Hội chứng “ghét lây” trong nhà trường

11/01/2020 06:27
TRẦN THẢO DÂN
(GDVN) - Hội chứng “ghét lây” thường xảy ra ở những trường mà hiệu trưởng thường chuyên quyền, độc đoán.

Trong một ngôi trường, một tập thể sư phạm, không phải ai cũng được hiệu trưởng thương yêu mà ngược lại, có những trường hợp bị hiệu trưởng ghét.

Lý do bị ghét có rất nhiều, nhưng có những lý do chính của nó. Đó là những giáo viên bị cho là “cứng đầu”, luôn phản bác những ý kiến chưa hợp tình hợp lý, chưa đúng của hiệu trưởng.

Hiệu trưởng lộng quyền trong nhà trường (Ảnh minh họa: NOP 16).
Hiệu trưởng lộng quyền trong nhà trường (Ảnh minh họa: NOP 16).

Trong khi đa số ngồi im lặng, nhẫn nhục chịu đựng vì sợ bị “đì”, bị đưa vào danh sách “luân chuyển”, “tinh giản” sắp tới thì cũng có những giáo viên không chịu sự độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng của hiệu trưởng đã dám đứng lên có ý kiến…

Mọi người ái ngại, lo cho đồng nghiệp nhưng vì miếng cơm manh áo, đành ngồi im, cầu mong cho cuộc họp mau hết giờ.

Đó là những giáo viên trung trực, thẳng thắn, dám đấu tranh với những sai trái của hiệu trưởng như lạm thu, vi phạm quy tắc ứng xử, chửi giáo viên, nhân viên… Họ mạnh dạn gởi đơn tố cáo đến các cấp có thẩm quyền để kiểm tra, xem xét sực việc…

Những giáo viên này thì hiệu trưởng rất ghét nhưng cũng “chờn”, không dám “mạnh tay” vì còn sợ công luận. Đây là những “cái gai” trong con mắt hiệu trưởng nhưng muốn “nhổ” thì cả vấn đề nan giải. Thế là bị ghét cay ghét đắng…

Có trường hợp người bị ghét là hiệu phó vì thường lên tiếng sự chuyên quyền, kẻ cả của hiệu trưởng…

Một khi ai đó bị ghét mà người khác, nhất là phe của hiệu trưởng, không ghét theo thì bị cho là… đứng về phía người bị ghét. Cho nên, họ thường tìm mọi cách cô lập người bị hiệu trưởng ghét để tỏ rõ “lòng trung thành” của mình.

Hội chứng “ghét lây” thường xảy ra ở những trường mà hiệu trưởng thường chuyên quyền, độc đoán.

Vì sao vẫn còn những hiệu trưởng tự tung, tự tác?
Vì sao vẫn còn những hiệu trưởng tự tung, tự tác?

Vì sao hiệu trưởng coi thường tập thể, coi thường tổ chức, tự tung tự tác như vậy?

Đó là những hiệu trưởng có mối “quan hệ” với cấp trên, có “dây mơ rễ má” với “ông này bà nọ” nên tự cao tự đại, nghĩ là không ai làm gì được mình.

Tôi từng thấy, chứng kiến một cô giáo dạy môn “Giáo dục công dân” bị thầy hiệu trưởng ghét. Lý do là theo hiệu trưởng, môn Giáo dục công dân là “môn phụ” nên phải ra đề kiểm tra dễ, cho điểm cao để học sinh đạt “học sinh giỏi” nhiều.

Nhưng học sinh không chịu học, lười biếng thì làm sao cho điểm cao được? Thế là cô cãi lý với hiệu trưởng và hậu quả là bị “ghét lây”.

Ngày trước, có khi đồng nghiệp còn hỏi thăm, trò chuyện, trao đổi với cô nhưng từ ngày “cãi” hiệu trưởng và bị ghét thì ít có người trò chuyện. Hết giờ, cô lủi thủi ra nhà xe và lên xe về nhà…

Nhiều giáo viên cũng muốn trò chuyện với những “nhân vật” bị ghét nhưng cũng ngại vì sợ hiệu trưởng hoặc “tai mắt” của hiệu trưởng nhìn thấy thì bị ghi vào “sổ bìa đen”.

Đây là một thực trạng có thật, đang tồn tại trong nhà trường ở mức độ này hay mức độ khác. Vai trò của các đoàn thể trong nhà trường (Đoàn, Đội, Công đoàn, Ban đại diện cha mẹ học sinh…) cũng mờ nhạt nên không có sự giúp đỡ, không có người bênh vực, đấu tranh cho những người trung thực, thẳng thắn, dám đấu tranh…

TRẦN THẢO DÂN