Khó tuyển bác sĩ chuyên ngành Tâm thần, Pháp y vì cơ hội làm thêm bên ngoài ít

30/11/2023 09:08
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đây sẽ là chính sách ưu đãi thu hút, khuyến khích người học lựa chọn, cống hiến nhiều hơn nhằm đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh của nước ta. 

Từ ngày 01/01/2024, Luật khám bệnh, chữa bệnh (Luật 15/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội) có hiệu lực. Đáng chú ý, về công tác đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề đã có nhiều bổ sung, thay đổi so với Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Về hỗ trợ cho người học, Điều 83 - Đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 chỉ nêu “Nhà nước miễn học phí đối với người học chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần”.

Trong khi đó, Điều 105 - Đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định, nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước; Hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định tại điểm a khoản này nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân đối với người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu.

Như vậy, ngoài việc bổ sung thêm các chuyên ngành tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 cũng quy định nhà nước sẽ hỗ trợ cả sinh hoạt phí trong toàn khoá học cho người học chứ không chỉ mỗi học phí như Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Phương – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y dược Cần Thơ bày tỏ, những hỗ trợ này của nhà nước sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho người học khi lựa chọn vào những chuyên ngành sức khỏe đang khó tuyển sinh, các bệnh viện thiếu nhiều đội ngũ y bác sĩ để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Cần Thơ).

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Cần Thơ).

Theo cô Phương, có thể thấy rằng, những chuyên ngành này vốn được gọi là những chuyên ngành hiếm do khó tuyển sinh, khó tuyển dụng nguồn nhân lực vì người học hay người làm đều phải đối mặt với những công việc ám ảnh, vất vả, đầy thử thách, nguy cơ hơn so với những chuyên ngành khác.

Từ năm 2013, Chính phủ cũng đã ra Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh giai đoạn 2013-2020” để có cơ chế hỗ trợ, đầu tư cho các lĩnh vực này.

Cô Nguyễn Minh Phương cho biết thêm, thực tế hiện nay, sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, người học thường lựa chọn những chuyên khoa nhẹ nhàng, ít ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân hơn như da liễu, phẫu thuật thẩm mỹ, mắt, tai mũi họng thay vì những chuyên ngành như giải phẫu bệnh, pháp y hay tâm thần.

Chính vì vậy, đội ngũ y tế của các chuyên ngành này tại các viện, bệnh viện đều đang thiếu rất nhiều. Một thực trạng đáng báo động hiện nay là tỷ lệ dân số mắc các bệnh liên quan đến tâm thần ngày càng tăng cao nhưng lại có rất ít các bác sĩ chọn học.

Vậy nên, việc được hỗ trợ toàn bộ học phí cũng như hỗ trợ sinh hoạt phí trong Luật khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ 01/01/2024 tới đây sẽ là một trong những chính sách ưu đãi để thu hút, khuyến khích người học lựa chọn, cống hiến và phục vụ cho các chuyên ngành này nhiều hơn nhằm đảm bảo cho công tác khám bệnh, chữa bệnh của nước ta.

Tuy nhiên, cô Phương cho rằng, để quy định trong Luật này được đi vào thực tế, phải có nghị định, thông tư rõ ràng từ phía Bộ Y tế là nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước là từ đâu; trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo, trách nhiệm của nhà nước, của từng địa phương, của các Bộ, ban, ngành có liên quan như thế nào một cách rõ ràng.

Từ đó, mới mang đến thuận lợi cho người học khi lựa chọn những chuyên ngành này và đảm bảo nguồn nhân lực này cho xã hội.

Cùng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Lê Văn Chi - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y dược (Đại học Huế) cho hay, từ nhiều năm trước, việc tuyển sinh cho những chuyên ngành hiếm như pháp y, tâm thần là rất khó, thậm chí có một số năm, trường không có người học nộp vào những chuyên ngành này. Việc này xảy ra tại nhiều cơ sở giáo dục đang đào tạo khối ngành y dược chứ không chỉ riêng nhà trường.

Không những vậy, mức thu nhập của các bác sĩ làm những chuyên ngành liên quan đến pháp y cũng thường thấp hơn so với những chuyên ngành y tế khác như da liễu, sản phụ khoa,… do khó có cơ hội làm thêm bên ngoài để tăng thu nhập.

Cũng theo thầy Chi, đây đều là những chuyên ngành có đầu ra, việc tuyển dụng dễ hơn so với nhiều chuyên ngành khác vì các bệnh viện tâm thần, trung tâm pháp y, pháp y tâm thần,... hiện nay đều đang rất cần nguồn nhân lực này, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao.

Chính vì vậy, đánh giá trên mặt bằng chung, nhà nước đã đưa quy định về việc hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí vào Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đối với những chuyên ngành này là điều đáng mừng cho cả người học và cả các cơ sở giáo dục đang đào tạo vừa đáp ứng nhu cầu về nguồn lực mà xã hội đang cần vừa góp phần gia tăng được nguồn nhân lực có trình độ tiến sĩ trở lên. Bởi hiện cũng có người học gặp khó khăn về kinh tế nên ngại học nghiên cứu sinh các chuyên ngành này.

Mặt khác, thầy Lê Văn Chi cho biết thêm, vài năm trở lại đây, đối chuyên ngành Tâm thần của trường đã có sự thay đổi tích cực khi tuyển sinh đều đảm bảo chỉ tiêu.

Tường San