Khi nào kiểm định viên không được tham gia đoàn đánh giá ngoài?

15/10/2022 06:33
Linh Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bộ Giáo dục ban hành Thông tư 14/2022 quy định về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Thông tư này có hiệu lực từ 25/11/2022.

Những trường hợp kiểm định viên không được tham gia thành viên đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục

Một trong những điều khoản được nêu trong Thông tư là các trường hợp kiểm định viên không được tham gia thành viên đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục. Cụ thể:

Thứ nhất, kiểm định viên không được tham gia thành viên đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục khi:

Đang làm việc cho tổ chức hoặc cá nhân đầu tư của cơ sở đào tạo đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục;

Có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ (gọi chung là người thân) đang làm việc hoặc học tập tại cơ sở đào tạo đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục;

Đã hoặc đang là người học, người làm việc ở cơ sở đào tạo đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục;

Trong thời gian 24 tháng liền kề trước thời điểm quyết định thành lập đoàn đánh giá ngoài đã thực hiện tư vấn tự đánh giá cho cơ sở đào tạo đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục.

Thứ hai, kiểm định viên không được tham gia thành viên đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục khi có liên quan đến phản ánh, kiến nghị đang trong thời gian được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Nơi nào đủ điều kiện bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên?

Theo đó, Thông tư quy định cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên bao gồm: đại học, thư viện, trường đại học, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước được thiết lập và cấp phép hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu tối thiểu sau đây để bảo đảm chất lượng bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên:

Ảnh minh hoạ: A.N

Ảnh minh hoạ: A.N

Thứ nhất, cơ sở vật chất, chương trình và tài liệu bồi dưỡng: bảo đảm nguồn lực về cơ sở vật chất, thiết bị (phòng học, học liệu, trang thông tin điện tử và các điều kiện liên quan khác); trang thông tin điện tử của cơ sở bồi dưỡng có khả năng hỗ trợ tương tác trực tuyến giữa người học với nhau và giữa người học với người dạy, có các thông tin công khai các nội dung theo quy định tại khoản 5 Điều này; với cơ sở bồi dưỡng không phải là tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thì phải có sự phối hợp với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để tổ chức kiến tập, thực tập thực tế về nghiệp vụ đánh giá ngoài tại cơ sở đào tạo cho người học; có chương trình và tài liệu để thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này;

Thứ hai, đội ngũ giảng dạy: có ít nhất 10 (mười) người trong danh sách tham gia giảng dạy các khóa bồi dưỡng, trong đó có ít nhất 03 (ba) giảng viên là viên chức được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức hoặc người lao động đã được ký hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động (đối với đại học, học viện, trường đại học) hoặc có ít nhất 03 (ba) kiểm định viên đã được ký hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động (đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục); là người có thẻ kiểm định viên, có ít nhất 10 năm kinh nghiệm về quản lý giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm hoặc có ít nhất 05 (năm) lần tham gia với vai trò trưởng đoàn hoặc thư ký đoàn đánh giá ngoài hoặc người đã, đang công tác ở cơ quan quản lý nhà nước tham gia chỉ đạo, trực tiếp soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục;

Thứ ba, tổ chức, quản lý: có 01 (một) lãnh đạo cơ sở bồi dưỡng phụ trách công tác tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên; có 01 (một) đơn vị thuộc hoặc trực thuộc cơ sở bồi dưỡng được phân công nhiệm vụ đầu mối thực hiện tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên; cơ sở bồi dưỡng có các văn bản nội bộ được ban hành để tổ chức, thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên.

Trước khi tổ chức thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên khóa đầu tiên, cơ sở có nhu cầu tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên báo cáo Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đáp ứng quy định.

Trước mỗi khóa bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên, cơ sở bồi dưỡng báo cáo về Cục Quản lý chất lượng kế hoạch bồi dưỡng theo mẫu.

Trước khi thông báo tuyển sinh, cơ sở bồi dưỡng phải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở các nội dung cơ bản như:

Kế hoạch tổ chức khóa bồi dưỡng; chương trình chi tiết và danh mục các tài liệu sử dụng bắt buộc cho chương trình bồi dưỡng; kinh phí người học phải đóng; quy chế hoặc quy định của lớp bồi dưỡng; quyền và nghĩa vụ của giảng viên, người hướng dẫn, người học và các tổ chức, cá nhân liên quan;

Thông tin về giảng viên, người hướng dẫn từng chuyên đề với các thông tin cơ bản về họ và tên, trình độ, kinh nghiệm công tác.

Kết thúc khóa bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên, thủ trưởng cơ sở bồi dưỡng cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên cho người học đáp ứng quy định theo mẫu.

Sau khi cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên cho người học khóa bồi dưỡng, cơ sở bồi dưỡng gửi về Cục Quản lý chất lượng danh sách những người học và người được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên; đồng thời công khai danh sách những người được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên trên trang thông tin điện tử của cơ sở và cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Hằng năm, cơ sở bồi dưỡng rà soát, cập nhật, bổ sung chương trình, tài liệu bồi dưỡng chi tiết, các văn bản nội bộ về hoạt động quản lý và các yêu cầu để thực hiện bồi dưỡng bảo đảm chất lượng.

Được biết, Thông tư này không áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân thuộc các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động ở Việt Nam.

Linh Anh