Không có hệ thống tuyển sinh chung khiến trường nghề bộn bề khó khăn

28/12/2022 06:52
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Không được vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều này khiến không ít trường cao đẳng nghề gặp khó khăn.

Thông tin đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho biết từ khi các trường cao đẳng nghề chuyển sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc tra cứu về tuyển sinh của các trường cao đẳng cũng bị thay đổi theo. Nếu trước đây học sinh trung học phổ thông thi tốt nghiệp, đều đăng kí chung trên hệ thống gồm tất cả các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, hiện do các trường cao đẳng nghề không trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nữa, do vậy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không thể vào hệ thống đăng kí chung của các trường đại học.

“Các trường cao đẳng nghề phải tự thân làm công tác tuyển sinh, tuy nhiên điều này sẽ phát sinh khó khăn. Nếu được, chúng tôi rất mong muốn có thêm một đường link dữ liệu tuyển sinh cho các trường cao đẳng nghề để các em học sinh dễ dàng tìm hiểu thông tin trường và đăng kí hơn”, một vị đề xuất ý kiến.

Phải tự cập nhật dữ liệu của học sinh phổ thông lại từ đầu

Tìm hiểu thêm về vấn đề trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo các trường cao đẳng nghề. Đa số các trường đều thừa nhận những khó khăn và bất cập khi trường cao đẳng không được vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Lưu - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: Website nhà trường

Thạc sĩ Nguyễn Đức Lưu - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: Website nhà trường

Thạc sĩ Nguyễn Đức Lưu - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cho biết:

“Nếu cơ sở dữ liệu của giáo dục phổ thông, giáo dục đại học liên thông với khối các trường cao đẳng, trung cấp thì việc tuyển sinh sẽ thuận tiện hơn nhiều. Hiện do các trường cao đẳng không được vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nữa, nên chúng tôi phải tiếp cận với các học sinh qua các kênh khác đồng thời phải cập nhật dữ liệu của học sinh lại từ đầu nên sẽ vất vả và tốn nhiều nguồn lực hơn”.

Theo thầy Lưu, hiện nhà trường tiếp cận với học sinh qua các kênh thông tin như trang website, trang fanpage của trường, thương hiệu của nhà trường và từ sự giới thiệu của bạn bè, người quen…

Do đó, để tăng cường công tác tuyển sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cho rằng các trường phải khẳng định được thương hiệu nhà trường thông qua chất lượng đào tạo, “hữu xạ tự nhiên hương”.

“Nhà trường luôn chú trọng việc tăng cường công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn; trong quá trình đào tạo trường gắn liền với doanh nghiệp, mục tiêu là sinh viên sau khi ra trường có đủ khả năng làm việc ngay tại các doanh nghiệp mà không cần phải tốn thời gian đào tạo lại.

Không dừng lại ở chuyên môn, trong quá trình giảng dạy tại trường, nhà trường cũng chú trọng đến giáo dục toàn diện, kĩ năng thái độ, trách nhiệm xã hội tới từng người học, giúp các em vững vàng kiến thức và kĩ năng để ra ngoài làm việc tốt nhất”, thầy Lưu chia sẻ.

Không được tham gia dữ liệu tuyển sinh chung là một khó khăn. Ngoài ra, hiện còn nhiều khó khăn khác mà khối trường cao đẳng nghề nghiệp đang vướng phải.

Kỳ thi tốt nghiệp cho sinh viên cao đẳng khóa 13 và học sinh trung cấp khóa 14 của Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An. Ảnh: Website nhà trường

Kỳ thi tốt nghiệp cho sinh viên cao đẳng khóa 13 và học sinh trung cấp khóa 14 của Trường Cao đẳng Việt – Đức Nghệ An. Ảnh: Website nhà trường

Thạc sĩ Nguyễn Đức Lưu cho biết, mặc dù qua từng năm, tâm lý của người dân về việc học nghề đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên đa số vẫn thích đi học đại học hơn.

“Hiện nay công tác phân luồng có chuyển biến, tuy nhiên tư vấn hướng nghiệp còn phải cố gắng nhiều. Vẫn còn rất nhiều học sinh, gia đình nghĩ rằng học kém mới đi học nghề, còn học giỏi thì học đại học. Do vậy chúng tôi luôn cố gắng truyền thông lại, rằng học nghề là một hướng đi chủ động bên cạnh chọn học đại học, không phải cứ học kém mới đi học nghề, quan trọng là học nghề cũng cần phải có năng khiếu”, thầy Lưu nói.

Ở một số tỉnh điều kiện kinh tế khó khăn, các khu công nghiệp chưa phát triển, nhiều người học lo lắng đi học nghề ra khó xin được việc làm. Đây cũng là một cản trở với nhiều trường khi tuyển sinh, đầu ra cũng là một yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng tuyển sinh” - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh nhấn mạnh.

Cũng chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Cao Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An cho biết thêm, hiện các trường cao đẳng khi tuyển sinh gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh.

Cụ thể, hiện học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ có 3 hướng để lựa chọn:

Thứ nhất là vào đại học, cánh cửa này hiện nay khá “rộng mở”, điểm chuẩn nhiều trường chỉ từ 15-16 điểm, hay xét kết quả học bạ trung học phổ thông… Cùng với tâm lý thích học đại học hơn, nên các trường cao đẳng sẽ khó cạnh tranh hơn với các trường đại học.

Thứ hai, học sinh có thể lựa chọn đi du học hay xuất khẩu lao động.

Thứ ba, vào làm việc tại các khu công nghiệp. Theo thầy Tuấn, có nhiều khu công nghiệp đang chú trọng đến việc tuyển dụng lao động phổ thông không qua đào tạo, nên hàng năm cũng có số lượng rất lớn các em học sinh tốt nghiệp cấp 3 xong vào làm tại các khu công nghiệp.

Ngoài ra, nhận thức của gia đình về việc đào tạo nghề chưa cao, đặc biệt những ngành nghề nặng nhọc rất ít học sinh lựa chọn. Một khó khăn nữa với các trường cao đẳng mà Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An chỉ ra chính là nhu cầu người học khối 9+ nhiều hơn.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 62 cơ sở đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Do vậy, sự cạnh tranh là rất lớn. Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An chia sẻ, ngoài việc tăng cường tuyển sinh, nhà trường luôn chú trọng nâng cao thương hiệu của trường thông qua chất lượng đào tạo. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, trường mở thêm nhiều ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, chú trọng kết hợp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo, cam kết việc làm cho học sinh khi ra trường.

Thiếu đội ngũ giáo viên trầm trọng

Thạc sĩ Cao Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An. Ảnh: Website nhà trường

Thạc sĩ Cao Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An. Ảnh: Website nhà trường

Bên cạnh tuyển sinh, chất lượng đào tạo chính là yếu tố sống còn quyết định đến sự phát triển của các trường cao đẳng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trường cao đẳng chia sẻ, hiện các trường đang thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt giáo viên khối ngành kĩ thuật.

“Đối với khối giáo dục nghề nghiệp, việc tuyển dụng giáo viên kỹ thuật rất khó. Hiện nay, chủ trương của nhà nước về tinh giản biên chế, sáp nhập, quy định ra 2 vào 1, khi các thầy nghỉ hưu rồi thì việc tuyển dụng mới gặp rất nhiều thách thức.

Trong đó, theo tôi yếu tố quan trọng quyết định nhất chính là chế độ lương. Hiện mức lương đối với giáo viên không hấp dẫn, với lương khởi điểm gần 4 triệu đồng, ngoài ra cũng không có thêm các phụ cấp khác thì làm sao cạnh tranh được với các doanh nghiệp?

Đặc biệt, với khối kỹ thuật, sinh viên ra trường được các doanh nghiệp săn đón, lương khởi điểm đã ở mức 15-20 triệu đồng/tháng, so với đồng lương ba đồng ba cọc khi làm giáo viên thì mấy ai lựa chọn?”, thầy Tuấn nêu khó khăn.

Mức lương không hấp dẫn nên việc tuyển dụng giáo viên khó, cả giữ chân giáo viên càng khó khăn hơn. Đây cũng là nhận định của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh.

Theo thầy Lưu, nếu không có chính sách tốt với đội ngũ giáo viên thì sẽ dễ xảy ra hiệu ứng giống như ngành y.

Do vậy, để khuyến khích đội ngũ giáo viên, Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An chú trọng thêm các chế độ thu hút riêng, đặc biệt với các ngành đặc thù khi tuyển dụng. “Trong quá trình giảng dạy tại trường, giáo viên nếu đạt các thành tích như giáo viên dạy giỏi các cấp, hướng dẫn học sinh luyện thi tay nghề,... thì sẽ có chính sách thưởng khuyến khích thêm bên cạnh mức lương cơ bản nhận được.

Để nâng cao chất lượng tuyển sinh cũng như chất lượng đào tạo khối giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đề xuất trong thời gian tới, các cơ quan chức năng xem xét có sự điều chỉnh để hệ thống các trường nghề được sử dụng chung cơ sở dữ liệu về học sinh cuối cấp, xây dựng nên một hệ thống dữ liệu thống nhất thay vì phân mảng như hiện nay.

Ngoài ra, đại diện lãnh đạo 2 trường cao đẳng cũng mong muốn có thêm các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đội ngũ giáo viên để thầy cô giáo yên tâm công tác giảng dạy.

Bắc Sơn