Không có chi thu nhập tăng thêm, giáo viên cũng đừng nghi ngờ hiệu trưởng

15/01/2024 06:45
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đầu năm, trường nhận được 180 triệu đồng tiền chi hoạt động do ngân sách phân bổ. Mỗi tháng nhà trường phải trả tiền điện, nước từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng.

Thực tế, ở nhiều địa phương, giáo viên đã quen với việc cuối năm không có thưởng Tết. Tuy nhiên, họ không khỏi chạnh lòng khi đồng nghiệp ở địa phương khác khoe số tiền nhận cuối năm lên đến con số hàng chục triệu đồng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khi ấy, những thắc mắc sẽ được nêu ra. Nào là, tại sao cũng là giáo viên mà nơi nhận thưởng vài chục triệu đồng, nơi không có nổi vài trăm ngàn đồng?

Giáo viên có nhầm lẫn giữa thưởng Tết và thu nhập tăng thêm

Một hiệu trưởng (đề nghị không nêu tên) cho biết: Cho tới thời điểm này, không có bất kỳ một quy định nào về chuyện thưởng Tết cho giáo viên. Khoản tiền mà giáo viên ở nhiều địa phương nhận lên đến cả chục triệu đồng trong dịp Tết chính là tiền của nhà trường tiết kiệm chi tiêu trong năm chia cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường. Khoản đó được gọi là thu nhập tăng thêm. Vì thế, số tiền nhận được của mỗi trường học thường khác nhau.

Theo tìm hiểu được biết, Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tại Điều 22 có quy định kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được của đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được sử dụng theo thứ tự sau:

"a) Bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động: Đơn vị chi thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người;

b) Chi khen thưởng và phúc lợi: Chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo kết quả công tác và thành tích đóng góp; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của viên chức, người lao động; trợ cấp khó khăn đột xuất cho viên chức, người lao động, kể cả đối với những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; chi thêm cho người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế;..”.

Như vậy, không ít giáo viên đang lầm tưởng tiền thu nhập tăng thêm lên đến cả chục triệu đồng ở nhiều trường là tiền thưởng Tết.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao có trường tiết kiệm được để chi cho mỗi thầy cô cả chục triệu đồng? Lại có những trường không thể chi cho giáo viên dù chỉ vài trăm ngàn đồng?

Giáo viên được chi tiền thu nhập tăng thêm có phải do hiệu trưởng nhà trường khéo léo trong chi tiêu?

Nơi có nhiều tiền thu nhập tăng thêm sẽ hào hứng ngợi ca hiệu trưởng khéo léo, biết chi tiêu. Nơi không có chi thu nhập tăng thêm sẽ xảy ra chuyện phán đoán, nghi kỵ về việc chi tiêu của hiệu trưởng. Một số hiệu trưởng ở trường không tiết kiệm được chi tiêu nên không có tiền chi thu nhập tăng thêm phải chịu không ít "lời ra tiếng vào" rằng, hiệu trưởng người ta tài giỏi, liêm chính còn hiệu trưởng nhà mình (là những trường không có thưởng) chi vô tội vạ (hoặc có sự nhập nhèm ở phía sau) nên cuối năm nhà trường mới không còn kinh phí để thưởng.

Nhiều hiệu trưởng biết mình bị trách oan nhưng cũng không có cách gì biện minh cho mình được. Hơn nữa, một số hiệu trưởng chia sẻ, có giải thích cũng mấy người tin khi sự thật là địa phương này, địa phương kia số tiền Tết giáo viên nơi đó nhận được lên đến hàng chục triệu đồng còn trường mình lại bằng không.

Theo người viết, việc so sánh khoản tiền cuối năm chỉ nên so sánh trong phạm vi một địa phương. Bởi, trong cùng một địa phương, ngân sách nhà nước rót về mỗi trường sẽ có mức tính toán cùng trên một cơ sở.

Lúc đó, đúng là hiệu trưởng nào khéo chi tiêu trường đó cuối năm được chi thu nhập tăng thêm nhiều và ngược lại. Người viết cho rằng, không thể lấy số tiền tăng thêm của trường học ở địa phương này so sánh với trường học ở địa phương khác.

"Có những địa phương, ngân sách rót về các trường quá eo hẹp, chi tiết kiệm trong trường còn phải tằn tiện đôi khi không đủ thì lấy đâu dư để cuối năm có thu nhập tăng thêm?”, cô Mai Thúy, kế toán trường học tại một tỉnh Nam Trung Bộ cho biết.

Nói rồi cô Mai Thúy chia sẻ: “ Địa phương tôi, ngân sách cấp về (tiền chi cho hoạt động) cho mỗi trường học cũng chỉ dao động trong khoảng trên dưới 200 triệu đồng/trường/năm.

Số tiền này sẽ chi tiền điện nước hàng tháng, tiền mạng, tiền sửa chữa nhỏ, mua sách truyện cho thư viện, mua tài liệu giảng dạy cho giáo viên…chắt bóp chi tiêu đôi khi không đủ thì lấy đâu tiền dư mà chi tiền tăng thêm?".

Nói rồi cô Mai Thúy ví dụ ngay ngôi trường mình công tác. Đầu năm, trường nhận được 180 triệu đồng tiền chi hoạt động do ngân sách phân bổ. Mỗi tháng nhà trường phải trả tiền điện, nước từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng.

Một năm mất khoảng hơn 70 triệu đồng. Số tiền còn khoảng hơn 100 triệu đồng với hàng chục khoản phải chi. Nhà trường dù chi tiêu vô cùng tằn tiện nhưng cuối năm khi nào cũng âm tiền. Trường có 35 cán bộ, công nhân viên, muốn cuối năm chi thưởng cho mỗi người 500 ngàn đồng vào dịp tết (mất khoản tiền hơn 17 triệu đồng) cũng chẳng biết lấy ở đâu ra”, cô Mai Thúy cho biết thêm.

Qua chia sẻ của cô Mai Thúy thì rõ ràng ngân sách cấp về trường eo hẹp, hiệu trưởng, kế toán có tài chi tiêu khéo léo đến cỡ nào, có minh bạch tài chính ra sao thì cuối năm, giáo viên cũng không biết đến một đồng tiền thưởng, thu nhập tăng thêm là chuyện bình thường.

Được biết, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 yêu cầu thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp, chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương. Đồng thời, bổ sung tiền thưởng, quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.

Hy vọng rằng, khi thực hiện chính sách tiền lương mới vào ngày 1/7/2024, giáo viên các trường sẽ có một khoản tiền thưởng vào dịp Tết.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-lien-tich-71-2014-TTLT-BTC-BNV-che-do-tu-chu-tu-chiu-trach-nhiem-su-dung-kinh-phi-nha-nuoc-235366.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết