Nên miễn thuế cho hợp đồng nghiên cứu, phát triển giữa CSGDĐH và doanh nghiệp

19/02/2025 11:20
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chuyên gia đề xuất xây dựng môi trường, hành lang pháp lý đủ mạnh để kiến tạo mối liên kết giữa trường đại học - doanh nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả hơn.

Khoản 6, Điều 12, Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có quy định: “Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ; có chính sách ưu đãi về thuế cho các sản phẩm khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, tạo điều kiện để người học và giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”.

Tuy nhiên, mức độ liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo còn hạn chế, vướng mắc trong thực hiện. Từ thực trạng đó, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp liên kết trường đại học với doanh nghiệp hiệu quả hơn để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp cần đi vào thực chất

Mối liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và chuyển giao công nghệ đóng vai trò then chốt trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta.

Ảnh minh họa: Mộc Trà.
Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Trường Đại học Điện lực nhận định, bản chất của mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp là dòng chảy trao đổi giữa các bên trong cùng hoạt động, lĩnh vực hoặc nghiên cứu nhằm hướng đến mục tiêu và lợi ích cho cả hai bên. Những lợi ích mà quá trình hợp tác từ trường đại học mang lại cho doanh nghiệp là việc tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro khi triển khai các kết quả nghiên cứu.

Ngược lại, trường đại học khi tham gia hợp tác với doanh nghiệp sẽ tạo cơ hội để cơ sở đào tạo nâng cao năng lực của giảng viên, tăng nguồn thu để tái đầu tư cho các hoạt động của nhà trường và tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với các hoạt động thực tế tại doanh nghiệp; từ đó, giúp cải thiện công tác quản trị, năng lực đổi mới, sáng tạo tại doanh nghiệp.

Hiện nay, loại hình phát triển nhất của hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam là học tập suốt đời; hợp tác trong nghiên cứu và phát triển; xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo. Các hình thức hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp thường tập trung vào 2 hướng: xây dựng kỹ năng thực hành cho sinh viên và tuyển dụng; hợp tác nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Song, hiện nay, mối quan hệ này chưa thực sự phát huy được hết những giá trị đối với hai phía, tương xứng với tiềm năng vốn có và kỳ vọng của các bên liên quan do một số rào cản. Thực tế cho thấy, sinh viên tốt nghiệp tại nhiều trường đại học chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do có sự khác biệt giữa kiến thức tại trường đại học và yêu cầu thực tiễn công việc của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thường phải đào tạo lại hoặc đào tạo thêm để nâng cao năng lực của người lao động.

Điều này có thể gây ra sự lãng phí về nguồn lực tài chính và thời gian, trong khi nếu doanh nghiệp hợp tác có hiệu quả với trường đại học thì những nội dung đào tạo đó sẽ được đưa ngay vào chương trình đào tạo. Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình gắn kết giữa các trường đại học với các doanh nghiệp là định hướng quan trọng, mang tính tất yếu khách quan.

Đồng thời, để thúc đẩy mối quan hệ hữu cơ này, cần phải có bên thứ ba làm cầu nối, tạo môi trường thuận lợi cho các phía cùng phát triển. Vai trò của Chính phủ giúp thúc đẩy sự hợp tác thông qua các quy định và khung chính sách tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Không chỉ nhờ chính sách của Nhà nước để thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo đại học, mà còn cần có sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức thương mại.

Theo Tiến sĩ Thiều Huy Thuật - Quyền Giám đốc Phân hiệu Học viện Hành chính quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk, một nhiệm vụ của giáo dục đại học là phải nhanh chóng giảm sự chênh lệch giữa chất lượng giáo dục đại học so với yêu cầu của thị trường lao động xuống mức thấp nhất có thể. Bởi lẽ, muốn đạt được chất lượng cao, trước tiên công tác đào tạo cần gắn chặt với nhu cầu xã hội. Sự thiếu tương thích có thể dẫn đến hệ quả giáo dục đại học chỉ tập trung đào tạo những gì các trường có mà không chú trọng đúng mức đến những gì xã hội cần.

Mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhân lực này sẽ được xã hội sử dụng nếu chất lượng đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động nói riêng và của xã hội nói chung. Điều này cũng góp phần giúp nâng cao năng lực sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm.

Trên thực tế, nhiều tổ chức doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ các cơ sở giáo dục đại học nhưng vẫn khó tuyển hoặc tuyển thì phải tốn thời gian, chi phí đào tạo lại. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Đa số doanh nghiệp chưa hài lòng về chất lượng sinh viên sau khi ra trường. Qua đó, có thể thấy, tự chủ đại học mang lại nhiều kết quả tích cực nhưng còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

DHĐL.jpg
Ảnh minh họa: EPU.

Cũng theo thầy Thuật, trong đánh giá kết quả đào tạo còn thể hiện sự thiếu gắn kết, đồng hành từ phía doanh nghiệp, hội đồng tư vấn hay chương trình thực tập chưa đạt hiệu quả thực chất trong việc cải thiện chất lượng giáo dục. Việc hợp tác của doanh nghiệp trong đánh giá, khảo sát cựu sinh viên chưa khai thác được hết tiềm năng và cho thấy tính đồng bộ của việc khảo sát để phục vụ cải tiến chương trình đào tạo.

Theo đó, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đổi mới về cơ chế, chính sách, về năng lực quản trị, điều hành, đầu tư nguồn lực, quy hoạch mạng lưới và gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động, hoạt động của doanh nghiệp, chính sách đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học.

Các giải pháp có thể mang tính đột phá ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng vẫn cần vai trò nòng cốt của Nhà nước là định hướng, xây dựng hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tổ chức triển khai một cách thuận lợi. Còn đối với cơ sở giáo dục đại học, với vai trò là chủ thể chính thực thi sứ mệnh đào tạo, cần phát huy hơn nữa nhiệm vụ chủ đạo trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Tối ưu hóa hệ thống chính sách để thúc đẩy kết nối giữa tri thức và thực tiễn

Đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và tổ chức doanh nghiệp, lãnh đạo Trường Đại học Điện lực cho hay, một là, Nhà nước cần thiết lập những quy định, chính sách, khung pháp lý không chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, mà còn có thể mang tính ràng buộc cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Ngoài ra, cần thiết lập chế độ miễn giảm thuế nhập khẩu máy móc thiết bị cho doanh nghiệp nếu có biên bản ghi nhớ hợp tác, giới thiệu công nghệ cho các trường đại học hoặc miễn thuế thu nhập cá nhân cho các nhân sự của doanh nghiệp tham gia giảng dạy/thuyết giảng tại trường đại học; miễn thuế giá trị gia tăng cho các hợp đồng nghiên cứu, phát triển giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Hai là, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng chủ trương, chính sách nội bộ nâng cao uy tín của mình với xã hội; nâng cao chất lượng giảng dạy, chương trình đào tạo của nhà trường gắn kết với thực tiễn; động viên, khuyến khích giảng viên, nhà nghiên cứu làm việc trong môi trường học thuật gắn liền với thực tiễn; nâng cao thương hiệu và uy tín, nguồn thu từ cả hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của nhà trường.

Ba là, cần có cơ cấu tổ chức và cách thức tiếp cận mới trong mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp qua những cơ quan bên ngoài để liên kết như: vườn ươm phát triển các doanh nghiệp mới; công viên khoa học, khu công nghệ dành cho sự phát triển của doanh nghiệp ứng dụng khoa học; trung tâm đổi mới sáng tạo, tuyển dụng các chuyên gia trong doanh nghiệp cho các vị trí chuyển giao tri thức;...

Bốn là, cần có cơ chế quản trị thể hiện vai trò tác động lẫn nhau, doanh nhân có trong thành viên của hội đồng trường, quản trị trường đại học hoặc sự tham gia của các giảng viên, thành viên hội đồng trường của nhà trường tham gia vào bộ máy quản trị của công ty, phụ trách hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Đồng thời, cần có các dịch vụ hỗ trợ cho việc hợp tác nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu của cơ sở giáo dục đại học.

Ngày hội việc làm kỹ sư Nhật Bản tại Trường Đại Điện lực. Ảnh: NTCC.
Ngày hội việc làm kỹ sư Nhật Bản tại Trường Đại Điện lực. Ảnh: NTCC.

Trường Đại học Điện lực Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo đại học có công tác liên kết doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo với nhiều thành tựu nổi bật. Nhà trường thiết lập quan hệ với hơn 200 doanh nghiệp, mở rộng hợp tác với 35 doanh nghiệp mới. Tính riêng năm 2024, hơn 1250 sinh viên trúng tuyển vào các vị trí việc làm từ Ngày hội việc làm của nhà trường. Cơ sở giáo dục tổ chức 7 hội thảo nghề nghiệp, 6 khóa đào tạo kỹ năng, 4 khóa đào tạo khởi nghiệp. Trong đó, nhà trường hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản, đưa 14 sinh viên sang làm việc, tổ chức lớp học tiếng Nhật miễn phí.

Cùng bàn về vấn đề này, đại diện của Trường Đại học Hải Dương cho rằng, liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp là chiến lược quan trọng phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những năm gần đây, nước ta đã có nhiều nỗ lực đáng kể từ các trường đại học và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo.

Nhằm cụ thể hóa vai trò này, hệ thống pháp luật Việt Nam đã đưa ra nhiều quy định, khung chính sách nhằm khuyến khích và hoàn thiện sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Chẳng hạn, Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ, tạo điều kiện cho các trường đại học trở thành trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, góp phần giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn chương trình đào tạo bậc đại học, trong đó yêu cầu các trường thiết kế chương trình đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động thông qua liên kết với doanh nghiệp. Đặc biệt, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về hợp tác công tư cũng mở ra cơ hội để các doanh nghiệp và trường đại học cùng triển khai các dự án nghiên cứu và đào tạo có tính ứng dụng cao.

Ảnh minh họa: HUST.
Ảnh minh họa: HUST.

Để xây dựng mối liên kết toàn diện và hiệu quả giữa trường đại học với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động, ta cần triển khai những giải pháp đồng bộ như: tăng cường phối hợp với doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào thiết kế nội dung chương trình đào tạo dài hạn và ngắn hạn, đặc biệt trong các lĩnh vực xã hội có nhu cầu cao; thành lập và mở rộng hội đồng tư vấn có sự tham gia của các đại diện doanh nghiệp với cơ chế họp định kỳ và trao quyền tham gia vào các quyết định chiến lược để tăng cường tính gắn kết và trách nhiệm.

Hơn nữa, cần khuyến khích doanh nghiệp đánh giá kết quả đào tạo bằng cách xây dựng khung đánh giá chuẩn hóa, mời tham gia các hội động bảo vệ luận văn hoặc đồ án và sử dụng làm cơ sở cải tiến. Nên thúc đẩy hoạt động trao đổi nhân lực thông qua chương trình giảng dạy của chuyên gia tại doanh nghiệp, tạo điều kiện để giảng viên phát huy chuyên môn tại tổ chức doanh nghiệp.

Nhà trường cần tận dụng các dữ liệu thu thập được về khảo sát nhu cầu nhân lực và đánh giá cựu sinh viên để định hướng chiến lược đào tạo phù hợp với thực tiễn; tổ chức hoạt động thực tập, ngoại khóa cho sinh viên một cách có hệ thống, bao gồm việc xây dựng mạng lưới đối tác chiến lược.

Lưu Diễm