Huyện Mù Cang Chải: 9.235 HS tiểu học nhưng mới có biên chế 1 GV tiếng Anh

14/09/2022 06:32
Hoài Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học 2022-2023, tại 2 huyện vùng cao ở Yên Bái là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, số giáo viên tiếng Anh còn thiếu lần lượt là 22 và 25 người.

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông. Theo đó, môn Ngoại ngữ (tiếng Anh) và môn Tin học sẽ là môn học bắt buộc, được tổ chức dạy học từ lớp 3. Đây được xem là khó khăn lớn đối với nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Yên Bái.

Riêng tại 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, theo thống kê, số giáo viên tiếng Anh còn thiếu lần lượt là 22 và 25 người. Cá biệt, cấp tiểu học của huyện Mù Cang Chải có tổng số 16 trường (8 trường tiểu học và 8 trường tiểu học & trung học cơ sở), 1 phân hiệu, gồm 290 lớp với 9.235 học sinh nhưng hiện mới chỉ có duy nhất 1 biên chế giáo viên tiếng Anh.

Từ thực tế này, tỉnh Yên Bái đã biệt phái 15 giáo viên tiếng Anh từ thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Yên Bình, Trấn Yên lên 2 huyện vùng cao để hỗ trợ giảng dạy.

Tỉnh Yên Bái biệt phái 15 giáo viên tiếng Anh lên vùng cao để hỗ trợ giảng dạy. (Ảnh: Báo Yên Bái)

Tỉnh Yên Bái biệt phái 15 giáo viên tiếng Anh lên vùng cao để hỗ trợ giảng dạy. (Ảnh: Báo Yên Bái)

Biệt phái giáo viên - chủ trương đúng đắn và cần thiết

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Mạnh Tưởng - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu cho biết, về thực trạng đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện Trạm Tấu hiện nay so với biên chế được giao còn thiếu 78 người. Trong đó, số giáo viên thiếu của bậc mầm non là 35 người, bậc tiểu học là 16 người, bậc trung học cơ sở là 27 người.

Trước tình hình đội ngũ còn thiếu như trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu đã xây dựng phương án sắp xếp, bố trí giáo viên để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với năm học 2022-2023.

Tuy nhiên, đối với bộ môn tiếng Anh, đội ngũ giáo viên của huyện không thể đáp ứng được. Phòng đã báo cáo với Sở Giáo dục và Đào tạo và đã được tiếp nhận giáo viên biệt phái cho môn học này.

"Biệt phái giáo viên là một chủ trương hết sức đúng đắn và rất cần thiết. Chủ trương này đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn trước mắt về tình trạng đội ngũ giáo viên còn thiếu ở một số bộ môn theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo", ông Tưởng nêu quan điểm.

Bố trí giáo viên dạy liên cấp, liên trường

Cũng chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải thông tin, năm học này, huyện Mù Cang Chải tiếp nhận 9 giáo viên biệt phái môn tiếng Anh, trong đó, có 7 giáo viên đến từ thành phố Yên Bái và 2 giáo viên ở huyện Yên Bình.

"Biệt phái giáo viên là một trong số những giải pháp trước mắt, gỡ khó cho một số huyện vùng sâu vùng xa cùng chung tình cảnh thiếu giáo viên tiếng Anh. Còn về lâu dài, tỉnh sẽ có chính sách, cơ chế đào tạo để đáp ứng công tác tuyển dụng, đảm bảo thực hiện đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết, ngoài môn tiếng Anh, Tin học, một số môn như Toán, Ngữ văn cũng đang trong tình trạng thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, ở bậc học mầm non, đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều khiến việc dạy học gặp khó khăn, khó đảm bảo.

Từ thực trạng trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Phòng Nội vụ của huyện, tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện điều động, sắp xếp đội ngũ giáo viên để đảm bảo cân đối tỉ lệ giáo viên giữa các đơn vị trường trên địa bàn, đồng thời xây dựng phương án bố trí giáo viên dạy liên cấp, liên trường.

"Ví dụ, đối với trường liên cấp, giáo viên đó được ký biên chế dạy tiếng Anh ở cấp trung học cơ sở thì sẽ điều động dạy cả cấp tiểu học.

Còn ở địa bàn một xã có 2 trường tiểu học thì các trường có thể xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, phù hợp, sắp xếp thời khoá biểu khoa học để thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường", ông Tuấn chia sẻ.

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên và có đủ nguồn tuyển cho những năm tiếp theo, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết, hiện, huyện đang đề xuất rà soát lại toàn bộ số người học đã tốt nghiệp ngành sư phạm ở địa phương có đạt chuẩn trình độ đào tạo giáo viên hay không, từ đó có hướng trong tuyển dụng.

"Chuẩn trình độ đào tạo với giáo viên mầm non phải từ cao đẳng trở lên, chuẩn trình độ đào tạo với giáo viên tiểu học là đại học. Tuy nhiên, nhiều người học mới chỉ tốt nghiệp hệ trung cấp. Chính vì vậy, chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đến các bạn trẻ mới ra trường tiếp tục học lên bậc cao đẳng, đại học để đảm bảo đạt chuẩn, có thể tham gia các đợt tuyển dụng", ông Tuấn cho hay.

Ngoài nỗi lo về tình trạng thiếu giáo viên, là người có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cũng rất trăn trở với công tác quản sinh (quản lý học sinh) ở các trường nội trú và bán trú.

Chia sẻ với phóng viên, ông Tuấn cho hay: "Số lượng học sinh ở bán trú, nội trú rất đông. Bên cạnh việc tuyển dụng thêm biên chế giáo viên để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì tôi cũng rất mong các trường nội trú, bán trú sẽ có thêm một biên chế là cán bộ quản sinh để có thể chăm lo, quan tâm đời sống, tinh thần cho học sinh tốt hơn. Qua đó, giúp các em yên tâm học tập, rèn luyện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường".

Hoài Ân