Hướng dẫn từ năm 1988, trường học gặp khó khi xử lý tình trạng bạo lực học đường

27/03/2022 06:55
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xuất phát từ mâu thuẫn về tình cảm hay đơn giản là một, hai câu nói không vừa ý, học sinh sẵn sàng “hẹn” nhau giải quyết bằng bạo lực.

Liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực của thanh thiếu niên Hải Phòng

Những ngày qua, không khó để tìm thấy những bài đăng, clip lên án về thực trạng bạo lực ở lứa tuổi thanh thiếu niên ở Hải Phòng.

Mới đây nhất, vào chiều ngày 22/3, chỉ vì xích mích trong lúc đi rửa tay vào giờ ra chơi, hai nữ sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (huyện Kiến Thuỵ) đã “hẹn” nhau ngoài trường để giải quyết.

Cuộc “hẹn” này khiến em P.T.N.L (học sinh lớp 10) bị ngất xỉu tại chỗ, gia đình phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp còn em V.T.D.L (học sinh lớp 11) cũng bị nhiều vết xước, bầm tím trên mặt và chân, tay nên phải điều trị tại Bệnh viện huyện Kiến Thuỵ.

Sự việc trên được đăng tải trên mạng xã hội Facebook và được chia sẻ rộng rãi khiến cộng đồng mạng không khỏi “lắc đầu” khi chỉ cách trước đó mấy ngày, một clip ghi lại hình ảnh một nữ sinh bị đánh hội đồng dã man đã trở thành đề tài “nóng”.

Trước đó vào ngày 16/3, trên mạng xã hội facebook cũng lan truyền một clip ghi lại hình ảnh một nữ sinh bị nhóm người đánh hội đồng xảy ra tại địa bàn huyện Kiến Thuỵ.

Trong clip, một thiếu nữ mặc áo đen dùng mũ bảo hiểm đập liên tục vào đầu, người một nữ sinh khiến chiếc mũ vỡ tan còn hai người khác trong nhóm cũng dùng chân, tay đạp vào vùng mặt, bụng nữ sinh.

Hình ảnh đánh hội đồng dã man của nhóm người trên cùng sự bàng quang, cười cợt của nhóm đông bạn trẻ đứng xem, ghi hình lại trong đó có nhiều bạn đang khoác trên mình chiếc áo đồng phục khiến nhiều cư dân mạng bày tỏ sự phẫn nộ, bức xúc.

Cụ thể, em N.T.N.H (sinh năm 2007, học sinh Trường Trung học cơ sở Vạn Hương, Đồ Sơn) cùng một số nữ sinh khác ở Đồ Sơn đã đánh gây thương tích cho N.Y.N (sinh năm 2008) và B.T.H.N (sinh năm 2007) cùng là học sinh Trường Trung học cơ sở Hòa Nghĩa (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng).

Sau đó, hai nhóm học sinh trên lại tiếp tục hẹn nhau đến khu vực đê Bàng La, quận Đồ Sơn đánh B.T.H.N.

Hậu quả, B.T.H.N bị đau vùng đầu, đang được điều trị tại bệnh viện và N.Y.N bị xây xước da ở vùng vai, tay, không có tổn thương nghiêm trọng.

Những vụ nữ sinh đánh nhau, nữ sinh bị đánh hội đồng liên tiếp xảy ra tại Hải Phòng (Ảnh: facebook)

Những vụ nữ sinh đánh nhau, nữ sinh bị đánh hội đồng liên tiếp xảy ra tại Hải Phòng (Ảnh: facebook)

Theo thầy Nguyễn Văn Ca – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự, tình trạng bạo lực ở lứa tuổi thanh thiếu niên (học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông) hiện nay thường xuất phát từ mâu thuẫn do những mối quan hệ tình cảm hay đơn giản như việc nói xấu hay muốn thể hiện, khẳng định cái tôi cá nhân.

Những mâu thuẫn này được đẩy cao hơn khi các em giao tiếp thông qua các trang mạng xã hội rồi dẫn đến những sự việc đáng tiếc như đánh nhau, đánh hội đồng rồi quay, tung clip lên mạng.

Thông thường, các em cho rằng việc quay clip lại là để thể hiện hội nhóm, bôi nhọ đối tượng đối lập.

Đồng quan điểm trên, cô Bùi Thị Hiên – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tràng Cát (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) chia sẻ: “Bạo lực ở lứa tuổi thanh thiếu niên không phải là vấn đề mới nhưng lại là nỗi trăn trở của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tình trạng này xảy ra liên tục hơn, có nhiều vụ còn bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.

Trong đó, điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn, nói xấu nhau trên zalo, facebook,…

Những vụ việc như vậy gây ra hậu quả trực tiếp cả về thể xác, tinh thần và ảnh hướng đến việc học tập cũng như tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời”.

Giáo viên, phụ huynh chủ động trở thành “bạn” của học sinh trên không gian mạng

Cũng theo quan điểm của một số hiệu trưởng các trường trung học cơ sở ở Hải Phòng, để làm "hạ nhiệt” tình trạng bạo lực ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thầy, cô giáo và gia đình phải gần gũi, chia sẻ, trở thành người bạn của học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Ca – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự cho biết: “Nhà trường áp dụng các giải pháp như tuyên truyền tích cực bằng đưa vào dạy lồng ghép trong nhà trường, tổ chức nhiều hoạt động tập thể nhằm cuốn hút học sinh vào các hoạt động tích cực, thành lập tổ tư vấn học đường,…

Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh cần cùng hoà nhập với con trẻ trên môi trường mạng để hiểu tuổi trẻ và cũng sớm phát hiện nhằm kịp thời ngăn chặn.

Từ đó, giúp trẻ vi phạm hiểu rõ mọi vấn đề vi phạm muốn che giấu đều không thể che giấu”.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự cũng đề xuất cần có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm đối với tình trạng này.

Thực tế, việc xử lý kỷ luật trong các nhà trường hiện nay rất khó khăn vì văn bản chỉ đạo liên quan từ năm 1988 đã quá cũ còn chỉ đạo mới năm 2020 chỉ là dự thảo.

Hiệu trưởng một số trường trung học cơ sở ở Hải Phòng cho rằng giáo viên, phụ huynh học sinh cần trở thành "bạn" trên không gian mạng của học sinh (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Hiệu trưởng một số trường trung học cơ sở ở Hải Phòng cho rằng giáo viên, phụ huynh học sinh cần trở thành "bạn" trên không gian mạng của học sinh (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Chia sẻ thêm về những phương pháp để hạn chế vụ việc bạo lực xảy ra đối với học sinh nhà trường, cô Bùi Thị Hiên – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tràng Cát cho biết: “Việc tuyên truyền về thực trạng đáng báo động của bạo lực ở lứa tuổi thanh thiếu niên hết sức cần thiết.

Đồng thời, rất cần có sự phối kết hợp, sự vào cuộc của tất cả các lực lượng trong và ngoài nhà trường, đặc biệt là giáo dục từ gia đình.

Gia đình cần phải có một môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con cái, không có bạo lực để tạo tâm lý lành mạnh cho con, giúp con có những phẩm chất và hành vi tốt đẹp.

Về phía nhà trường, chúng tôi luôn chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, thông qua việc lồng ghép trong các môn học và tổ chức các hoạt động giáo dục, ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa…

Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền về nguyên nhân, hậu quả và cách phòng tránh, ngăn chặn bạo lực học đường là một trong những hoạt động được nhà trường thực hiện thường xuyên.

Song song với đó là việc phối hợp với phụ huynh, quản lý chặt chẽ học sinh bằng cách thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm sự chia sẻ của học sinh.

Từ đó, phát hiện những biểu hiện tâm lý bất thường để giải tỏa bức xúc và tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ các em, ngăn chặn những hành vi tiêu cực kịp thời.

Đặc biệt, trong giai đoạn này do ảnh hưởng của đại dịch Covid, học sinh học online kéo dài, tâm lý của các em thay đổi rất nhiều, bị stress, dễ bị nổi nóng, dễ bị kích động, không kiểm soát được bản thân…dẫn đến mâu thuẫn, bạo lực.

Ngoài ra, thầy, cô chủ nhiệm nhà trường cũng chủ động việc kết bạn với học sinh trên các trang mạng như Zalo, Facebook… để thuận lợi hơn trong việc phát hiện những mâu thuẫn, hành vi không lành mạnh, hay có biểu hiện bắt nạt, đe dọa… để kịp thời ngăn chặn.

Trong trường hợp nếu học sinh cố tình vi phạm thì cần có hình phạt thật nghiêm khắc đối với những học sinh gây ra bạo lực để răn đe, làm gương cho những học sinh khác.

Nhà trường cũng có hình thức hỗ trợ kịp thời đối với nạn nhân của các vụ bạo lực thông qua hoạt động của tổ tư vấn tâm lý học đường.

Để không còn bạo lực học đường, phụ huynh và nhà trường phải cùng nhau phối hợp chặt chẽ, nâng cao sự hiểu biết của học sinh về pháp luật”.

PHẠM LINH