Không có bất kỳ lý do gì để phân công giáo viên trực Tết Nguyên đán

27/01/2022 07:49
MINH KHÔI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các giáo viên trực trường nhưng không có nghiệp vụ dễ xảy ra sự cố. Đã có nhiều trường hợp tai nạn xảy ra khi giáo viên trực Tết.

Vào thời điểm cuối năm, giai đoạn giáo viên được nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày thì lại phát sinh vấn đề phân công hay ép giáo viên trực Tết không công khiến giáo viên bức xúc, phản ánh.

Việc phân công trực Tết thì mỗi nơi mỗi kiểu khác nhau, khiến giáo viên mất đi ngày nghỉ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Gần đây trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có đăng tải các bài viết của một số tác giả phân tích về việc phân công giáo viên trực Tết không công là chưa đúng quy định pháp luật như:

Giáo viên trực Tết, cần lắm sự cảm thông từ hai phía”;

Hiệu trưởng ép giáo viên trực Tết, vừa trái luật vừa thiếu sự cảm thông”;

Giáo viên tham gia trực Tết thời điểm nào thì được hưởng chế độ làm thêm giờ?”…

Là một nhà giáo, tôi nhận thấy việc hiệu trưởng các trường phân công giáo viên trực Tết Nguyên đán thì không đúng cả lý lẫn tình. Dưới đây là một số lý do.

Việc phân công trực Tết là chủ đề giáo viên rất quan tâm. (Ảnh minh hoạ trên Giaoducthoidai.vn)

Việc phân công trực Tết là chủ đề giáo viên rất quan tâm. (Ảnh minh hoạ trên Giaoducthoidai.vn)

Thứ nhất, không có bất kỳ quy định nào yêu cầu giáo viên phải trực Tết

Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và trong Luật Lao động, Luật Viên chức, Luật Giáo dục,… không có quy định giáo viên phải trực Tết.

Trong lĩnh vực chuyên ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số: 03/VBHN-BGDĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông.

Theo đó, tại khoản 3. Điều 5. Thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

“a) Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);

b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.

Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hàng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.”

Như vậy thì việc phân công giáo viên trực Tết Nguyên đán là không đúng quy định hiện hành.

Thứ hai, tốn quá nhiều tiền khi phân công giáo viên trực

Vì lý do bất khả kháng nếu phân công giáo viên trực Tết thì phải được sự đồng thuận của giáo viên và phải trả tiền trực theo Luật Lao động.

Theo quy định Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ 01/01/2021, dịp Tết giáo viên được quyền nghỉ và hưởng nguyên lương (bao gồm cả phụ cấp). Nếu phân công giáo viên trực Tết, giáo viên phải được hưởng ít nhất 300% lương theo quy định tại Điều 98. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm:

“1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.”

Như vậy, không thể vịn vào bất kỳ lý do gì để không trả tiền làm thêm giờ đối với giáo viên trực Tết.

Tuy nhiên, nếu phân công giáo viên trực 5-9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, mỗi buổi từ 2-3 giáo viên (6-9 giáo viên một ngày đêm) và trả tiền thêm giờ 300% (chưa kể phần chi trả thêm khi trực đêm) thì trong những ngày trực Tết phải chi trả số tiền rất lớn.

Số tiền chi trả nhiều thì có thể trường sẽ không còn kinh phí hoạt động hoặc không còn khoản để chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên cuối năm.

Thứ ba, phân công trái Luật, hiệu trưởng sẽ bị phạt nặng

Nếu hiệu trưởng cố tình làm trái Luật, tự ý hay ép giáo viên trực Tết không công thì có thể phải bị phạt nặng.

Cụ thể, mới nhất ngày 17/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số: 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 01 năm 2022 thì tại khoản 2, khoản 3 Điều 18. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi thì có thể bị phạt như sau:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;

b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.”

Như vậy, hiệu trưởng có thể bị phạt đến 25 triệu đồng nếu ép giáo viên trực Tết mà không được sự đồng ý của giáo viên.

Thứ tư, giáo viên trực trường chỉ tốn thời gian vô bổ

Thực tế, việc trực trường được thực hiện với lý do giáo viên trực để đảm bảo tài sản, giải quyết công việc.

Tuy nhiên, trong các ngày nghỉ thì các cơ quan, ban ngành đều nghỉ Tết nên hầu như 2, 3 giáo viên trực nhưng hầu hết chỉ ngồi cho hết thời gian rồi ra về, không có giải quyết bất kỳ công việc gì, chỉ tốn thời gian vô bổ.

Bên cạnh đó, các giáo viên trực trường nhưng không có nghiệp vụ dễ xảy ra sự cố. Đã có nhiều trường hợp tai nạn xảy ra khi giáo viên trực Tết.

Dịp Tết là dịp để giáo viên nghỉ ngơi, có người về quê ăn Tết nên việc phân công 1, 2 ngày trực Tết khiến giáo viên bức xúc là đúng.

Do đó, người viết cho rằng cũng như các ban ngành khác thì lực lượng bảo vệ là những người tham gia trực Tết, hiện nay mỗi trường có thể có 2 bảo vệ nên việc luân phiên, phân công bảo vệ trực trong dịp Tết là hợp lý (trả thêm tiền trực Tết theo Luật Lao động). Hoặc nếu cần thiết có thể hợp đồng thuê nhân viên trực Tết Nguyên đán thì đỡ phải tốn nguồn kinh phí lớn chi trả cho giáo viên trực Tết vừa hợp lý, đúng quy định pháp luật.

Hiện nay các trường học đều đã trang bị camera, hệ thống trường học kiên cố nên cũng không nhất thiết có thêm giáo viên trực Tết. Chỉ cần bảo vệ trực là đủ.

Nếu sắp xếp, hợp đồng bảo vệ hợp lý thì vừa đỡ phân công giáo viên trực Tết trái Luật, vừa đỡ nguồn kinh phí chi cho việc trực Tết vô bổ, vừa không gây bức xúc cho giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=205182

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

MINH KHÔI