt 2 năm THPT vì là HSG, được GV khen

24/04/2023 06:36
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù đã dũng cảm chia sẻ, nhưng nhiều nạn nhân bị bắt nạt học đường chỉ nhận được sự thờ ơ, khi nhận thức được tầm nguy hiểm của vấn đề thì mọi việc đã quá trễ.

Sau khi những bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội từ phía phụ huynh của nạn nhân xấu số là em YN, học sinh lớp 10 một Trường trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh tự tử nghi vấn do bị bạo lực học đường được chia sẻ rộng rãi, ngày càng có nhiều nạn nhân dũng cảm lên tiếng để bảo vệ bản thân mình.

Đáng nói, khi xã hội ngày càng phát triển, những hành vi bạo lực học đường ngày càng xuất hiện ở nhiều cách thức khác nhau, không còn chỉ dừng lại ở đánh đập mà còn là “tra tấn dã man” tinh thần của nạn nhân.

Thậm chí, các đối tượng bị bắt nạt còn là các bạn học sinh giỏi, hay được thầy cô khen ngợi khiến những nạn nhân này sau khi bị bạo lực học đường không còn dám thể hiện năng lực của bản thân, và kết quả học tập ngày càng sụt giảm. Đây là một vấn nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền giáo dục nước nhà mà chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ, bởi, giáo dục là một trong những yếu tố cấu thành sự phát triển của một quốc gia.

Vũ Thị Vân A. (hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam câu chuyện của mình. Thời học trung học phổ thông tại Hưng Yên, em đã bị bạo lực học đường suốt quãng thời gian dài.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Giáo dục và thời đại).

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Giáo dục và thời đại).

Theo Vân A., xuất phát điểm của em là một học sinh có thành tích học tập tốt, lại tích cực tham gia các hoạt động trên trường nên thường nhận được nhiều lời khen ngợi của thầy cô.

Thế nhưng, việc này lại vô tình trở thành lý do khiến một nhóm các bạn không thích em đã lan tin và dùng những lời lẽ không tốt đẹp, thậm chí lôi kéo các bạn học sinh khác tham gia tẩy chay em. Thậm chí, nhiều bạn tham gia nói xấu và tẩy chay nữ sinh còn chưa từng tiếp xúc và nói chuyện với em.

Điều này đã khiến Vân A. phải chịu đựng hành vi bắt nạt và bạo lực ngôn từ mỗi ngày lên lớp khiến tâm lý của em bị ảnh hưởng nghiêm trọng (em đã từng xin không thi học sinh giỏi cấp tỉnh do tâm lý bất ổn). Và hậu quả là thành tích học tập của em bị giảm sút nghiêm trọng, càng ngày em càng cảm thấy chán học và trở nên mất tập trung.

Đáng tiếc là việc bạo lực này đã diễn ra trong suốt 2 năm và không được giải quyết, thế nhưng, vào thời điểm tháng 12/2021 khi Vân A. quyết định lên tiếng bằng cách viết 1 bài đăng trên mạng xã hội để kể lại những chuyện các bạn đã làm với em thì nhà trường lại yêu cầu em xóa bài. Lúc này, em đã mạnh mẽ và kiên quyết nói sẽ không xóa bài trừ khi nhà trường chịu vào cuộc giải quyết cho mình.

Vân A. cũng cho biết, thời điểm trước khi đăng bài yêu cầu nhà trường giải quyết việc mình bị bạo lực học đường, em đã từng đến gặp cô khóc và xin được chuyển chỗ ngồi nhưng không nhận được sự chấp nhận và câu chuyện của em không được lắng nghe.

Thay vào đó, cô giáo lại xếp em ngồi cạnh các bạn bạo lực em nhiều nhất với mục đích để em hòa nhập được với những “kẻ bắt nạt” mình. Cô giáo muốn em bỏ qua cho các bạn và cho rằng các bạn chỉ đang đùa, mặc dù nạn nhân là em Vân A. đã thường xuyên bị đe dọa, lăng mạ trong suốt 2 năm. Thậm chí, chỉ vì những người bạn khác trong lớp lựa chọn im lặng nên cô giáo chủ nhiệm này lại càng có suy nghĩ rằng "em phải làm gì thì cả lớp mới tẩy chay em" .

Về phía nhà trường, Vân A. cũng đã xin gặp thầy hiệu trưởng để trao đổi trực tiếp nhưng lại không nhận được sự đồng ý. Nhà trường thì không muốn ảnh hưởng đến danh tiếng của trường và các thầy cô đều muốn câu chuyện của em chìm xuống.

Vân A. cho rằng, từ cảm xúc ngưỡng mộ rất dễ biến thành ghen tị, đặc biệt là ở giai đoạn cấp trung học phổ thông. Ở giai đoạn này, thường các bạn học sinh luôn có khao khát thể hiện mình, do vậy nếu có học sinh nổi bật như học giỏi hơn lại hay nhận được nhiều lời khen từ thầy cô sẽ xuất hiện tình trạng một số bạn khác cảm thấy khó chịu, ghét bỏ vì cho rằng do những bạn học giỏi này mà mình không nhận được sự chú ý.

Cũng theo nữ sinh, nhiền bạn học giỏi thường muốn ưu tiên việc học lên hàng đầu, vì thế, thay vì lên tiếng, nhiều em đã lựa chọn cách im lặng để được yên ổn học tập. Điều này cũng vô tình gây ra tác dụng ngược khiến cho các “kẻ bắt nạt” ngày càng ngông cuồng và thực hiện hành vi bạo lực học đường nhiều hơn.

“Học giỏi không sai và việc thầy cô dành lời khen cho các bạn xứng đáng được nhận là điều nên làm. Tuy nhiên, em mong rằng, chúng ta nên tìm ra giải pháp tốt nhất để giáo dục cho học sinh hiểu về quyền của mình. Khi bản thân các bạn hiểu về quyền và luật sẽ biết tự lên tiếng bảo vệ bản thân để thực hiện quyền của mình và đồng thời là tôn trọng quyền của người khác”, Vân A. chia sẻ

Qua sự việc xảy ra với bản thân cũng như với nhiều nạn nhân khác gặp tình trạng tương tự, Vân A. mong rằng, nhà trường cũng như thầy cô cần nghiêm túc quan tâm tới vấn nạn bạo lực học đường.

Về phía thầy cô, cần để ý đến sự thay đổi tâm lý của các em học sinh như tìm hiểu về lý do tại sao có những em đang dần cô lập bản thân hay tại sao có những em có biểu hiện sợ hãi và không muốn tới trường, luôn đề nghị mong muốn chuyển lớp, chuyển trường,

Bởi, ở cấp trung học phổ thông, thời gian các em học sinh ở trên trường thậm chí còn nhiều hơn ở nhà. Đã có rất nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra cũng một phần do thầy cô đã phớt lờ, chủ quan với tiếng nói của học sinh, có những học sinh phải dùng cả tính mạng để bảo toàn danh dự vì chỉ có như vậy mới kêu gọi sự chú ý của mọi người về vấn đề của mình.

Bên cạnh đó, các thầy cô giáo cũng nên trò chuyện với các nạn nhân nhiều hơn như hãy lắng nghe một cách chân thành, không đưa ra lời khuyên theo hướng áp đặt cảm xúc của mình lên vì rất có thể nạn nhân đã và đang gặp vấn đề về tâm lý: sang chấn tâm lý, trầm cảm, self - harm,...

Về phía nhà trường, Vân A. mong rằng, cần có sự công tâm nhiều hơn như có nội quy hình phạt mạnh tay với những đối tượng học sinh thực hiện hành vi bạo lực học đường để các em hiểu được mọi sự bắt nạt, bạo lực là hành vi sai lệch và cần phải trả giá. Đồng thời, đây cũng là cách an ủi các nạn nhân vì đã chịu quá nhiều uất ức và đau thương.

“Điều các bạn học sinh bị bạo lực học đường cần nhất là nhà trường và thầy cô hãy lắng nghe mình và tìm hướng giải quyết rõ ràng, triệt để bởi dù vô tình hay cố ý, nhưng những đối tượng học sinh đi bắt nạt đã gây ra vết xước quá lớn khiến nhiều nạn nhân khó hoặc thậm chí không thể quên.

Sự đồng hành và bảo vệ của thầy cô và nhà trường khi các em học sinh bị bạo lực học đường là rất cần thiết để giúp nạn nhân cảm thấy an toàn sau khi lên tiếng cũng như hy vọng với một cách giải quyết thỏa đáng”, Vân Anh nhấn mạnh.

Cũng theo nữ sinh này chia sẻ, việc lựa chọn học tập tại môi trường giáo dục đại học hiện tại ở Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là mong muốn từ trước của em khi bị bạo lực học đường. Bởi, Vân A. mong muốn bản thân trở thành những nhà giáo dục trong tương lai, ngăn chặn được những vấn nạn đáng lên án và giúp đỡ các nạn nhân bị bạo lực học đường.

“Hiện tại, em đang thực hiện “Dự án lên án bạo lực học đường” để hỗ trợ cho các bạn gặp phải tình trạng này, dù đây là chủ đề muôn thuở và nhức nhối và không biết bao giờ vấn nạn này mới có thể kết thúc. Chúng ta có khẩu hiệu “lấy người học làm trung tâm” trong những trường hợp xảy ra bạo lực học đường, học sinh luôn mong giáo viên, hiệu trưởng đứng về phía lẽ phải, bảo vệ cho quyền của học sinh”, Vân A. nhấn mạnh.

Câu chuyện của Vân A. được phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ghi lại. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam hy vọng được lắng nghe thêm những câu chuyện của tất cả quý độc giả, với mong muốn sẽ là cầu nối chia sẻ, góp phần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về nạn bạo lực học đường nhức nhối đang phá hủy đi tuổi học trò của biết bao tâm hồn trẻ thơ, và hơn thế, nhiều em đã không may mắn vĩnh viễn dừng lại chuyến tàu thanh xuân của mình. Bài viết, chia sẻ của quý bạn đọc xin gửi về Email của Tòa soạn: toasoan@giaoduc.net.vn.

Khánh An