Máy bay chiến đấu Su-30MK2 của Không quân Indonesia |
Mạng Bloomberg News ngày 29 tháng 5 cho rằng, Trung Quốc gia tăng yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông đã trở thành động lực mới mở rộng quân bị của Indonesia. Việc triển khai của quân đội Indonesia sẽ quan tâm hơn đến rủi ro từ bên ngoài.
Theo bài báo, nhiều năm qua, Indonesia luôn tập trung vào mối đe dọa của các phần tử ly khai. Hiện nay, họ dự định triển khai máy bay trực thăng trên đảo ở cực nam Biển Đông, đồng thời mở rộng sức mạnh hải quân của mình.
Mục tiêu của Joko Widodo, người dẫn đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 7 tới là tăng tỷ trọng của chi tiêu quốc phòng trong kinh tế lên 1,5%. Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Bài báo cho biết, sự thay đổi về chiến lược xuất hiện cùng với sự leo thang tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam - đối tác của Indonesia trong ASEAN.
Tàu hộ vệ Karel Satsuitubun của Hải quân Indonesia |
Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Singapore Tim Huxley nói: "Tiêu điểm của chi tiêu quốc phòng Indonesia đang chuyển hướng sang ứng phó với mối đe dọa từ bên ngoài.
Nhìn từ góc độ của Indonesia, điều mọi người quan tâm là Biển Đông không nên trở thành "ao nhà" của Trung Quốc, tự do hàng hải cần được bảo vệ". Ông nói, điểm này đang tác động ảnh hưởng tới chi tiêu quốc phòng và hoạt động mua sắm của Indonesia.
Khi trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Quốc phòng Indonesia Sjafrie Sjamsoeddin cho biết, quân đội Indonesia đang bổ sung xe tăng, tàu ngầm, máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu phản lực cho kho vũ khí của họ.
Căn cứ vào kế hoạch, chính phủ đang muốn tiếp tục bổ sung 274 tàu chiến, 10 phi đội máy bay chiến đấu và 12 tàu ngầm diesel-điện mới.
Bài báo cho biết, trong tranh chấp Biển Đông giữa một số nước láng giềng với Trung Quốc (Trung Quốc cố tình tạo ra và nhảy vào tranh chấp), Indonesia trước đây luôn tìm cách đứng ngoài. Họ cũng không phải là nước đòi hỏi chính thức ở khu vực tranh chấp.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Sigma của Hải quân Indonesia |
Nhưng, mấy tháng gần đây, Indonesia cho rằng, Trung Quốc giải thích về bản đồ "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò) - nền tảng cho yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc - đang thâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Tháng 3 năm 2014, trang mạng của tập đoàn tin tức IHSS Jane's đã dẫn lời Tham mưu trưởng lục quân Indonesia Budiman cho biết, Indonesia sẽ triển khai 4 máy bay trực thăng tấn công Apache ở quần đảo Natuna, sử dụng chúng như là biện pháp đánh đòn phủ đầu, nhằm ứng phó với tình hình bất ổn ở Biển Đông.
Nhà nghiên cứu cao cấp Iain Storey, Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore cho rằng, trong tình hình thái độ của Trung Quốc đối với phía nam Biển Đông kiên quyết hơn, "lực lượng vũ trang Indonesia đang tăng cường thực lực quân sự của mình trên quần đảo Natuna, bao gồm chuẩn bị tốt và trước về công trình cho máy bay chiến đấu phản lực ở quần đảo Natuna".
Tên lửa chống hạm Yakhont trang bị cho tàu chiến của Indonesia, mua của Nga |