Về huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hỏi nhà hàng Hoài Lan, không mấy người không biết; chủ nhân thương hiệu nhà hàng Hoài Lan có tên thật là Lê Thị Hoài Lan.
Thế nhưng, rất ít người biết chủ nhân của nhà hàng từng là một giáo viên!
Tôi gặp chị ấy trong một buổi họp chi hội Cựu giáo chức. Lúc đầu cứ ngỡ, chị đến với tư cách người phục vụ của nhà hàng; khi mấy cựu đồng nghiệp giới thiệu, tôi mới biết chị là cựu đồng nghiệp của mình.
Cô Hoài Lan, bìa trái, trước nhà hàng mới khai trương |
Những năm tám mươi thế kỉ trước, chị dạy học ở Bình Thuận. Lương giáo viên không nuôi nổi gia đình, chị làm thêm đủ việc, từ rửa chén, chạy bàn, bán cơm... phát hiện ra mình có năng khiếu bẩm sinh nấu ăn.
Làm thêm, cuộc sống gia đình tạm ổn, thế nhưng nhiều đêm không ngủ, chị thấy như có lỗi với học trò; mình không toàn tâm với tụi nhỏ, lên lớp mà thấy cứ ngại ngùng, không thanh thản, như mắc nợ những ánh mắt vô tư, vậy là chị đành rẽ ngang.
Từ một tiệm cơm nhỏ, dần dần, chị mở dịch vụ nấu ăn, nhà hàng tiệc cưới. Chính lúc này, “nghiệp giáo” về lại với chị.
Vừa làm chủ nhà hàng, chị vừa là “giáo viên” đào tạo “nghiệp vụ” cho nhân viên của mình, vì thế cái danh xưng “cô Lan” đến với mọi người.
Nhân viên nhà hàng thường gọi chị là Cô, khi tôi hỏi tại sao gọi bà chủ là Cô vậy? Đầu bếp Hoa, vui vẻ trả lời:
“Cô Lan dạy chúng em làm bếp, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng phục vụ,… như một cô giáo dạy nghề nhà hàng hàng, khách sạn; nên ở đây, ai cũng gọi bà chủ là Cô.
Cô đã “đào tạo” không biết bao nhiêu nhân viên nhà hàng, đầu bếp; phần còn làm cùng nhà hàng, phần đã “ra riêng” làm ăn trên khắp các miền Tổ quốc, thầy ạ”.
Cô Hoài Lan tâm sự “Đi qua trường học, nhìn giáo viên, học sinh mình vẫn nhớ ngày xưa. Chính vì thế, khi thầy Du, Chủ tịch chi hội cựu giáo chức Xuyên Mộc, vận động chị sinh hoạt hội, lúc đầu còn ngại, sau đồng ý, cùng cùng sinh hoạt, sống lại kỉ niệm với một thời son trẻ”.
Khi tôi “bật mí”, cô giáo T., làm MC thêm tại nhà hàng Hoài Lan, vô cùng ngạc nhiên “Thật bất ngờ, nhìn ánh mắt cảm thông, thái độ sẻ chia của chị Lan với giáo viên làm thêm, em cứ thấy thân thương, giờ mới biết chị thương giáo viên đến làm thêm; chị Lan luôn tạo điều kiện tốt nhất cho chúng em thầy ạ. Cảm ơn chị, đã giúp đỡ chúng em ”.
Dẫu không đi hết chặng đường mình chọn, thế nhưng “cựu cô giáo” vẫn mang trong mình trọn vẹn lòng yêu nghề, mến trẻ; không bục giảng, cô vẫn “đào tạo nghề” cho không ít học trò lập nghiệp.
Nhà hàng tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương, trong đó có không ít … giáo viên làm thêm, từ MC, nhạc công, giữ xe v.v... Hàng năm, cô Hoài Lan đều dành những phần quà, cho đồng nghiệp khó khăn, học sinh bất hạnh.
Cô Hoài Lan tâm sự “Mình già rồi, không còn làm cô giáo nữa, nhưng kinh doanh chọn niềm tin làm lẽ sống, gieo niềm tin vào những gia đình mới, tạ ơn trên.
Gặp lại cảnh thầy cô đi làm thêm, như thấy lại hình ảnh của mình ngày xưa. Thấu cảm, sẻ chia, chỉ biết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bạn. Mong mai này, cuộc sống của nhà giáo, sống được bằng lương của mình thì tốt quá em nhỉ”.
Kinh doanh, lấy chữ tín làm đầu, chuỗi nhà hàng Hoài Lan Wedding & Event, đã đem niềm tin cho biết bao thế hệ học trò tổ chức ngày lễ trọng đại của mình.
Cảm ơn cựu cô giáo, đang gieo mầm yêu thương cho những đôi cánh vào đời, tạo việc làm thêm cho đồng nghiệp.