So với các ngành kinh tế khác trong nhóm ngành Kinh tế học thì Kinh tế phát triển tập trung vào quản lý hiệu quả các vấn đề kinh tế - xã hội nhằm tăng trưởng bền vững. Trong khi Kinh tế đầu tư tối ưu hóa nguồn vốn, Kinh tế quốc tế nghiên cứu thương mại và hội nhập, Kinh tế số khai thác công nghệ số thì Kinh tế phát triển xem xét cả yếu tố kinh tế, xã hội và thể chế để thúc đẩy phát triển toàn diện.
Chương trình đào tạo ngành Kinh tế phát triển có gì nổi bật?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Thị Hoàng Mai, Phó Trưởng khoa Khoa Kinh tế phát triển, Học viện Chính sách và Phát triển chia sẻ, ngành học này tại trường được xây dựng với mục tiêu chính là trang bị cho sinh viên tư duy lý thuyết vững chắc về nguyên lý kinh tế, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn và phát triển các kỹ năng phân tích, đánh giá chính sách kinh tế. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn như phân tích chính sách, đánh giá chi phí - lợi ích của dự án, dự báo kinh tế vĩ mô và quy hoạch phát triển.

“Điểm mạnh của ngành học này nằm ở khả năng nâng cao tư duy. Dù không mang tính “cầm tay chỉ việc” nhưng chương trình học trang bị cho sinh viên tư duy phân tích, đánh giá và thích nghi tốt với thị trường lao động. Thực tế, thành công của sinh viên tốt nghiệp ngành này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực Kinh tế phát triển mà còn mở rộng sang nhiều ngành khác.
Bên cạnh đó, Học viện Chính sách và Phát triển trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vì vậy hầu hết các chính sách do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đều gửi về học viện để lấy ý kiến. Qua đó, giảng viên của Khoa Kinh tế phát triển được tiếp cận, tham gia vào quá trình đánh giá, xây dựng và phản biện chính sách. Từ đó giúp chương trình đào tạo luôn được cập nhật những vấn đề thực tế của nền kinh tế để sinh viên có cơ hội thực hành và nghiên cứu trên các tình huống kinh tế cụ thể.
Ngoài ra, sinh viên có nhiều cơ hội tham gia các chuyến đi thực tế tại nhiều địa phương và doanh nghiệp, giúp các em hiểu rõ hơn về việc ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Những trải nghiệm này không chỉ giúp người học nâng cao chuyên môn mà còn tạo ra môi trường học tập sinh động, gắn kết giữa sinh viên với nơi sử dụng lao động”, cô Mai thông tin.

Trong khi đó, tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, chương trình đào tạo ngành Kinh tế phát triển ngoài đảm bảo những học phần cơ sở ngành và chuyên ngành cần thiết thì còn có một số học phần được xây dựng dựa dựa trên bối cảnh thực tiễn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền, Trưởng khoa Khoa Kinh tế thông tin: “Thời gian vừa qua, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã rà soát chỉnh sửa lại chương trình đào tạo, có thay đổi và bổ sung một số học phần như kinh tế số, biến đổi khí hậu,... để phù hợp với thực tế.
Hiện nay, nhà trường đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho khoa triển khai hoạt động thực tế tại doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo. Đồng thời, khoa và nhà trường cũng kết nối với nhiều đơn vị tại địa phương như phòng kinh tế hạ tầng, kinh tế kế hoạch của các huyện nhằm tạo cơ hội cho sinh viên tham gia thực tập và trải nghiệm thực tế”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền cho biết thêm, Trường Đại học Phạm Văn Đồng với sứ mệnh phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và khu vực lân cận, định hướng đào tạo của trường sát với nhu cầu phát triển kinh tế địa phương và thường xuyên được rà soát, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh kinh tế đất nước. Chính quyền địa phương và doanh nghiệp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trường. Thêm vào đó, số lượng cơ sở đào tạo ngành Kinh tế phát triển chưa nhiều, người học sẽ ít phải đối mặt với sự cạnh tranh khi chọn ngành này.

Những tố chất và kỹ năng cần thiết mà sinh viên ngành Kinh tế phát triển cần có
Muốn học tốt và thành công trong ngành Kinh tế phát triển, theo Trưởng khoa Khoa Kinh tế, Trường Đại học Phạm Văn Đồng: “Sinh viên cần có tư duy phân tích, khả năng nghiên cứu và tổng hợp thông tin, nhạy bén với thực tiễn để đánh giá và đề xuất giải pháp phát triển hiệu quả.
Thêm vào đó người học cần có thêm kỹ năng hoạch định, quản lý, giao tiếp và làm việc nhóm để phối hợp với các bên liên quan trong việc triển khai chính sách. Ngoài ra, khả năng sử dụng công nghệ, phân tích dữ liệu và tinh thần trách nhiệm cao cũng là những yếu tố quan trọng để sinh viên có thể đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành”.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Bùi Thị Hoàng Mai cho hay, theo định hướng đào tạo của Học viện Chính sách và Phát triển, sinh viên cần đáp ứng được 3 nhóm nội dung quan trọng.
Trước hết, sinh viên phải có tư duy kinh tế và nắm vững kiến thức nền tảng, chiếm khoảng 30-40% yêu cầu. Điều này bao gồm việc hiểu rõ các nguyên lý, lý thuyết kinh tế và cơ chế vận hành của nền kinh tế, đồng thời nắm bắt các quy luật kinh tế quan trọng để phân tích và đánh giá những yếu tố tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, khả năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn cũng là một yếu tố không thể thiếu, chiếm khoảng 30% trọng số. Sinh viên cần biết cách phân tích tình huống kinh tế, đánh giá chính sách phát triển, dự báo xu hướng kinh tế - xã hội và thực hiện nghiên cứu thực tế để áp dụng kiến thức một cách hiệu quả.
Ngoài ra, nhóm kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm chiếm từ 30-40%, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp sinh viên thích nghi với môi trường làm việc thực tế.
Việc trang bị đầy đủ những yêu cầu trên sẽ giúp sinh viên không chỉ có nền tảng kiến thức vững chắc mà còn có khả năng áp dụng linh hoạt, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động.
Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học nói chung và ngành Kinh tế phát triển nói riêng, Tiến sĩ Bùi Thị Hoàng Mai đề xuất: “Cơ sở giáo dục cần xác định rõ giáo dục đại học là rèn luyện tư duy và khả năng tự học cho người học. Sự cân bằng hợp lý giữa lý thuyết và thực hành là yếu tố quan trọng giúp sinh viên có nền tảng vững chắc để thích nghi với sự thay đổi của nền kinh tế. Đồng thời, việc liên tục lấy ý kiến từ cựu sinh viên và doanh nghiệp sẽ giúp nhà trường điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp hơn với nhu cầu thực tế”.

Đặc biệt, cô Mai cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh, rất khó để đào tạo người học theo một công việc hay nghề nghiệp cụ thể, càng không thể xác định người học làm một nghề hay một công việc cả đời.
Sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật đã xóa bỏ hoặc thay đổi nhiều ngành đã từng rất thịnh vượng trong một giai đoạn nào đó. Vì vậy, nếu chỉ tập trung đào tạo vào các nghiệp vụ cụ thể, người học có thể sẽ gặp rủi ro rất lớn trước sự thay đổi của xã hội và gặp khó khăn trong việc chuyển đổi nghề nghiệp.
Những sai lầm thường gặp là coi đào tạo đại học giống như đào tạo nghề, với mong muốn người học khi ra trường sẽ thành thạo một vài nghiệp vụ cụ thể. Cách tiếp cận này khiến người học có thể cảm thấy yên tâm vì thấy mình “biết làm” một vài công việc cụ thể đang “hot” và cảm thấy sẵn sàng khi ra trường, nhưng sẽ khó cho người học khi chuyển đổi nghề nghiệp hoặc phát triển bản thân, bởi lẽ càng lên cao tầm nhìn phải càng rộng, kiến thức phải càng đa dạng”.
Học ngành Kinh tế phát triển không chỉ làm việc ở khu vực công
Đánh giá về xu hướng việc làm và cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên ngành Kinh tế phát triển, Phó trưởng khoa Khoa Kinh tế phát triển, Học viện Chính sách và Phát triển bày tỏ, việc hiểu đúng về ngành Kinh tế phát triển sẽ giúp học sinh, sinh viên có những lựa chọn sáng suốt hơn, dựa trên những cơ hội thực sự mà ngành học này mang lại.
“Khi nhắc đến ngành Kinh tế phát triển, nhiều người khó hình dung rõ ràng về những công việc cụ thể sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, không ít người vẫn cho rằng học Kinh tế phát triển chủ yếu để làm việc trong khu vực nhà nước. Tuy nhiên, với những cải cách chính sách gần đây trong bộ máy nhà nước, việc tinh giản bộ máy hoạt động, tinh giản biên chế khiến cơ hội vào làm việc trong khu vực công trở nên cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành này rộng mở hơn rất nhiều, đặc biệt là trong tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn đa quốc gia và các dự án phát triển kinh tế - xã hội, phụ thuộc vào định hướng cá nhân cũng như chương trình đào tạo mà họ theo học”, cô Mai nhận định.

Theo cô Mai, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế phát triển có thể làm việc theo hai hướng: một là đúng với trụ cột chính của ngành, hai là linh hoạt mở rộng sang các lĩnh vực khác. Nếu theo đúng trụ cột chính, sinh viên có thể làm việc tại cơ quan nhà nước trong lĩnh vực hoạch định chính sách kinh tế; tại các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức phi chính phủ hay công ty tư vấn về quy hoạch, phát triển kinh tế. Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia vào các ban quản lý dự án phát triển kinh tế - xã hội hoặc chương trình đầu tư công.
Mặt khác, nhờ chương trình đào tạo đa ngành và các môn học tự chọn, sinh viên cũng có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác với khả năng tư duy hệ thống, phân tích chính sách, đánh giá thị trường và hiểu rõ quy luật vận hành của nền kinh tế. Những kỹ năng này giúp sinh viên có tầm nhìn chiến lược, không bị luẩn quẩn trong công việc mà luôn có cách tiếp cận khoa học và hiệu quả. Nhiều cựu sinh viên của trường đã khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp riêng, thậm chí đảm nhận các vị trí lãnh đạo tại các công ty lớn.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hoài, thủ khoa đầu ra khóa 6 ngành Kinh tế phát triển, Học viện Chính sách và Phát triển, hiện đang là Giám đốc kinh doanh tại Công ty Cổ phần Stringee cho hay: "Công việc của tôi tập trung vào việc xây dựng chiến lược kinh doanh, mở rộng thị trường, phát triển quan hệ đối tác và hỗ trợ khách hàng triển khai các giải pháp công nghệ phù hợp với nhu cầu của họ.
Những kiến thức về kinh tế, quản lý và đặc biệt là kỹ năng phân tích thị trường mà tôi được học tại Học viện Chính sách và Phát triển đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc hiện tại. Kinh tế phát triển là ngành học có tính ứng dụng cao, giúp người học hiểu sâu về cơ chế vận hành của nền kinh tế và tìm ra những cơ hội phát triển kinh doanh hiệu quả”.
Chị Hoài cho biết thêm, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế phát triển có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau tại doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan đến kinh doanh, phát triển thị trường, tư vấn giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp, quản lý dự án và phân tích thị trường.
Mức lương khởi điểm dành cho cử nhân ngành này phụ thuộc vào năng lực và vị trí công việc. Tuy nhiên, mức trung bình dao động từ 9 - 15 triệu đồng/tháng đối với những bạn có nền tảng tốt và kỹ năng phù hợp. Ngoài ra, thu nhập có thể tăng nhanh nếu bạn thể hiện tốt trong công việc và có tư duy phát triển bản thân.

Để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc hiện nay, chị Hoài dành lời khuyên đến sinh viên đang theo học ngành Kinh tế phát triển rằng: “Các bạn hãy tận dụng thời gian học để rèn luyện kỹ năng thực tế bằng cách tham gia các dự án xã hội và thực tập tại doanh nghiệp. Đây là cách giúp bạn có kinh nghiệm và hiểu rõ yêu cầu công việc thực tế.
Đồng thời, bạn cần chủ động học hỏi và phát triển tư duy chiến lược bằng cách đặt câu hỏi “tại sao?” với các vấn đề kinh tế và kinh doanh xung quanh để rèn luyện khả năng phân tích. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên cần có thêm nhiều kỹ năng mềm như ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý thời gian hiệu quả. Cuối cùng là mở rộng mối quan hệ bằng cách tham gia các cộng đồng chuyên ngành để tạo cơ hội phát triển sự nghiệp bền vững”.