LTS: Tiếp tục bày tỏ quan điểm của mình về việc gian lận điểm thi, thầy giáo Sơn Quang Huyến cho rằng cần xử lý nghiêm những người làm thực hiện hành vi gian lận để làm gương cho những kẻ khác.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngày trước để chọn người hiền tài, các bậc quân vương tổ chức thi hương, thi hội. Những người gian lận thi cử bị phát giác, khép vào tội khi quân, phạm thượng.
Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, gian lận trong thi cử bị xử tội rất nặng, người vi phạm có thể bị bắt làm nô lệ, bỏ tù cho đến xử án tử.
Dù nặng hay nhẹ, các án trường thi vẫn là dạng “án điểm”, các triều đình phong kiến hết sức phòng ngừa, khi phát giác sẽ xử lý rất nhanh chóng, nghiêm minh.
Bởi thời xưa quan niệm giáo dục chính là “bách niên chi kế”, là quá trình “trồng người”. Nếu xảy ra gian lận trong quá trình học tập sẽ tạo ra những con người hư hỏng, không thể sử dụng được.
Sĩ tử thời xưa chỉ có con đường chủ yếu để tiến thân là qua thi cử. Trường thi chính là khởi đầu quá trình đào tạo quan chức.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời báo chí tại buổi họp báo về gian lận điểm thi tại Hà Giang. Ảnh: TTXVN |
Triều đại nào giữ được sự nghiêm túc trong thi cử, chọn hiền tài, triều đại đó phát triển.
Ngược lại, thi cử gian lận, hiền tài bị bỏ rơi; kẻ xu nịnh, bất tài được chọn làm quan, triều đại đó nhanh chóng lụi tàn, sụp đổ; Nhân dân lâm vào cuộc sống oán thán, lầm than.
Chế độ phong kiến thực dân đã bị xóa bỏ trên đất nước ta, những kì thi hương thi hội đã được thay bằng thi Trung học phổ thông Quốc gia, thi Đại học; thi Công chức v.v...
Những cuộc thi chọn lọc hiền tài cho đất nước, cho chính quyền Nhân Dân, cho Đảng.
Những kẻ gian lận trong các kì thi Trung học phổ thông Quốc gia, thi Đại học; thi Công chức… hiện nay cũng là hành vi khi quân, phạm thượng ngày xưa.
Với ngày nay, họ đang lừa đảo Nhân dân, đạp trên Hiến pháp, Pháp luật; giày xéo tương lai, hiện tại của những công dân tốt.
Kì thi Trung học phổ thông 2018 xảy ra sai phạm trên diện rộng, tinh vi, có tổ chức; đáng ra những kẻ này phải được xử lý theo đúng pháp luật, thế nhưng đến giờ này vẫn chỉ là lời hứa của những người chịu trách nhiệm thực thi.
Có người tự an ủi “Thấm lắm rồi, những kẻ “mua, bán, cướp điểm” chỉ cần biết đọc, biết nghe, biết nhìn là đã nhục nhã lắm; hậu duệ của họ mai này dùng Google, Wikipedia sẽ thấy tiền bối của họ là kẻ vô liêm sỉ, bản án đó còn hơn cả tù tội”.
Thế nhưng, dân ta cũng nhìn nhận bản chất của họ, nên có câu “làm đĩ thì già mồm”; những kẻ đó vẫn nhoen nhoẻn “không biết, không làm, không liên quan”, chứng tỏ không hối hận, không thấm.
Sai phạm đã rõ ràng, những người “ngoài cuộc” đã lên tiếng đề nghị xử lý.
Những người đau đáu với vận mệnh dân tộc đã đề nghị: Nhân văn với những kẻ cướp điểm là đang gây tội ác với người tử tế.
Những kẻ “bán điểm” đã bị điều tra, truy tố chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Những ông bố, bà mẹ của “nạn nhân nâng điểm” là một phần quan trọng cấu thành hành vi phạm thượng, khi quân!
Sĩ tử ngày xưa, thi về khó biết điểm của mình; thí sinh ngày nay, thi trắc nghiệm, có chút năng lực, thi về là biết ngay kết quả của mình chính xác 99%; vì vậy, nói thí sinh gian lận điểm thi là bị hại, chỉ là ngụy biện, bao biện!
Mỗi thời đại, mỗi vương triều có pháp luật xử lý gian lận thi cử khác nhau; chưa có triều đại nào trong lịch sử để kẻ có con gian lận thi cử vẫn làm “quan giáo dục”, “quan phụ mẫu”.
Nhân văn nhất hiện nay, Bộ Giáo dục có lời xin lỗi Nhân Dân cả nước, xin lỗi những học sinh bị cướp mất cơ hội.
Những người làm công tác lãnh đạo thi Trung học phổ thông 2019 hiểu rõ vai trò, bổn phận của mình, làm hết chức trách, nhiệm vụ đảm bảo một kì thi trung thực, công bằng.
Đưa ra ánh sáng những kẻ “nằm trong bóng tối” của sai phạm thi Trung học phổ thông là mệnh lệnh của cuộc sống.
Chỉ có trừng trị họ trước pháp luật mới đảm bảo công bằng; răn đe, giáo dục những kẻ khác rắp tâm bán hồn cho quỷ dữ!