Sử dụng máy tính bảng vào buổi tối sẽ dẫn tới chứng ngủ muộn

04/09/2012 10:36
Nguồn: Tinh Tế
Các nhà khoa học cho biết, tuyến giáp ở người cũng như động vật sản sinh ra một loại hoóc môn có tên là Melatonin vào buổi tối hoặc ở điều kiện ánh sáng yếu.
Trong những năm gần đây, sự bùng nổ công nghệ trong lĩnh vực điện tử cùng sự tham gia của các nhà sản xuất trên thế giới đã tạo ra rất nhiều mẫu máy tính bảng với sự đa dạng trong tính năng cũng như phân khúc thị trường.

Vì thế ngày càng có nhiều người dùng có cơ hội sử dụng các thiết bị nhỏ gọn và tiện dụng này. Hiện tại hầu hết tất cả chúng ta chỉ quan tâm tới tính đa năng, ổn định, thân thiện cùng những lợi ích mà chiếc tablet mang lại, nhưng lại ít chú ý tới việc liệu những sản phẩm đó có ảnh hưởng tới sức khỏe của mình hay không?

Tuy nhiên, quan điểm trên cần phải thay đổi khi mới đây các nhà khoa học tại Viện kỹ thuật Rensselaer- RPI (New York, Hoa Kỳ) đã chỉ ra sử dụng máy tính bảng trong thời gian dài hơn 1 tiếng vào buổi tối sẽ gây ra hiện tượng đi ngủ muộn ở người dùng.

Sự liên hệ giữa việc sử dụng thiết bị điện tử và chứng mất ngủ (lý thuyết và dự đoán)

Các nhà khoa học cho biết, tuyến giáp ở người cũng như động vật sản sinh ra một loại hoóc môn có tên là Melatonin vào buổi tối hoặc ở điều kiện ánh sáng yếu.

Melatonin chính là tín hiệu mà cơ quan thần kinh trung ương thông báo cho các bộ phận khác của cơ thể biết màn đêm đã buông xuống. Khi đó đồng hồ sinh học mà tự nhiên ban cho mỗi người sẽ tạo ra các kích thích thần kinh làm đôi mắt ta ríu lại.

Tuy nhiên, khi cơ thể tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào buổi tối, đặc biệt là ánh sáng có bước sóng ngắn, nó sẽ làm giảm lượng Melatonin được tạo ra. Sự suy giảm hoóc môn tín hiệu này sẽ dẫn tới sự rối loạn nhịp sinh học đã được cơ thể lập trình sẵn.

Do đó nó có thể gây ra chứng mất ngủ, tăng nguy cơ bị tiểu đường và béo phì. Thậm chí một số bệnh bệnh nan y như ung thư vú cũng đã được ghi nhận ở những công nhân thường xuyên phải làm đêm trong thời gian dài.

Công nghệ ở thời điểm hiện tại đã cho phép sản xuất các tấm màn hình TV, máy tính, điện thoại lớn hơn và sáng hơn trước đây. Tuy nhiên, để sản sinh ra ánh sáng trắng, các màn hình phải phát xạ nhiều hơn ở dải sóng ngắn.

Vì thế, tiếp xúc với màn hình nhiều sẽ dẫn tới nguy cơ giảm lượng Melatonin mà cơ thể tiết ra vào buổi tối. Hậu quả là người dùng sẽ không có giấc ngủ sâu và thời gian ngủ giảm đi. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng với những người còn trẻ khi mà họ thường có xu hướng thức khuya hơn các nhóm tuổi khác.

Kiểm tra thực tế với các tình nguyện viên ở RPI

Để kiểm tra cụ thể xem việc sử dụng máy tính bảng ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng thế nào, các nhà khoa học chia các tình nguyện viên tham gia làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất sẽ nhìn màn hình tablet thông qua một chiếc kính lọc trong suốt với bước sóng màu xanh 470 nano mét.

Ánh sáng truyền qua kính lọc màu xanh chỉ còn là dải sóng ngắn nên nó được cho là sẽ có tác động mạnh nhất tới sự giảm Metalonin. Nhóm kế tiếp sẽ đeo các kính màu cam có khả năng loại bỏ hoàn toàn dải sóng ngắn. Trong khi đó những tình nguyện viên cuối cùng sẽ xem máy tính bảng trực tiếp bằng mắt thường. Trong cả ba trường hợp trên, màn hình của máy tính bảng đều được bật ở chế độ sáng nhất
Như chúng ta đã thấy, đại lượng cần xem xét nhất trong chuỗi thí nghiệm là lượng ánh sáng chiếu tới mắt. Có hai nhân tố ảnh hưởng tới đại lượng trên là thời gian phơi sáng của người dùng và khoảng cách giữa mắt và màn hình.

Để các kết quả được chính xác, nhóm nghiên cứu tại RPI sử dụng một thiết bị đo có tên Dimesimeter. Đây là một máy đo ánh sáng có thang chia rất nhỏ được phát triển bới chính RPI, nó từng được tạp chí The Scientist bình chọn là một trong 10 sản phẩm sáng tạo của năm 2011.
Bước vào các phần kiểm tra thực tế, các tình nguyện viên sử dụng máy tính bảng để đọc, chơi game và xem phim. Với cường độ sáng là 5 lux (lux là đơn vị cơ bản để đo độ rọi của chùm sáng) thì các nhà nghiên cứu không thấy có sự thay đổi về lượng Melatonin trong cơ thể các tình nguyện viên cho dù họ nhìn thiết bị trong thời gian dài.

Tuy nhiên ở các nhóm mà chỉ số trên máy đo Dimesimeter lớn hơn 50 lux thì tình hình khác hẳn. Ở trạng thái này, các nhà nghiên cứu quan sát thấy trong 1 giờ đầu tiên, sự giảm lượng Melatonin trong cơ thể của người tham gia là không đáng kể.

Tuy nhiên, 1 tiếng tiếp theo, các máy đo nhận thấy nồng độ hoóc môn này còn ít hơn 22% so với trước đó. Với mức giảm trong thời gian trên, các tình nguyện viên sẽ cảm thấy buồn ngủ muộn hơn thường lệ.

Lời khuyên cho những người thường xuyên dùng máy tính bảng vào buổi tối

Dựa trên kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng những hãng sản xuất màn hình hiển thị cũng như máy tính bảng cần xem xét kỹ lưỡng khi phát triển các thiết bị sao cho nó có thể giảm thiểu tối đa ảnh hưởng không có lợi đối với người dùng.

Các thiết bị "thân thiện hơn với nhịp sinh học" phải đạt được tiêu chuẩn cơ bản là khả năng thay đổi được lượng ánh sáng chiếu qua mắt người theo từng thời điểm trong ngày. Tuy nhiên, cho tới khi các công ty có thể đạt được mục tiêu phục vụ khách hàng tốt hơn, thì bản thân người dùng cần tự mình nhìn nhận vấn đề để có những thay đổi phù hợp.

Các chuyên gia khuyến cáo người sử dụng nên hạn chế thời gian sử dụng thiết bị vào buổi tối ở mức thấp nhất có thể, như thế lượng Melatonin bị giảm rất ít. Đặc biệt, chúng ta nên tránh sử dụng máy tính bảng trước khi đi ngủ.
Rất nhiều trong số anh em trên Tinh tế hiện thường xuyên sử dụng máy tính bảng, và số đông trong đó hay thức khuya để làm việc, lướt web, nghe nhạc, chơi game... Hy vọng những thông tin mới nhất từ các nhà khoa học sẽ giúp anh em điều chỉnh thói quen của mình để có một sức khoẻ tốt hơn. Chúc anh em vui vẻ.
Nguồn: Tinh Tế