Kể cả thuộc ngành nghề nặng nhọc, vẫn cần có thêm điều chỉnh để GVMN đỡ vất vả

04/08/2023 06:37
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Cuộc sống của giáo viên mầm non cắm bản rất thiệt thòi khi phải xa con nhỏ, gia đình. Con đường đến các điểm trường cũng nguy hiểm.

Tại Diễn đàn Người Lao động năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Có vất vả nào như giáo viên mầm non

Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các giáo viên mầm non,trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Bùi Thị Sáu – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Mầm non Huổi Lếch (xã Huổi Lếch, Mường Nhé, Điện Biên) cho biết: “Công việc của giáo viên mầm non đòi hỏi sự kiên nhẫn, năng động và tâm huyết. Việc xếp công việc giáo viên mầm non có phải là công việc nặng nhọc, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không sẽ do cơ quan chức năng xem xét.

Tuy nhiên, dưới góc độ của giáo viên mầm non, thầy cô đã chọn nghề, đang phải chấp nhận những khó khăn của nghề giáo mầm non.

Trong đó, môi trường làm việc của giáo viên mầm non có đặc thù đòi hỏi sức khỏe phải tốt bởi các con rất hiếu động, tối thiểu 2 cô phải quản đến 35 cháu không phải là điều dễ dàng.

Có những lúc giáo viên mầm non như phản xạ có điều kiện với từ “cô ơi” khi cả ngày chỉ nghe: “cô ơi, bạn đánh con”, “cô ăn, bạn cắn con”, “cô ơi, bạn lấy đồ chơi của con”, “cô ơi, cô ơi… con đi vệ sinh”… có khi thì “cô ơi…” xong không nói gì. Một ngày sẽ đối mặt với muôn kiểu… cô ơi!".

Giáo viên mầm non không chỉ là nhiệm vụ giáo dục mà còn có nhiệm vụ nuôi dưỡng. Ảnh: LC

Giáo viên mầm non không chỉ là nhiệm vụ giáo dục mà còn có nhiệm vụ nuôi dưỡng. Ảnh: LC

Cô Bùi Thị Sáu cũng phân tích thêm: "Áp lực tâm lý của giáo viên mầm non cũng rất lớn từ việc chăm sóc trẻ em đặc biệt (trẻ khuyết tật, chậm phát triển...) thì còn phải hỗ trợ và khuyến khích trẻ vượt qua những khó khăn mà các em gặp phải để theo kịp bạn bè.

Trong một ngày làm việc, giáo viên mầm non phải sắp xếp và chuẩn bị các hoạt động giáo dục, chăm sóc và vui chơi cho trẻ. Việc quản lý thời gian và công việc đối với mỗi thầy cô đều đòi hỏi phải thật chính xác, nếu không chương trình học của các con không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.

Một trong những khó khăn nữa của giáo viên mầm non là khi trẻ nhỏ ở độ tuổi này cần có những yêu cầu học tập và phát triển đa dạng buộc thầy cô phải liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng giáo dục để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của chương trình mới, của học sinh…"

Nhưng những khó khăn đó giáo viên mầm non có thể khắc phục được vì đó là kỹ năng và niềm yêu nghề.

Điều buồn nhất của giáo viên giáo viên mầm non chính là việc mức lương thấp so với công sức và trách nhiệm phải làm hàng ngày.

“Làm giáo viên mầm non đã vất vả, nhưng giảng dạy ở vùng cao thì vất vả thêm bội phần. Không chỉ khó khăn về đường sá đi lại mà còn cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Giáo viên mầm non thường phải tận dụng hết tất cả những gì có thể để sáng tạo thêm đồ dùng học tập cho các con.

Mặc dù nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung giáo viên mầm non tại trường mầm non Huổi Lếch nói chung rất đam mê và tận tâm với công việc của mình”, cô Sáu cho biết.

Mong có thêm điều chỉnh phù hợp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Văn Kham – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp (Sơn La) cho biết, nếu có sự đồng thuận của các cơ quan chức năng khi xếp giáo viên mầm non vào danh sách các ngành nghề nặng nhọc, độc hại cũng là điều rất tốt.

Bởi nếu được xếp vào nhóm nghề này, giáo viên mầm non sẽ có thêm phụ cấp, tăng thêm thu nhập. So với những vất vả, hy sinh của giáo viên mầm non công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, chính sách cần phải ưu tiên nhiều hơn để động viên cho họ.

Tuy nhiên, thiết nghĩ nếu có thể, các cấp chính quyền, bộ, ban, ngành nên xây dựng chính sách tốt hơn nữa, tập trung vào việc cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên mầm non như giảm số lượng học sinh trong một lớp.

Hiện nay, theo quy định số trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo 5 – 6 tuổi trong một lớp tối đa lên đến 35 trẻ và có tổi thiểu 2 cô.

Với lượng giáo viên mầm non còn thiếu, đặc biệt tại các vùng khó khăn, 2 cô giáo phải quản đến 35 trẻ ở độ tuổi hiếu động là rất vất vả.

Cùng với đó, cơ sở vật chất của mầm non vẫn còn đang rất khó khăn, nhà công vụ cho giáo viên ở điểm trường, vùng khó khăn rất tạm bợ.

Chưa kể hiện nay giáo viên mầm non cũng thiệt thòi hơn các giáo viên các cấp học khác trong xếp lương theo Thông tư 08.

Giáo viên mầm non vùng cao vẫn đang phải sống trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Trong ảnh là cô giáo Chu Sìn Pứ - giáo viên Trường Mần non Huổi Lếch (điểm trường Cây Sặt) Mường Nhé, Điện Biên đang nhóm lửa chuẩn bị nấu cơm cho học sinh. Ảnh: LC

Giáo viên mầm non vùng cao vẫn đang phải sống trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn.

Trong ảnh là cô giáo Chu Sìn Pứ - giáo viên Trường Mần non Huổi Lếch (điểm trường Cây Sặt) Mường Nhé, Điện Biên đang nhóm lửa chuẩn bị nấu cơm cho học sinh. Ảnh: LC

Cũng là giáo viên, nhưng giáo viên mầm non đầu vào dù là trình độ đại học cũng chỉ hưởng lương như tốt nghiệp cao đẳng, điều này khiến thầy cô rất thiệt thòi.

Cũng bày tỏ quan điểm về đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xếp giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại, ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết:

“Giáo viên mầm non là một công việc nặng nhọc vì cùng lúc phải thực hiện 2 nhiệm vụ trong 1 ngày làm việc đó là vừa dạy học, vừa nuôi dưỡng.

Điều 24 của Luật Giáo dục năm 2019 quy định giáo dục mầm non phải bảo đảm phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em; hài hòa giữa bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục trẻ em; phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội, trí tuệ, thẩm mỹ; tôn trọng sự khác biệt; phù hợp với các độ tuổi và liên thông với giáo dục tiểu học.

Như vậy có thể thấy, yêu cầu của giáo dục mầm non rất nhiều nội dung, do vậy giáo viên mầm non phải thực hiện nhiều nội dung trong 1 ngày làm việc.

Bên cạnh đó, với giáo dục vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn giáo viên mầm non lại vất vả nhiều phần khi địa bàn công tác xa, điểm trường xa trung tâm, đường sá đi lại khó khăn…Cùng với đó, điều kiện làm việc của giáo viên mầm non còn thiếu thốn, nhà công vụ vừa thiếu vừa xuống cấp.

Phần lớn giáo viên mầm non phải xa nhà gửi con để lên biên giới cắm bản, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nơi đây".

Bên cạnh việc xếp giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại, ông Chuỳ rất mong các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên mầm non như có chính sách đối với giáo viên dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt tại trung tâm các trường ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bổ sung chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công tác tại các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nhưng không phải xã biên giới.

Có chế độ phụ cấp trực trưa cho giáo viên mầm non vùng đặc biệt khó khăn dạy 2 buổi/ngày vì phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu làm nương rẫy nên không thực hiện được trông trưa như ở vùng thuận lợi.

Điều chỉnh mức lương cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, ví như:

"Giáo viên mầm non có hệ số khởi điểm là 2,34 còn giáo viên tiểu học và trung học cơ sở có hệ số khởi điểm là 4,0 (chênh 1,66).

Giờ dạy của giáo viên mầm non quy định tại Thông tư số 48/2011/TT-BGDDT ngày 25/10/2011 quy định giờ dạy 40 giờ/tuần (giáo viên mầm non làm cả ngày ở trường, đi làm từ 6 giờ - 6giờ30 đến 17 giờ - 17giờ 30 mới về đến nhà).

Còn định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết (17,25 giờ/tuần), giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết (14,25 giờ/tuần).

Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học (15,75 giờ/tuần), 17 tiết ở cấp trung học cơ sở (12,75 giờ/tuần) quy định tại Thông tư hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 23/6/2017.

Từ đó, cho thấy giáo viên mầm non có cường độ làm việc cao, rất vất vả nhưng chế độ chính sách chưa đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết.

Lại Cường