Khó khăn nguồn tuyển, Kon Tum kiến nghị tuyển GV nhưng "nợ" chuẩn trình độ

31/08/2022 06:53
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Một số địa phương tại tỉnh Kon Tum đang gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng biên chế do thiếu nguồn tuyển, ứng viên không đáp ứng tiêu chí tuyển dụng.

Trước thềm năm học mới 2022-2023, ngành giáo dục tỉnh Kon Tum hiện thiếu hơn 1700 biên chế giáo viên.

Tuy nhiên, vấn đề bổ sung giáo viên hiện vẫn là bài toán “cân não” khi còn nhiều bất cập trong việc tuyển dụng: số lượng biên chế giáo viên được giao không đủ đáp ứng yêu cầu hiện tại; ứng viên không đáp ứng đủ các tiêu chí tuyển dụng do sự thay đổi về chuẩn trình độ giáo viên theo Luật Giáo dục 2019; quá trình tuyển dụng gặp khó khăn do các quy định về tuyển dụng chưa có sự thống nhất đồng bộ với nhau,…

Đối tượng tuyển dụng bị thu hẹp do sự thay đổi về chuẩn trình độ đào tạo

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Huỳnh Thời – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị đã góp phần giảm bớt áp lực về đội ngũ giáo viên đối với ngành giáo dục địa phương.

“Giai đoạn 2022-2026, Trung ương sẽ bổ sung định mức chỉ tiêu còn thiếu cho tỉnh Kon Tum là 915 chỉ tiêu. Trong đó, riêng năm 2022 ngành giáo dục tỉnh được bổ sung 391 chỉ tiêu biên chế. Với số lượng bổ sung này, cơ bản tháo gỡ được một phần yêu cầu về đội ngũ giáo viên cho việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023”, ông Huỳnh Thời cho biết.

Dạy và học tại nhà rông thôn Đăk Giàng, xã Đăk Nông. Ảnh: Báo Kon Tum

Dạy và học tại nhà rông thôn Đăk Giàng, xã Đăk Nông. Ảnh: Báo Kon Tum

Tuy nhiên theo ông Huỳnh Thời, quá trình tuyển dụng biên chế hiện nay đang gặp một số trở ngại khó tháo gỡ do những thay đổi về yêu cầu văn bằng mới theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 [1].

Theo đó, ông Thời lấy ví dụ: "Hiện nay tại huyện Kon Plông đang có một số khó khăn như: thiếu nguồn tuyển, ứng viên không đáp ứng tiêu chí tuyển vì yếu tố lịch sử để lại - là nhiều người học tốt nghiệp ra trường theo chuẩn cũ về trình độ đào tạo, không đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo theo yêu cầu của Luật Giáo dục năm 2019”.

Vì vậy, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép một số địa phương của tỉnh Kon Tum khó khăn về nguồn tuyển được linh hoạt, tạm thời tuyển dụng đối với giáo viên chưa đạt chuẩn về đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 do yếu tố lịch sử để lại.

“Tất nhiên số giáo viên này phải cam kết tham gia đào tạo nâng chuẩn theo lộ trình tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở”, ông Huỳnh Thời nhấn mạnh.

Bất cập giữa cơ chế đặt hàng và tuyển dụng

Nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên giảng dạy cho năm học mới, ngoài việc tuyển dụng bổ sung biên chế giáo viên theo định mức biên chế được bổ sung, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cũng đã có kế hoạch đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

“Từ năm 2022 đến năm 2025, ngành giáo dục Kon Tum dự kiến nhu cầu đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm là 167 chỉ tiêu; trong đó năm 2022 đặt hàng 67 chỉ tiêu, năm 2023 là 39 chỉ tiêu, năm 2024 là 30 chỉ tiêu, và năm 2025 là 31 chỉ tiêu”, ông Huỳnh Thời cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề đặt hàng đào tạo giáo viên tại tỉnh Kon Tum cũng đang gặp một số vướng mắc liên quan tới thu hồi kinh phí và khả năng chi trả ngân sách của tỉnh.

Cụ thể, chia sẻ với phóng viên, ông Thời cho biết: “Sinh viên sư phạm thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ phải đền bù kinh phí đào tạo nếu sau 2 năm không được tuyển dụng.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức không có cơ chế ưu tiên trong tuyển dụng sinh viên sư phạm thuộc diện đào tạo theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ”.

Chính sự bất cập trong vấn đề đặt hàng và tuyển dụng đã khiến nhiều địa phương lo ngại về việc thu hồi kinh phí nếu sinh viên không trúng tuyển vào làm việc tại các cơ sở giáo dục.

"Hiện nay, vẫn chưa có một văn bản cụ thể nào hướng dẫn quy trình, quy định về thủ tục theo dõi, đôn đốc và thu hồi tiền bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên thuộc đối tượng phải bồi hoàn. Đặc biệt, với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, việc hoàn trả lại kinh phí cho ngân sách nhà nước lại càng khó hơn, dẫn đến vướng mắc khó xử lý trong việc theo dõi, đôn đốc thu hồi kinh phí", ông Thời chia sẻ băn khoăn.

Ngoài ra, vấn đề ngân sách chi trả cho đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP cũng là một bài toán khó với các địa phương.

Trước những bất cập này, ông Huỳnh Thời – Trưởng phòng tổ chức cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đề xuất Sở Nội vụ tham mưu Bộ Nội vụ kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách ưu tiên cho sinh viên sư phạm thuộc diện đào tạo theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ trong tuyển dụng viên chức.

Hiện nay, vấn đề tuyển dụng đối với các đối tượng hưởng chính sách đặc thù vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết. Ngoài sinh viên thuộc diện đào tạo theo Nghị định 116, vấn đề tuyển dụng đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số được đào tạo diện chế độ cử tuyển theo Nghị định 141/2020/NĐ-CP ngày 8/12/2020 của Chính phủ cũng còn nhiều bất cập.

Vì thế, ông Huỳnh Thời nêu kiến nghị:

“Cụ thể, các cấp Trung ương sớm xem xét, sửa đổi bổ sung quy định thiếu đồng bộ giữa cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng và chính sách tuyển dụng sinh viên sư phạm sau đào tạo theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP với Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Nghị định 141/2020/NĐ-CP ngày 8/12/2020 của Chính phủ về quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số".

[1] Tại Điều 72 của Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực 1/7/2020) quy định, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau:

- Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

- Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

So với quy định tại Luật Giáo dục 2005 thì Luật Giáo dục 2019 đã thay đổi về chuẩn trình độ với giáo viên cấp 1 và cấp 2 như sau:

- Giáo viên tiểu học: Từ “Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm” nâng lên thành “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên”;

- Giáo viên trung học cơ sở: Từ “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm” nâng lên thành “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Doãn Nhàn