Ngày 20/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các cơ sở giáo dục đại học về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2019/NĐ-CP.
Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chủ trì. Tham dự hội thảo có Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các đại học, trường đại học khu vực miền Trung và miền Bắc.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Phạm Minh) |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, một trong những vấn đề cốt lõi để triển khai tự chủ đại học là hành lang pháp lý. Trong quá trình triển khai Nghị định 99, có những điều mới nên không tránh khỏi có những bất cập, những vấn đề chưa sáng rõ, còn có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.
Các cơ sở giáo dục đại học công lập cũng là đơn vị sự nghiệp công lập, các giảng viên trong trường đại học cũng là viên chức nên chúng ta vẫn phải thực hiện theo những quy định của đơn vị sự nghiệp công lập và những văn bản pháp luật đối với viên chức.
Hội thảo tập trung vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định 99, những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn, trên cơ sở đó có đề xuất cụ thể nên sửa đổi, bổ sung những điểm nào của Nghị định này.
Ông Nguyết Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trình bày báo cáo về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2019/NĐ-CP. (Ảnh: Phạm Minh) |
Tại Hội thảo, đại diện, lãnh đạo các trường đại học đã thảo luận, chia sẻ những băn khoăn liên quan đến vấn đề người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, thực quyền của hội đồng trường trong thực tiễn hoạt động, thành phần tập thể lãnh đạo và người chủ trì các cuộc họp tập thể lãnh đạo, sự chồng chéo giữa Nghị định 99 với các văn bản pháp luật khác,...
Vai trò của đại học vùng chỉ mang tính chất nhạc trưởng
Chia sẻ tại Hội thảo, Giáo sư Phạm Hồng Quang – Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho biết, đối với mô hình đại học vùng hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc.
Giáo sư Phạm Hồng Quang – Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: Đăng Được) |
Văn bản pháp lý quy định “các đơn vị thành viên của đại học vùng có cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn như một cơ sở giáo dục đại học độc lập, Hội đồng trường của trường đại học thành viên có nhiệm vụ, quyền hạn đầy đủ như hội đồng trường của một trường đại học độc lập”, do vậy, để hội đồng đại học thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất không phải là điều dễ thực hiện được.
Quyền lực bị phân tán, vai trò của đại học vùng chỉ là điều phối mang tính chất nhạc trưởng.
Theo quy định pháp luật, trong các cơ sở giáo dục đại học không còn công chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản hướng dẫn về vấn đề thẩm quyền ký hợp đồng làm việc đối với chủ tịch hội đồng, phó chủ tịch hội đồng, giám đốc, hiệu trưởng và phó giám đốc, phó hiệu trưởng.
Thực tiễn triển khai, Hội đồng trường thành viên và Hội đồng đại học chưa có đầy đủ quyền lực, quá trình thực thi còn nhiều vướng mắc khó khăn.
Về quy định người đứng đầu, các Nghị quyết của Đảng cũng như văn bản pháp luật khác đều có quy định xử lý người đứng đầu, nhưng chúng ta vẫn chưa xác định được ai đứng đầu trường đại học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương – Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế cho rằng, vẫn còn một số vấn đề nhập nhằng trong quản trị đại học mà chúng ta chưa giải quyết được hết.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương cho rằng, cần phải tiếp cận theo mô hình quản trị đại học tiên tiến. (Ảnh: Đăng Được) |
Nghị quyết 19-NQ/TW đã nhấn mạnh “bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường”, muốn nói lên một điều là theo hướng phân quyền chứ không phải tập quyền.
Hiệu trưởng, giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật và quản lý về tài chính chứ không phải người đứng đầu. Đối với các trường ngoài công lập, cơ quan chủ quản đứng đầu một trường đại học, người điều hành đứng đầu rất rõ, còn trường công lập chưa quy định rõ.
Hiệu trưởng, giám đốc là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về tài chính rồi, nếu thêm vai trò đứng đầu nữa thì vai trò của Đảng ủy, của Hội đồng trường càng yếu đi nên cần cân nhắc thận trọng vấn đề này.
Tiến sĩ Lê Viết Báu – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức cũng cho rằng, Hội đồng trường ở nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay chưa phát huy được thực quyền. Hội đồng trường được quy định trong Luật rất rõ về quyền hạn, trách nhiệm nhưng thực tế thực hiện rất khó khăn.
Tiến sĩ Lê Viết Báu cho rằng, thực hiện tự chủ đại học thì thiết chế hội đồng trường là hết sức tiên tiến để thúc đẩy sự phát triển của trường đại học. (Ảnh: Đăng Được) |
Hội đồng trường có vai trò gì trong việc thực hiện giải trình với xã hội hay chỉ hiệu trưởng mới có quyền? Đối với một trường đại học địa phương, đa số công việc Uỷ ban nhân dân tỉnh và Thường trực tỉnh ủy đều làm việc với Hiệu trưởng, vai trò của Hội đồng trường không được đề cao, dẫn tới lãng phí nguồn lực.
Trong khi đó, thực hiện tự chủ đại học thì thiết chế Hội đồng trường là hết sức tiên tiến để thúc đẩy sự phát triển của trường đại học.
Giáo sư Nguyễn Quang Kim – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, theo quy định, Hội đồng trường 3 tháng họp 1 lần thì vai trò của Hội đồng trường trong việc ra quyết định về chính sách, kế hoạch chiến lược, thẩm định các đề án,… sẽ không đảm bảo chất lượng.
Băn khoăn Hội đồng trường có quyền kỷ luật phó hiệu trưởng hay không?
Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hà Nội chia sẻ băn khoăn về khoản 2 Điều 7a trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP: “Hiệu trưởng thực hiện trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; thừa ủy quyền của hội đồng trường để thực hiện các thủ tục đánh giá, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kỷ luật đối với phó hiệu trưởng và tương đương trở xuống”.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch cho biết, hiện nay nhiều người xem hội đồng trường là một đơn vị không có thực quyền. (Ảnh: Đăng Được) |
Việc xem ai là người có quyền hơn trong một cơ sở giáo dục đại học, nếu chúng ta làm không cẩn thận thì sẽ gây ra khó khăn trong quá trình thực hiện.
Quy định này vẫn gây băn khoăn vì khi bổ nhiệm thì do Hội đồng trường thực hiện nhưng sau này kỷ luật thì lại do Hiệu trưởng thực hiện, vô hình trung làm giảm quyền lực của Hội đồng trường.
Giải thích về khoản 2 Điều 7a trong Dự thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Nghị định 112 và Nghị định 115 đều nêu người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong việc bổ nhiệm hay xử lý kỷ luật,… Trong cơ sở giáo dục đại học, người đứng đầu tổ chức Đảng là Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu Hội đồng trường là Chủ tịch Hội đồng trường, người đứng đầu hệ thống quản lý của nhà trường là Hiệu trưởng. Không nên đặt vấn đề ai to hơn ai, và không đặt vấn đề người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, thực tế có những công việc đánh giá, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật, nên cần đưa quy định bổ sung khoản 2 Điều 7a để làm rõ, phải có người có trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu để xử lý những việc này.
Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng- Nguyễn Văn Kính cũng đặt vấn đề, phó hiệu trưởng do Hội đồng trường bổ nhiệm, vậy sau này phó hiệu trưởng vi phạm các vấn đề liên quan đến kỷ luật thì Hội đồng trường có quyền kỷ luật phó hiệu trưởng không?
Liên quan đến khoản 2 Điều 7a trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, thầy Kính cho rằng, cần nêu rõ "hiệu trưởng thực hiện trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu quản lý" chứ không thể là người đứng đầu nhà trường.
Trường đại học có người đứng đầu tập thể Đảng ủy, người đứng đầu Hội đồng trường và người đứng đầu quản lý. Ba người này không ai là người đứng đầu cả trường đại học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam cũng cho rằng cần điều chỉnh lại về chi tiết người đứng đầu trong khoản 2 Điều 7a của Dự thảo. Trong Luật 34 quy định rõ: Hội đồng trường được phép sử dụng bộ máy, cơ sở vật chất của nhà trường để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Nếu Hội đồng trường không được dùng bộ máy, cơ sở vật chất của nhà trường thì tất cả mọi việc trong nhà trường đều do Ban giám hiệu quyết định.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam. (Ảnh: Đăng Được) |
Hội đồng trường có thẩm quyền bổ nhiệm mà không có thẩm quyền đánh giá, không có thẩm quyền kỷ luật thì vai trò của người bổ nhiệm cũng không còn nữa.
Trong vấn đề khen thưởng, đánh giá hằng năm với nhà trường vẫn phải đúng vai trò của Hội đồng trường. Hội đồng trường được quyền giao cho hiệu trưởng – là thành viên của hội đồng trường hoặc một số phòng ban của trường thực hiện một số nhiệm vụ mà hội đồng trường giao cho trước khi vấn đề cuối cùng về đánh giá và kỷ luật.
Nội dung trong khoản 2 Điều 7a có thể khiến mọi người hiểu không đúng theo tinh thần của Luật 34.
Trong một nhà trường, tổ chức Đảng là cơ quan lãnh đạo mang tính định hướng chung, Hội đồng trường là cơ quan quản trị, còn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là những người lãnh đạo, quản lý hành chính của trường.
Vì vậy, trong văn bản cũng nên ghi rõ “hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu quản lý hành chính của nhà trường”.
Tiến sĩ Lê Viết Báu cũng rằng, khoản 2 điều 7a nêu “Hiệu trưởng thực hiện trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập” dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu Hiệu trưởng là người đứng đầu trường đại học, tiếp tục làm lu mờ vai trò của Hội đồng trường.
Không nên đặt vấn đề ai to hơn ai trong trường đại học vì mỗi người, mỗi vị trí đều có chức trách nhiệm vụ riêng, cần phối hợp với nhau thật tốt để thúc đẩy sự phát triển của nhà trường.