Không có GV Âm nhạc, trường phải thuê thầy cô ở trường nội trú chọn SGK, dạy học

16/05/2023 06:32
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không có GV Âm nhạc, Mỹ thuật, có trường phải thuê giáo viên ở trường nội trú (có trình độ đại học) tham gia hội đồng chọn sách và giảng dạy.

Năm học 2023-2024, học sinh lớp 11 sẽ học sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có hai môn lựa chọn là Âm nhạc và Mỹ thuật. Đến nay, công tác lựa chọn sách giáo khoa hai môn này gặp nhiều bất cập do có trường không có giáo viên 2 bộ môn này.

Bộ sách giáo khoa lớp 11 Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Bộ sách giáo khoa lớp 11 Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Bàn về công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 11, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị Phó Hiệu trưởng trường trung học phổ thông ở tỉnh Sơn La chia sẻ, nhà trường căn cứ vào quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về danh mục các sách giáo khoa sử dụng cho năm học 2023 – 2024 để lựa chọn các đầu sách lớp 11. Song, do trường không có giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật nên phải mời giáo viên ở trường nội trú trung học cơ sở - trung học phổ thông cho ý kiến để chọn sách và tham gia giảng dạy ở lớp 11.

“Do thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở bậc trung học phổ thông nên việc chọn sách giáo khoa ở bậc học này gặp nhiều khó khăn. Về nguyên tắc, chọn sách giáo khoa bắt buộc phải để giáo viên bộ môn lựa chọn, không thể cho giáo viên môn khác hay lãnh đạo trường học chọn thay. Để khắc phục thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật, trường phải thuê giáo viên hai môn này ở trường nội trú (có trình độ đại học) tham gia hội đồng chọn sách và giảng dạy. Tiền lương trả cho giáo viên sẽ trên tinh thần thoả thuận”, vị này chia sẻ.

Không thuê giáo viên trung học cơ sở mà tham khảo ý kiến của giáo viên ở trung tâm đào tạo nghệ thuật để chọn sách giáo khoa Âm nhạc, vị Hiệu trưởng của trường trung học phổ thông công lập ở Hà Nội chia sẻ, trường tổ chức cho giáo viên thảo luận, thống nhất lựa chọn sách giáo khoa và gửi văn bản về Sở theo yêu cầu.

Dù chưa có giáo viên, thiết bị giảng dạy, nhưng đối với lớp 11, qua tham khảo ý kiến của giáo viên Âm nhạc tại các trung tâm đào tạo nghệ thuật chất lượng cao, lãnh đạo nhà trường đã đăng ký lựa chọn sách giáo khoa môn Âm nhạc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống để ứng phó trong trường hợp nếu có học sinh học (đủ 1 lớp).

“Hiện không có giáo viên hai môn Âm nhạc, Mỹ thuật bậc trung học phổ thông, nên tôi nghĩ việc trưng dụng giáo viên hai môn này đang công tác ở cấp trung học cơ sở cùng chọn sách và dạy ở trường trung học phổ thông là bất hợp lý nếu trình độ giáo viên chưa phải đại học”, vị này thông tin.

Cùng chia sẻ về công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 11 mới, thầy Lê Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, trường đã báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 11.

Tương tự như lớp 10 triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đối với lớp 11 tới đây, trường chưa triển khai dạy môn Âm nhạc và môn Mỹ thuật với hai lý do: một là chưa có giáo viên đảm bảo trình độ, bằng cấp; hai là chưa có cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị để xây dựng phòng học chuyên biệt.

“Nhà trường vẫn có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng không có ứng viên đạt đủ điều kiện trúng tuyển. Nếu thuê giáo viên cấp trung học cơ sở về dạy cho trường thì cũng phải đạt chuẩn trình độ chuyên môn, bằng cấp mới có thể được tuyển dụng”, thầy Dũng chia sẻ.

Cùng chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Văn Hanh – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) cho biết, trường đã gửi báo cáo kết quả tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 11 năm học 2023-2024 về Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

Theo đó, nhà trường đã tổ chức triển khai, quán triệt các văn bản liên quan đến công tác lựa chọn sách giáo khoa để đưa ra danh mục sách giáo khoa đề xuất lựa chọn.

Theo thầy Hanh, trường thống nhất lựa chọn các đầu sách giáo khoa lớp 11 năm học 2023-2024 thể hiện đúng và đầy đủ mục tiêu nội dung của chương trình môn học, hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại đơn vị.

Danh mục sách giáo khoa lớp 11 của Trường Trung học phổ thông Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) đề xuất lựa chọn không có môn Âm nhạc, Mỹ thuật. (Ảnh chụp màn hình).

Danh mục sách giáo khoa lớp 11 của Trường Trung học phổ thông Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) đề xuất lựa chọn không có môn Âm nhạc, Mỹ thuật. (Ảnh chụp màn hình).

“Thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 11 thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, nhà trường yêu cầu giáo viên tăng cường tính chủ động, tự chủ, trách nhiệm. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở các khối lớp lựa chọn 01 đầu sách giáo khoa phù hợp.

Trường hợp tổ chuyên môn được thành lập theo nhiều môn học, tổ trưởng tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa thuộc chuyên môn mà giáo viên phụ trách theo tiêu chí mỗi giáo viên chỉ nghiên cứu, đánh giá sách giáo khoa thuộc chuyên môn phụ trách. Sau đó tiến hành bỏ phiếu kín để lựa chọn sách giáo khoa theo quy trình đã được hướng dẫn”, thầy Hanh chia sẻ.

Năm học trước, ở lớp 10, với môn Âm nhạc, Mỹ thuật trong chương trình mới, trường không có giáo viên, học sinh đăng ký không đảm bảo để mở lớp nên trường phải động viên các em không lựa chọn.

Chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 11, trường không chọn sách giáo khoa Âm nhạc và Mỹ thuật do không có giáo viên giảng dạy.

Thầy Nguyễn Văn Hanh chia sẻ thêm, hiện môn học nào nhà trường cũng thiếu một số lượng nhất định các trang thiết bị. Mỗi một danh mục trang thiết bị dùng cho nhiều môn, mỗi môn có rất nhiều bài, và trong mỗi bài lại có những nội dung cần sử dụng thiết bị dạy học khác nhau.

Với những môn còn thiếu thiết bị dạy học, chủ yếu hiện nay giáo viên phải tự làm. Còn việc huy động nguồn xã hội hóa phải theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT, các quy định khá cầu kỳ nên nhà trường không tiến hành được

Ngọc Mai