Năm học mới 2022-2023 đang cận kề, nhiều địa phương vẫn đang trăn trở tìm cách giải bài toán thiếu giáo viên. Đứng trước những thách thức tương tự, trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên đề cập đến một số kiến nghị, đề xuất để triển khai nhiệm vụ năm học mới hiệu quả hơn.
Phóng viên: Trước thềm năm học mới nhiều địa phương đang đứng trước tình trạng thiếu giáo viên. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên có gặp khó khăn tương tự, đặc biệt với đội ngũ giáo viên các bộ môn “mới” trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phê: Năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên cũng gặp khó khăn về thiếu giáo viên như nhiều địa phương khác trên cả nước. Hưng Yên thiếu trên 3.500 giáo viên, trong đó, giáo viên mầm non thiếu trên 2.000.
Đến thời điểm hiện tại, ngành giáo dục và đào tạo Hưng Yên vừa được giao bổ sung biên chế cho năm học 2022-2023 tổng cộng 1.063 người (trong đó có 630 biên chế giáo viên mầm non, 299 biên chế giáo viên tiểu học, 99 biên chế giáo viên trung học cơ sở và 35 biên chế giáo viên trung học phổ thông). Với số lượng biên chế được giao bổ sung này, cũng khắc phục được khoảng 30% số giáo viên còn thiếu cho năm học mới.
Đối với môn học mới cấp trung học phổ thông, tỉnh Hưng Yên cũng gặp khó khăn. Đa số các trường trung học phổ thông chưa có giáo viên môn Nghệ thuật (Mỹ thuật, Âm nhạc).
Ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: hungyen.edu.vn). |
Để giải quyết vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên, đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao biên chế năm 2022 cho các trường trung học phổ thông ngoài các môn học bắt buộc thì cũng đã giao biên chế theo nhóm môn (trong đó, có 02 môn mới là Mỹ thuật và Âm nhạc) để thực hiện tuyển dụng hoặc hợp đồng giáo viên khi có nguyện vọng của học sinh lựa chọn môn học.
Để hỗ trợ tốt cho môn học, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp trung học cơ sở có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm, tổ chức hỗ trợ hoạt động chuyên môn cho môn Âm nhạc, Mỹ thuật trung học phổ thông.
Về việc nâng chuẩn giáo viên đối với cấp trung học phổ thông thì Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên không gặp khó khăn. Số giáo viên đạt trình độ chuẩn 1.520/1.520 giáo viên, đạt 100%, trong đó có 25% đạt trình độ trên chuẩn.
Phóng viên: Trước tình hình thiếu giáo viên như vậy, Sở có phương án sắp xếp, bố trí như thế nào để đảm bảo giáo viên đáp ứng nhu cầu người học?
Ông Nguyễn Văn Phê: Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập lựa chọn ở lớp 10 thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH ngày 19/4/2022 về việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục trung học năm 2022-2023 và theo quy định sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông ban hành tại Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 03/8/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc xây dựng tổ hợp các môn học phải bảo đảm vừa đáp ứng theo nguyện vọng của học sinh vừa sử dụng đầy đủ, hiệu quả đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường; tăng cường phối hợp, trao đổi giáo viên giữa các trường trong khu vực để sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có. Tổ chức tư vấn và cho học sinh đăng ký, lựa chọn các tổ hợp do nhà trường xây dựng đảm bảo khoa học, công khai, minh bạch.
Một giờ học tại trường trung học phổ thông tại Hưng Yên. (Ảnh: hungyen.edu.vn). |
Về kế hoạch tuyển dụng bổ sung giáo viên cho năm học 2022-2023: Căn cứ số lượng biên chế được giao bổ sung năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu theo môn học và xây dựng kế hoạch tuyển dụng trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong tháng 9/2022.
Phóng viên: Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học các môn đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ, địa phương đã có kế hoạch chuẩn bị như thế nào trước thềm năm học mới, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phê: Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ngày 09/01/2020 ra Kế hoạch số 02/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2019-2025; ngày 23/8/2022 ra Kế hoạch số 145/KH-UBND thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2025 triển khai thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 nhằm huy động cả hệ thống chính trị, các Sở ban ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố cùng tham gia thực hiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc phổ thông. (Ảnh: hungyen.edu.vn). |
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp lại cơ sở vật chất hiện có một cách hợp lý, bảo đảm đủ phòng học nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất; kiểm tra, rà soát thực trạng thiết bị dạy học hiện có để lập kế hoạch chi tiết sửa chữa, thay thế, nâng cấp, mua sắm bổ sung những thiết bị dạy học cần thiết và đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học theo chương trình hiện hành, đồng thời thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tiếp tục chỉ đạo các nhà trường thực hiện phong trào tự làm thiết bị dạy học để bổ sung, cải tiến, sửa chữa nhằm phát huy hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học đã được trang bị, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.
Các trường thực hiện việc rà soát, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí tập trung tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học, thực hành bộ môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Đảm bảo đủ số lượng máy tính phục vụ dạy và học môn Tin học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phóng viên: Xin ông cho biết một số khó khăn cụ thể trong việc bố trí giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sở Giáo dục và Đào tạo có kiến nghị, đề xuất gì để triển khai năm học mới hiệu quả hơn?
Ông Nguyễn Văn Phê: Do định mức giáo viên được giao thấp hơn so với định mức quy định, do đó việc bố trí giáo viên các môn học theo chương trình 2018 gặp khó khăn, nhất là các môn học Tin học (ở cấp tiểu học) và môn Âm nhạc, Mỹ thuật (cấp trung học phổ thông).
Chính vì vậy, Sở có một số đề xuất, kiến nghị như sau: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo kịp thời mở các mã ngành đào tạo các chuyên ngành phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học; môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở. Tăng cường đào tạo các chuyên ngành sư phạm Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật để có nguồn tuyển.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!