Không có giáo viên nghệ thuật ở THPT, học sinh vất vả, tốn kém tự tìm chỗ học

23/08/2024 06:32
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Không được học Mỹ thuật, Âm nhạc tại trường, học sinh mong muốn theo đuổi các khối ngành Nghệ thuật phải tìm cách tự ôn luyện.

Từ năm học 2022 - 2023, Âm nhạc và Mỹ thuật được đưa vào danh sách môn tự chọn tại bậc trung học phổ thông với mục tiêu giúp học sinh phát triển toàn diện, hài hòa. Đây là một thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì trước đó, hai môn này chỉ dạy ở bậc tiểu học và trung học cơ sở.

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, rất nhiều trường trung học phổ thông trên cả nước vẫn chưa thể mở các tổ hợp có môn Nghệ thuật. Điều này khiến các em học sinh có nhu cầu học tập chịu nhiều thiệt thòi.

Thí sinh vất vả khi cân bằng giữa học văn hóa và luyện thi năng khiếu

Trò chuyện cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, học sinh Lý Thanh Kim Phụng - lớp 12, Trường Trung học phổ thông Long Trường, phường Long Trường, Thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Hiện tại, Trường Trung học phổ thông Long Trường không tổ chức dạy học Mỹ thuật.

Ngay cả các câu lạc bộ trong trường cũng chỉ có các môn khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Hoạt động duy nhất liên quan đến Mỹ thuật tại trường là làm báo tường”.

Chính vì vậy, Phụng đã học vẽ ở trung tâm bên ngoài được một năm qua, bởi nữ sinh có nguyện vọng đăng ký dự thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Phụng cho biết, chi phí học vẽ bên ngoài của nữ sinh mỗi tháng khoảng 1,5 triệu đồng.

Kim Phụng chia sẻ: “Việc cân bằng giữa việc học trên trường với việc học vẽ bên ngoài khá khó khăn đối với học sinh cuối cấp như em. Khối lượng kiến thức các môn văn hóa trên trường hiện rất lớn, việc học khá vất vả, nhưng em vẫn cố gắng đi học vẽ nhiều nhất có thể. Được học môn mình yêu thích, em thấy rất vui, chỉ có điều, em không có đủ thời gian để chăm sóc cho bản thân mình”.

z5712369438311_5505d82ea94933f896760642f6aba5c2.jpg
Học sinh có đam mê khối ngành Mỹ thuật tìm đến các trung tâm luyện vẽ. Ảnh: NVCC.

Tương tự như Kim Phụng, nữ sinh Nguyễn Phạm Hoàng Quyên - lớp 12, Trường Trung học phổ thông Thống Nhất, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cũng muốn theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật (cụ thể là Mỹ thuật), nhưng nhà trường lại không dạy tổ hợp nào có môn học này.

“Điều này gây khó khăn cho em trong việc lựa chọn các ngành nghề. Vì trường không dạy Mỹ thuật, nên em chưa được tiếp xúc nhiều, khó tìm kiếm và tiếp cận với các cơ hội sau này. Bên cạnh đó, nhà trường cũng hầu như không có câu lạc bộ Mỹ thuật, em chỉ học vẽ qua các tiết trải nghiệm, thuyết trình” - Quyên chia sẻ.

Quyên tâm sự, mặc dù muốn theo học Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng trong giai đoạn đầu không được gia đình ủng hộ. Với niềm mong mỏi theo đuổi hội họa, Quyên đã xin làm thêm ngay tại trung tâm dạy Mỹ thuật mình theo học để có tiền đóng học phí.

Nữ sinh chia sẻ: “Mãi đến gần đây, em mới hết áp lực về học phí vì đã được cha mẹ đồng ý cho đăng ký dự thi vào ngôi trường yêu thích”.

Học cùng trường với Hoàng Quyên, học sinh Phạm Tuấn Kiệt cũng phải học Mỹ thuật ở bên ngoài để ôn thi vào ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Kiệt cho biết, Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thi năng khiếu đầu vào bằng hai bài thi vẽ chì và trang trí màu, rất khó cho thí sinh không ôn luyện có thể qua được kỳ thi này.

z5727754190117_fbc045be9eb6c5470774793132a4c6e4.jpg
Phạm Tuấn Kiệt - lớp 12, Trường Trung học phổ thông Thống Nhất, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai lựa chọn học vẽ tại một trung tâm Mỹ thuật ở trong xã. Ảnh: NVCC.

“Để vừa giữ phong độ giữa vẽ chì và trang trí màu, vừa cân bằng cả các môn học văn hoá ở trường, có những lúc em thật sự rất nản. Nhưng vì muốn đỗ vào ngôi trường mơ ước, nên em phải dùng sự kỷ luật cho chính bản thân mình để bù đắp cho những ngày nản chí. Có những ngày mưa to tầm tã, em vẫn cố gắng xách những hộp màu cồng kềnh đến trung tâm, quyết không bỏ lỡ bất kỳ buổi học nào. Những hôm ấy, em cũng là người duy nhất đi học” - Tuấn Kiệt nhớ lại.

Sinh sống và học tập tại Hà Nội, nữ sinh Trần Uyên Chi (16 tuổi), có nhiều điều kiện hơn để đầu tư cho ước mơ thi đỗ vào khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Uyên Chi cho biết, từ năm lớp 6, em đã bắt đầu học ở các trung tâm âm nhạc. Nữ sinh cũng tiết lộ, nếu chỉ học nhạc lý cơ bản, học chơi nhạc cụ như một sở thích, các thí sinh có thể học nhóm với chi phí dưới 3 triệu đồng cho một khóa (từ 12-16 buổi). Nhưng nếu để luyện thi vào các trường âm nhạc như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nữ sinh phải theo học các khóa một thầy một trò với các giảng viên có kinh nghiệm lâu năm, chi phí khoảng 500.000 đồng/tiết học.

z5732503044060_cf73113eea08cca09a7b3f202cb2a283.jpg
Học phí tại một trung tâm Âm nhạc. Ảnh: NVCC.

Uyên Chi cũng chia sẻ: “Nếu được học Âm nhạc tại trường với chương trình quy chuẩn, có lẽ học sinh sẽ được học tiết tấu, hòa thanh, hợp âm và có thể biết chơi một nhạc cụ cơ bản. Như vậy sẽ không cần theo học thêm các khóa cơ bản ở trung tâm nữa”.

Nhiều khó khăn trong giảng dạy Nghệ thuật ở bậc trung học phổ thông

Không thể mở tổ hợp giảng dạy các môn Nghệ thuật là tình trạng chung của nhiều địa phương, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trường Trung học phổ thông Trương Định, Thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang cũng trong tình trạng tương tự.

Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Thanh Hải - Hiệu trưởng nhà trường lý giải: “Trường không thể mở tổ hợp có môn Mỹ thuật hay Âm nhạc vì không có giáo viên. Dù vậy, Trường Trung học phổ thông Trương Định lại không thể tuyển thêm giáo viên dạy Nghệ thuật vì đã đủ định mức biên chế”.

DSC04914.jpg
Thầy Nguyễn Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định, Thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Website trường.

Căn cứ vào Điều 17 Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT, các trường trung học phổ thông công lập có tối đa 2,25 giáo viên/lớp, trừ một số trường hợp đặc biệt đã được quy định trong Thông tư. [1]

Theo thầy Hải, chương trình giáo dục phổ thông 2006 không yêu cầu giảng dạy môn Mỹ thuật, Âm nhạc ở bậc trung học phổ thông, nên hầu hết các trường phải tuyển thêm giáo viên để phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên, các trường đã đủ định biên giáo viên sẽ không thể bổ sung giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc. Nhà trường nếu muốn mở môn phải cử giáo viên có chuyên môn tương tự kiêm nhiệm.

“Với các em học sinh có nhu cầu theo học Nghệ thuật, Trường Trung học phổ thông Trương Định sẽ tư vấn và tạo điều kiện để các em học bên ngoài” - thầy Hải cho biết.

Bên cạnh đó, số lượng giáo viên cho các bộ môn Nghệ thuật đủ tiêu chuẩn giảng dạy tại bậc trung học phổ thông cũng không nhiều.

Chẳng hạn, đầu tháng 8/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo danh sách ứng viên trúng tuyển viên chức giáo dục lần 1 năm học 2024 - 2025. Hai môn học Âm nhạc và Mỹ thuật đều không tuyển đủ giáo viên. Trong đó, Âm nhạc có 8 ứng viên trúng tuyển trên tổng số 9 nhu cầu tuyển dụng, Mỹ thuật có 3 ứng viên trúng tuyển trên 7 nhu cầu tuyển dụng. [2]

Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên môn Nghệ thuật, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chính sách thu hút nhân tài.

Mặt khác, các trường trung học phổ thông cũng cần thời gian để hoàn thiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giảng dạy các môn Nghệ thuật.

Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội chia sẻ, dù đội ngũ giáo viên của nhà trường đã sẵn sàng, trường vẫn cần một năm để hoàn thiện phòng học chức năng.

98c34b92-e1fb-422d-a4b0-73976feda718.jpg
Cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Ở môn Âm nhạc, theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, quy định giáo viên phải có đàn phím điện tử hoặc piano kỹ thuật số; học sinh phải được trang bị nhạc cụ có tiết tấu; phòng học nhạc cần có không gian cho học sinh biểu diễn, có các phương tiện nghe nhìn...

Ở môn Mỹ thuật, quy định phòng học phải có bảng vẽ cá nhân cho từng học sinh; dụng cụ để trưng bày sản phẩm mỹ thuật; giá vẽ; bục vẽ; các dụng cụ, công cụ học tập... [3]

ban-nhac.jpeg
Phòng học nhạc được trang bị nhiều loại nhạc cụ của Trường Trung học phổ thông Việt Đức. Ảnh: NTCC.

Theo cô Quỳnh, năm học 2023 - 2024, Trường Trung học phổ thông Việt Đức bắt đầu mở tổ hợp có môn Âm nhạc. Đến năm học 2024 - 2025, trường tiếp tục hoàn thiện phòng học vẽ và đã mở thêm môn Mỹ thuật. Đồng thời, nhà trường cũng tiến hành ốp gỗ cách âm phòng học nhạc, sửa sang hệ thống âm thanh để học sinh có điều kiện học xướng âm tốt hơn.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức chia sẻ: “Nhu cầu học Nghệ thuật của các em học sinh hiện nay rất lớn. Ngay khi mở môn Âm nhạc, trường đã có một lớp 48 học sinh. Năm nay, khi mở môn Mỹ thuật, đã có 2 lớp đăng ký.

Với việc có phòng nghệ thuật phù hợp, đạt chuẩn, đúng nguyện vọng và mong muốn của các em học sinh, nhà trường hy vọng có thể giúp các em được thể hiện tất cả những đam mê, sở thích và tài năng của mình”.

454396770_1011123004353353_2276856055427433760_n.jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Đức giao lưu vẽ tranh cùng học sinh tỉnh Fukuoka, Nhật Bản. Ảnh: NTCC.

Theo nữ Hiệu trưởng, cũng nhờ các lớp Âm nhạc, Mỹ thuật, Trường Trung học phổ thông Việt Đức có thành tích cao trong các cuộc thi nghệ thuật.

Năm 2023, ban nhạc từ Trường Trung học phổ thông Việt Đức giành giải Nhất trong Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh trung học phổ thông Thành phố Hà Nội.

Chính sách thu hút giáo viên Nghệ thuật ngoại tỉnh, hỗ trợ 50 triệu đồng/giáo viên

Theo cô Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, để thực hiện hiệu quả công tác tuyển dụng viên chức đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở đã tham mưu trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND, quy định chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Giáo viên giảng dạy môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật được tuyển dụng hoặc chuyển công tác từ ngoài tỉnh về các cơ sở giáo dục phổ thông công lập được hỗ trợ 50 triệu đồng/giáo viên. Tuy nhiên, phải cam kết giảng dạy tại Hậu Giang 5 năm kể từ ngày tuyển dụng hoặc chuyển công tác đến tỉnh. Qua 2 năm triển khai, toàn tỉnh đã thu hút được 66 giáo viên dạy các môn này.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/vi-tri-viec-lam-va-dinh-muc-so-nguoi-lam-viec-toi-da-tai-cac-truong-tu-1612-post239467.gd

[2] https://hcm.edu.vn/thong-bao/quyet-dinh-ve-viec-cong-nhan-ket-qua-tuyen-dung-ky-tuyen-dung-vien-chuc-dot-1-n/ctfull/41012/77074

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-32-2018-TT-BGDDT-Chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-403454.aspx

Trần Trang