Tư nhân thành lập trường chuyên, 3 lợi ích thầy trò cùng được hưởng

22/03/2022 06:46
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng trường chuyên tư thục là chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

Bàn về mô hình trường chuyên, học chuyên, tháng 6/2020, một nhà giáo (đề nghị không nêu tên) từng công tác tại Viện khoa học giáo dục Việt Nam chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng:

"Đến một lúc nào đó đòi hỏi rất cao trong đào tạo nhân tài từ đội ngũ giáo viên, trang thiết bị… thì hãy tư nhân hóa, cổ phần hóa bởi nếu ngân sách cứ cố giữ mà không trụ nổi thì cần có sự tham gia của các tầng lớp xã hội để đào tạo nhân tài."

Và ngày 21/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện "Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020" đã nêu phương hướng phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn tiếp theo, có nội dung đáng chú ý:

"Xây dựng cơ chế, chính sách, chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các trường chuyên còn thiếu, xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh."

Cá nhân tôi cho rằng, khối tư thục tham gia đầu tư xây dựng trường chuyên có 3 ưu điểm chính sau đây.

Thầy và trò Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Hoa Lư (Thành phố Hồ Chí Minh) trong phút giải lao. (Ảnh: Phan Thế Mỹ)

Thầy và trò Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Hoa Lư (Thành phố Hồ Chí Minh) trong phút giải lao. (Ảnh: Phan Thế Mỹ)

Thứ nhất, tư nhân thành lập trường trung học phổ thông chuyên là góp phần xã hội hóa giáo dục đã được đề cập trong Luật Giáo dục 2019.

Theo đó, với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đổi mới giáo dục, đào tạo, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng nền giáo dục Việt Nam phát triển toàn diện, Luật xác định:

“Thực hiện đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục và hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục…”.

Thực tế cho thấy, với quan điểm về xã hội hoá giáo dục đúng đắn, mô hình giáo dục ngoài công lập gia tăng cả về số lượng và chất lượng trong nhiều năm qua. Ví dụ, số lượng trường công lập và ngoài công lập của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là tương đương nhau (110 và 113 trường).

Cho nên vấn đề đặt ra là Thành phố phải có trường chuyên tư thục nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Hiện tại, học sinh trường tư thục ở Thành phố đến từ nhiều địa phương khác nhau như Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây nguyên kể cả miền Trung, miền Bắc.

Hơn nữa, khối tư thục được mở trường chuyên cũng là một cách tạo sự cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng chuyên môn, hình thức đào tạo với trường công lập. Từ đó, trường công lập cũng phải đổi mới hình thức hoạt động cho phù hợp với thực tiễn, bởi có ý kiến cho rằng "trường chuyên hiện nay của Việt Nam là một loại hình trường học đã lỗi thời".

Thứ hai, nhiều trường tư thục có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại do tư nhân hoặc các tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia đầu tư.

Theo tìm hiểu của tôi, nhiều trường tư thục tốp đầu của Thành phố Hồ Chí Minh có bề dày đào tạo từ 25 đến 30 năm như Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Ngôi Sao, Nguyễn Khuyến, Hồng Đức, Trương Vĩnh Ký... đã khẳng định được uy tín, thương hiệu với xã hội.

Một số nhà giáo vốn là giảng viên giỏi đến từ các trường đại học đã tham gia thành lập trường, quản lí và giảng dạy trường tư thục ở Thành phố như Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Trí Viễn (Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh), Giáo sư Trần Hữu Tá (Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh)...

Cùng với đó, những trường này có không gian rộng rãi, có sân luyện tập thể dục thể thao cho các môn bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, hồ bơi... Các trường có đầy đủ các phòng chức năng phục vụ cho việc dạy và học như: thư viện, thiết bị, thí nghiệm thực hành, tin học - được đầu tư xứng tầm.

Đáng chú ý, những trường tư thục tốp đầu này đều có khu nội trú khang trang, tiện nghi, phục vụ tốt nhất cho học sinh các tỉnh đến học. Đặc biệt, giáo viên nội trú ăn ở cùng học sinh, vừa giảng dạy vừa quản lí các em về thời gian học tập, nghỉ ngơi vào buổi trưa, buổi tối và các ngày cuối tuần.

Thứ ba, đội ngũ giáo viên trường tư thục có nhiều thầy cô giỏi vì được tuyển dụng kĩ càng và sàng lọc qua hàng năm nếu không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ. Đây là điểm khác biệt khác biệt lớn nhất giữa trường tư thục và trường công lập - giáo viên được hợp đồng không xác định thời hạn (nếu được tuyển dụng trước 1/7/2020).

Tôi đã và đang tham gia thỉnh giảng cho một số trường phổ thông tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh thì thấy rằng, giáo viên dạy trường tư được trả lương cao, đảm bảo các chế độ theo quy định của pháp luật và phúc lợi của doanh nghiệp - dĩ nhiên thầy cô phải giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệt huyết, gắn bó lâu dài với trường và có đạo đức tốt.

Ngoài lương, trường tư "hút" giáo viên giỏi so với trường công ở chỗ, thầy cô không phải thực hiện quá nhiều hồ sơ sổ sách, soạn giáo án theo mẫu này mẫu nọ để đối phó với tổ trưởng chuyên môn, ban giám hiệu và cơ quan quản lí giáo dục (phòng/sở). Việc thực hiện kế hoạch thời gian năm học, kế hoạch giảng dạy... cũng rất linh hoạt.

Ngoài ra, hoạt động hướng nghiệp, ngoại khóa cũng được nhiều trường tư thục triển khai thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nguyện vọng của học sinh, phụ huynh học sinh - khác với cách làm hình thức đang tồn tại ở nhiều trường công lập trên địa bàn Thành phố.

Chẳng hạn, ngày 18/3/2022, Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Hoa Lư (Thành phố Hồ Chí Minh) đã tổ chức một buổi hoạt động ngoại khóa rất bổ ích, thầy cô đưa học sinh đến Nhà hát Kịch Thành phố nhằm giúp các em hiểu thêm phong cách kiến trúc Gothic - thời Trung cổ ở Tây Âu và xem vở kịch "Giọt nước mắt của mẹ".

"Đối với học sinh, kịch nói là một loại hình giải trí quá mới mẽ, nhiều em chưa một lần bước chân đến sân khấu kịch để xem nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp. Nhưng thật bất ngờ, tất cả học sinh đều chăm chú theo dõi vở kịch này, bày tỏ sự yêu quý, trân trọng các nghệ sĩ.

Vì nội dung của vở kịch đã chạm đến trái tim của các em - đó là tình mẫu tử thiêng liêng, là nguồn sống, điểm tựa để chúng ta vượt qua mọi khó khăn và giông bão của cuộc đời", thầy Phan Thế Mỹ, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 A2 xúc động chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

https://luatminhkhue.vn/xa-hoi-hoa-giao-duc-la-gi-mot-so-van-de-ve-xa-hoi-hoa-giao-duc-theo-luat-giao-duc-nam-2019.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương