Không nên quy định cứng nhắc cách xưng hô giữa thầy cô và học trò

15/02/2022 06:22
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phần lớn học trò ở các tỉnh phía Nam từ cấp học mầm non đến trung học phổ thông đều xưng là “con” đối với thầy cô của mình trong giao tiếp hàng ngày.

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đang bàn luận khá sôi nổi về sự việc nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ quan điểm: “Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là “con” trên trang cá nhân của mình.

Chuyện thầy cô gọi học sinh là “con” hay học trò xưng “con” với thầy cô cũng đã có thời gian được đề cập nhưng cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu. Việc gọi học trò là “con" hay là “em” là “bạn” của thầy cô vẫn diễn ra bình thường và nhiều học trò xưng “con” cũng vẫn khá phổ biến.

Suy cho cùng, xưng hô trong quan hệ thầy trò thì từ “con”; “em”; “bạn” cũng bắt nguồn từ thói quen và văn hóa của từng lứa tuổi, địa phương khác nhau mà thôi.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: thphandinhgiot.pgdthanhxuan.edu.vn.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: thphandinhgiot.pgdthanhxuan.edu.vn.

Vì thế, chúng tôi cho rằng xưng hô như thế nào cũng được, miễn sao phù hợp với văn hóa người Việt và thầy trò giữ được khoảng cách, tôn trọng nhau mới là điều mà chúng ta cần hướng tới.

Học trò phổ thông ở miền Nam đa phần xưng “con”

Là người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc nên ngày còn học phổ thông rồi sau này lên đại học học tập thì chúng tôi vẫn luôn xưng là “em” trước thầy cô của mình và thấy đó là chuyện rất bình thường vì học trò hay sinh viên nào cũng xưng với thầy cô của mình như vậy.

Ngược lại, thầy cô vẫn xưng là thầy, là cô và gọi chúng tôi là em, các em; bạn, các bạn. Lên đại học thì các thầy cô gọi sinh viên là “anh A, chị B” hoặc “các anh”, “các chị” chứ không thấy các thầy cô gọi “con” bao giờ.

Những năm đầu tiên khi mới ra trường tôi dạy học ở một phía Bắc thì học trò cũng xưng “em” với tôi cũng như với những thầy cô khác và điều này được xem là mặc định.

Bởi, những người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc thì phần lớn học sinh từ mầm non trở lên đều xưng “em” với thầy cô của mình. Lên đến đại học cũng vậy, không xưng “con” và cũng gần như không dám xưng “tôi” khi học đại học.

Ngày nay, qua một số clip bài giảng được đưa lên mạng internet, chúng tôi thấy có một số giáo viên mầm non, tiểu học xưng là thầy, cô và gọi học trò là “con” nhưng có lẽ không nhiều.

Còn đối với giáo viên dạy cấp trung học cơ sở trở lên vẫn gọi học trò là “em” hoặc là “bạn A, bạn B…” là cách xưng hô thông thường nhất.

Trái ngược với cách xưng hô trong quan hệ thầy - trò với những tỉnh phía Bắc thì học trò ở các tỉnh phía Nam thường có cách xưng hô rất khác.

Phần lớn học trò từ mầm non đến trung học phổ thông đều xưng là “con” đối với thầy cô của mình, nhất là học trò từ cấp trung học cơ sở trở xuống thì rất hiếm học sinh xưng là “em” dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chính vì thế, những ngày đầu tiên vào miền Nam dạy học, chúng tôi cũng khá bất ngờ và có phần bỡ ngỡ với cách xưng hô của học trò đối với mình nhưng sau này thấy cũng quen dần vì đó là cách xưng hô thông thường ở trong này.

Đối với thầy cô dạy những học trò lớp nhỏ thì vẫn xưng thầy, gọi con, những thầy cô dạy lớp lớn thì có thể gọi học trò là “em”, là “bạn” và thường xưng tôi hoặc xưng "thầy/cô"…

Việc xưng hô ở các tỉnh phía Nam có phần khác rất nhiều so với các tỉnh phía Bắc bởi học trò các tỉnh phía Nam không chỉ xưng “con” với thầy cô mà cách xưng này khá phổ biến đối với những người không quen biết nhưng đáng tuổi cha mẹ, ông bà của mình.

Khi ra chợ, vào quán cà phê, quán bán hàng ăn sáng thì chúng tôi vẫn thấy cách xưng hô của những người bán hàng, mua hàng cũng vậy. Chẳng hạn như “dì bán cho con mớ rau; cho con ly cà phê; cho con tô bún; chú bán cho con thùng mì…”.

Xưng hô như thế nào cho phù hợp?

Quay lại với ý kiến của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, khi ông nêu quan điểm: “Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là con”.

Đồng thời ông bày tỏ chính kiến của mình trên trang cá nhân như sau: “Chúng tôi yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo thảo sớm một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung, trước hết là nhà trường phổ thông, trong đó điều thiết yếu là:

1/ Cấm giáo viên không gọi (xưng hô) học trò là "con", "các con"; phải gọi là "trò", "các trò", "các em", "các bạn".

2/ Yêu cầu các nhà báo, các phương tiện truyền thông không gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là "các con", "con", khuyến khích các phương tiện truyền thông gọi học sinh là "các bạn";

Cũng yêu cầu các nhà báo, các viên chức tại các giao tiếp sự vụ và công cộng, phải gọi người dạy học là "giáo viên", "giảng viên", không gọi là "thầy", "cô"; dành riêng cho học trò, người đang đi học cách gọi "thầy giáo", "cô giáo" !

3/ Khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học”.

Ý kiến của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân thực ra không sai, có thể đúng với ngôn ngữ giao tiếp của tiếng Việt. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cũng không nên quá cứng nhắc trong việc “xưng” và “hô” trong hội thoại giữa thầy và trò ở các nhà trường phổ thông.

Thực ra thầy gọi trò là “con”, là “em” là “bạn” khi với một học trò hay “các con”, “các em”, “các bạn” khi với nhiều học trò hoặc trò xưng với thầy cô là “con”, là “em” còn tùy thuộc vào từng tình huống giao tiếp cụ thể.

Miễn sao thầy và trò đều thấy thoải mái, không gượng ép, không cường điệu ngôn ngữ xưng hô mà dẫn đến sự khiên cưỡng trong giao tiếp thông thường, làm cho tiếng Việt mất đi cái hay, cái đẹp vốn có của nó.

Mối quan hệ thầy trò ngày nay có lúc thế này, thế khác nhưng nhìn chung thì nó vẫn là mối quan hệ đẹp, thiêng liêng.

Vì thế, giáo viên gọi học trò là “con” và học trò xưng là “con” thực ra cũng không không có gì bất thường bởi với cách xưng hô như vậy cũng đang thể hiện được sự gần gũi đáng yêu trong quan hệ thầy trò với nhau.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG