Khi học sinh dồn giáo viên vào…góc tường

09/12/2023 06:33
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu xem hết video clip, chúng ta dễ dàng nhìn thấy cô giáo đang bất lực trước học trò và có thể bất lực trước nơi mà mình đang công tác.

Học sinh quậy phá, hỗn láo thì thời nào cũng có và gần như trường nào cũng có, nhất là học sinh cấp trung học cơ sở khi mà các em đang có sự thay đổi về tâm sinh lí. Thế nhưng, chuyện học sinh ném dép vào đầu cô giáo và rất nhiều học sinh cả nam lẫn nữ dồn cô giáo đang dạy mình vào góc tường có lẽ mới xảy ra Trường trung học cơ sở Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).

Nhiều người sẽ cảm thấy bàng hoàng, phẫn nộ về hành vi bạo lực giáo viên của những học sinh lớp 7 vì những em này không chỉ dồn cô vào góc tường, có những hành động không phù hợp, những lời lẽ tục tĩu đối với cô giáo đang dạy mình mà thái độ của những học sinh này cũng khiến nhiều người bất bình.

Chỉ tiếc, sự việc đã xảy ra, giáo viên báo cho Ban giám hiệu nhưng mọi thứ không được giải quyết triệt để. Giáo viên trở nên đơn độc và đứng chịu trận trước hàng chục học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Ai bảo vệ giáo viên?

Theo cô P.T.H., giáo viên Âm nhạc Trường trung học cơ sở Văn Phú chia sẻ: “Tình trạng các học sinh giễu cợt, nhốt cô giáo trong lớp học đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Sự việc lên tới đỉnh điểm là vào ngày 29/11. Dù sau đó, cô đã báo lên Ban giám hiệu nhà trường nhưng không được giải quyết triệt để.

Cũng theo cô H., các học sinh thường xuyên chửi bới, giật tóc, thậm chí ném dép, lấy gậy chọc vào người cô. Là giáo viên, đi dạy mà không được các học sinh tôn trọng thì thật sự rất buồn.

Nhóm học sinh này chủ yếu đến từ lớp 7C. Những em này còn lôi kéo, rủ rê các bạn học ở lớp khác vào ủng hộ. Hôm 29/11, lúc từ trường về nhà, cô H còn bị một nhóm học sinh đuổi theo chửi, ném đất vào người.

Hiện tại trên người tôi vẫn còn nhiều vết bầm tím. Mấy ngày hôm nay, tôi phải thường xuyên làm việc với công an để giải quyết vụ việc. Bản thân tôi lúc nào cũng mệt mỏi, căng thẳng. Giờ tới trường dạy cũng không được thoải mái. Là giáo viên dạy âm nhạc nên ở trường, tôi thường bị trêu chọc là xướng ca vô loài”.[1]

Nếu đúng như sự việc của cô H. chia sẻ, chúng ta thấy nhiều điều cần được làm sáng tỏ.

Thông thường, giáo viên Âm nhạc ở các nhà trường luôn được học sinh yêu mến vì sau những tiết học văn hóa căng thẳng thì mỗi tuần có 1 tiết âm nhạc luôn là sự háo hức của học trò. Các em được hát ca, được hòa mình vào những giai điệu âm nhạc với rất nhiều cảm xúc. Hơn nữa, đây là môn học đánh giá bằng nhận xét nên so với các môn học khác, học sinh ít phải học bài và gần như em nào cũng được xếp loại Đạt vào cuối học kỳ, cuối năm học.

Vậy, tại sao học sinh lại trêu chọc cô giáo đang dạy mình là “xướng ca vô loài”? Cụm từ này đã có từ xa xưa nhưng bây giờ lại được khơi lại ở chốn học đường. Phải chăng có một nguyên nhân nào mà học sinh mới trêu chọc cô như vậy bởi cụm từ này rất ít được dùng trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, tại sao sự việc xảy ra đã lâu, đã được giáo viên báo lên Ban giám hiệu nhà trường nhưng lại không giải quyết triệt để? Nếu xem hết video clip được đăng tải trên mạng xã hội trong những ngày qua, chúng ta dễ dàng nhìn thấy cô giáo đang bất lực trước học trò và có thể bất lực với nơi mà mình đang công tác.

Lớp học này kề với lớp học kia, lớp học có mấy chục học trò mà không một em nào đứng ra bênh vực, bảo vệ cô giáo của mình. Không một đồng nghiệp nào biết, cô H. cầm điện thoại trên tay nhưng lại không thể làm gì với chiếc điện thoại của mình khi mà xung quanh những ngôn từ tục tĩu liên tục chĩa về phía cô giáo.

Còn đâu đạo lí: “Muốn sang thì bắc cầu kiều…”

Tháng 11- tháng mà cả nước hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam với những lời hay, ý đẹp và có lẽ Trường trung học cơ sở Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cũng tổ chức ngày lễ này. Tất nhiên, trong buổi lễ sẽ không thiếu những lời lẽ có cánh dành cho thầy cô của mình.

Tuy nhiên, đến ngày 21/11/2023, cô H. nhận kỷ luật cảnh cáo với lý do vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh. Ít ngày sau (29/11) xảy ra sự việc đau lòng, cô H., bị học sinh lớp 7 dồn giáo viên vào góc tường để chửi bới, thách thức bằng những ngôn từ khó có thể chấp nhận được.

Tham gia sự việc không chỉ có một vài học sinh mà có tới mấy chục học sinh cả nam lẫn nữ tham gia.

Buồn, thất vọng, chát chua về đạo đức học trò có lẽ là nỗi lòng chung của những ai xem được clip này. Từ bao giờ một số giáo viên phải trở nên đơn độc đến như vậy? Từ bao giờ giáo viên mất đi vị thế của mình trước học trò như bây giờ?

Đặt trường hợp như cô H.- giáo viên Âm nhạc dạy ở trường trung học cơ sở sẽ có 19 tiết/ tuần, cũng tương đương với 19 lớp. Mỗi lớp có tối đa 45 học sinh với hàng trăm tính cách khác nhau.

Vậy nhưng, học sinh hỗn láo với thầy cô, thầy cô mà có hành động, lời nói không phù hợp sẽ bị dư luận lên tiếng, bị liên lụy đến công việc. Nhiều thầy cô cũng đã từng mất việc, bị kỉ luật vì không chịu được sự hỗn láo của học trò…Bản thân cô H. cũng từng bị kỉ luật vì với lý do vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh.

Có lẽ, hướng tới trường học được hạnh phúc vẫn là trăn trở của nhiều giáo viên đứng lớp hiện nay. Gần như Ban giám hiệu bây giờ rất sợ dư luận, rất sợ phụ huynh nên mỗi khi học sinh hỗn láo với giáo viên hoặc đánh nhau trong trường vẫn âm thầm giải quyết.

Họ sợ dư luận, sợ báo chí, sợ trường bị ảnh hưởng mất đi thành tích. Trong khi, học sinh bây giờ hỗn láo như thế nào cũng thường được bảo vệ với lý do các em còn nhỏ, chưa trưởng thành. Nhưng, những lỗi lầm của học trò không được giáo dục, định hướng từ nhỏ thì sau này ắt sẽ có nhiều hệ lụy khó lường.

Giáo viên đang mất mất dần đi vị thế của mình và đôi lúc có những giáo viên trở nên đơn độc ngay tại ngôi trường mà mình đang công tác và trường hợp cô giáo P.T.H., giáo viên Âm nhạc Trường trung học cơ sở Văn Phú có lẽ cũng đơn độc, chơi vơi khi đến trường.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/giao-duc/co-giao-bi-hoc-sinh-nhot-nem-dep-toi-phai-uong-thuoc-tram-cam-sut-2-kg-1276872.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI