Chạnh lòng thưởng tết giáo viên, làm sao để gói ghém cho vuông tròn!

01/01/2023 06:48
Vũ Hoàng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có yêu nghề giáo lắm thầy cô mới cố gắng gắn bó, lấy phụ nuôi chính như vậy. Ai cũng cố trụ lại với nghề vì nặng lòng với phấn trắng, bảng đen và học trò.

Tháng Chạp đến và tết đang rất gần. Những ngày cuối năm, đi đâu cũng nghe râm ran, xôn xao chuyện thưởng tết. Nghe chỗ này vài ba chục triệu, chỗ kia cả tỉ đồng, có mức thưởng “cao ngất” hơn 1,4 tỉ đồng tại một doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng mà báo chí đưa tin. Dự báo, đó vẫn chưa phải là con số “khủng” nhất.

Nhà giáo chạnh lòng khi xuân về, tết đến

Sáng chủ nhật, ngồi với phụ huynh nói về chuyện thưởng tết nghe mà nặng lòng, xót xa cho chính mình. Người làm công ty được thưởng vài trăm triệu, người ít cũng tháng lương thứ 13 - vài chục triệu. Họ không tin và bất ngờ khi tôi nói không được một đồng thưởng tết. Buồn. Ngậm ngùi. Chạnh lòng. Đó là nỗi lòng chung, những điệp khúc buồn vang vọng mãi bao năm nay của nhà giáo chúng tôi mỗi độ xuân về tết đến.

Mà thật, tôi và đồng nghiệp có tết đâu khi đồng lương hơn hai mươi năm thâm niên dạy học chỉ hơn 9 triệu đồng/tháng. Nhiều khi việc hiếu, việc hỷ, việc thăm nom, lễ nghĩa, mang "bao thư nhẹ quá", cảm thấy có lỗi với người thân, bạn bè. Song biết làm sao được, gói ghém cho vuông tròn đã là mừng lắm rồi.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Đồng nghiệp trẻ của tôi không ít người túng thiếu vì con cái đang tuổi ăn tuổi lớn, nay ốm mai đau. Giáo viên mới ra trường lương tròm trèm 3 triệu đồng, tháng nào cũng thiếu trước hụt sau vì chỉ tiền xăng xe hơn 10 cây số đi dạy đã tiêu tốn hết cả triệu đồng rồi. Còn 2 triệu đồng/tháng biết xoay xở làm sao vào thời buổi vật giá đắt đỏ này?

Xã hội cứ nói giáo viên giờ giàu có vì dạy thêm. Xin thưa, chỉ có một bộ phận giáo viên tiểu học, giáo viên các môn chính ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông ở thị xã, thành phố sống được bằng dạy thêm. Còn phần lớn giáo viên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi và những giáo viên môn phụ thì trông chờ vào nghề phụ là chính, mong học trò đến trường đầy đủ đã là hạnh phúc lắm rồi.

Thầy cô bị áp lực công việc ở trường, còn cố gắng bươn chải đủ nghề để lo cho cuộc sống. Trong trường tôi dạy, giáo viên nào không sống “nhờ” chồng hoặc vợ mà muốn có thêm thu nhập thì phải làm thêm đủ nghề: "cò" đất, bán hàng online, cộng tác viết văn, viết báo. Nhiều đồng nghiệp tôi quen biết ở Bạc Liêu, Cà Mau, Long An, Đồng Nai… chủ yếu sống nhờ nghề tay trái là nuôi tôm, trồng cây ăn trái, chăn nuôi, làm ruộng... Nói thật lòng, phụ huynh học sinh mua hàng online gặp thầy cô bán cho mình không còn là chuyện hiếm thấy nữa.

Có yêu nghề giáo lắm thầy cô mới cố gắng gắn bó lâu dài, lấy phụ nuôi chính như vậy. Ai cũng cố trụ lại với nghề vì đã quá nặng lòng với phấn trắng, bảng đen và học trò.

Thật lòng mà nói, lương vợ chồng làm nghề giáo của tôi có 2 con nhỏ đang tuổi đi học thì tết không dám đi thăm người thân. Bà con, anh em tôi làm công ty nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, đến tết, người ít cũng đủ đầy ba ngày xuân, người nhiều hơn tỉ đồng thưởng. Nghỉ tết là vợ chồng, con cái đi du lịch hết nước này nước kia... Còn chúng tôi, như muốn “trốn tết” vì đến con trẻ còn không có một cái tết đủ đầy.

Bạn tôi dạy học ở Biên Hòa (Đồng Nai) thở dài vì đến giờ vẫn chưa biết trường có thưởng tết cho giáo viên, nhân viên hay không. Một cô giáo trẻ mới ra trường kể: mọi năm công đoàn trường trích quỹ công đoàn phí đóng hàng tháng, thưởng mỗi người 200.000 đồng nhưng để qua tết mới… lì xì lấy hên còn năm nay chưa nghe gì. Mấy người bạn khác ngành cứ ngạc nhiên nhìn, không tin - dù đó là sự thật đang tồn tại trong ngành giáo dục từ nhiều năm qua.

Đừng để thưởng tết là khái niệm xa vời đối với giáo viên

Xã hội luôn coi trọng người thầy, dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp... Bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ cho vị thế người thầy. Nhà nước và xã hội cần có sự quan tâm đặc biệt để thầy cô giáo không còn nỗi lo cuộc sống đời thường, sẽ tận tâm, tận lực lo cho sự nghiệp trồng người. Đừng bắt nhà giáo cứ mãi hy sinh cho nghề mà tâm trí thì cứ quẩn quanh, vướng bận cơm - áo - gạo - tiền. Họ cũng cần được đối xử một cách công bằng cả về vật chất chứ không phải chỉ sống bằng những ngôn từ đẹp đẽ và lộng lẫy mà xã hội dành cho.

Một nghịch lý đang diễn ra là ngày càng ít sinh viên giỏi theo ngành sư phạm. Nguyên do cũng phần lớn là lương bổng, chế độ đãi ngộ quá thấp. Vì thế mà người ta thường quan niệm: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Ngày càng có nhiều giáo viên bỏ nghề đi tìm nghề khác có mức lương đủ đảm bảo cho cuộc sống. Con số 16.000 giáo viên nghỉ việc trong năm 2022 khiến ai quan tâm đến giáo dục cũng đau lòng. Giáo dục nước nhà sẽ đi về đâu nếu ngày một thiếu thầy giỏi? Và không "lương sư" liệu có "hưng quốc" được?

Nhà giáo chúng tôi mong lắm lời tâm huyết lúc mới nhậm chức mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ sẽ thành sự thật: “Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện”.

Mong rằng trong tương lai gần nhà giáo chúng tôi đủ sống bằng lương và không còn đắng lòng mỗi độ tết đến, xuân về.

Vũ Hoàng